Chuyện ông "Lợi còi" 10 năm góp sức xây dựng nông thôn mới ở làng cổ Đường Lâm

ANTD.VN - 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ xuất phát điểm còn thấp, Đường Lâm hôm nay đã phần nào thay da đổi thịt, tìm cho mình hướng đi đúng đắn. Ông “Lợi còi”, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm cho biết, nói gì, làm gì thì xây dựng nông thôn mới, đích đến cao nhất phải là nâng cao đời sống người dân...

Chuyện ông "Lợi còi" 10 năm góp sức xây dựng nông thôn mới ở làng cổ Đường Lâm ảnh 1

Chăn nuôi gà mía ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội

Đi lên từ cây mía, con gà

Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Phan Văn Lợi dẫn chúng tôi băng qua cánh đồng vào khu chăn nuôi gà mía ở Đường Lâm. Trông dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn của ông, ít ai biết ông là cựu chiến binh, từng bị thương ở mặt trận Mường Khương, Bát Xát (tỉnh Lào Cai) trong những năm chiến đấu bảo vệ biên giới.

Hiện giờ trong người vẫn còn một mảnh đạn pháo sau lưng. Mỗi lần trái gió trở trời ông Lợi lại trằn trọc cả đêm với bệnh tật...

Ít khi ông ở trụ ở xã vì thời gian chủ yếu dành để đi thăm bà con. Ông Lợi được người dân thân thương, trìu mến gọi là “ông Lợi còi” vì cái vẻ bề ngoài ấy. Người dân cả xã Đường Lâm không ai không biết “ông Lợi còi”. Từ người nông dân đến hộ kinh doanh thành đạt…

Ông Lợi vừa đi, vừa kể về chuyện gà mía của Đường Lâm. Gà mía là giống gà đặc sản của Làng cổ ở Đường Lâm được dùng làm lễ vật cung tiến Vua ngày xưa, đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương.

Giống gà Mía thuần chủng có đầu nhỏ, mình vuông, màu lông rất đẹp, da màu vàng. Thịt gà Mía thơm ngon, vị ngọt, đậm đà, dai thịt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 

Theo chân ông Lợi, chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Hà Văn Chiến, một người nông dân và cũng là người bạn đi bộ đội cùng với ông Lợi-Bí thư đảng ủy xã hiện nay.

Là người dân của xã Đường Lâm, một trong những hộ chăn nuôi gà mía lớn của xã, ông Chiến cho biết: Tuy phải đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn nhưng gà Mía dễ nuôi, giá cao, dễ bán, hiệu quả gấp 2-3 lần so với trồng lúa hoặc nuôi các giống gà khác.

Kinh nghiệm của ông là cho ăn đầy đủ bằng các loại thức ăn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ… và nuôi cách ly trong các vườn trại có rào chắn sẽ ít bị dịch bệnh, gà lớn nhanh, khỏe mạnh. Cách nuôi gà mía không chỉ cho gà ăn cám công nghiệp mà phải nuôi theo phương thức nuôi thả vườn.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, bổ sung các loại khoáng, vitamin, nhất là gà ở giai đoạn đẻ trứng và vỗ béo để nâng cao sức đề kháng cho gà. Hiện cả Đường Lâm có 50 hộ liên kết cùng chăn nuôi gà Mía. Họ hỗ trợ nhau từ kỹ thuật đến tình cảm, công sức...

Ông Bí thư Đảng ủy xã nhiều tâm huyết của Đường Lâm (áo hồng)

Ông Lợi băn khoăn vì giá trị kinh tế của gà mía thế nào ai cũng biết nhưng thu nhập của nông dân vẫn bấp bênh vì vẫn phụ thuộc vào thương lái.

“Như trứng gà thôi, có lúc bán 1.000 đồng một quả không ai mua. Giờ 3.000 đồng cũng không có mà bán. Hiện thị xã Sơn Tây và Sở Khoa học công nghệ đang giúp nông dân xây dựng mã vạch cho gà mía để có thể truy xuất nguồn gốc, bảo vệ thương hiệu. Có thế lối ra cho gà mía mới rộng mở hơn. Tôi cũng là người nông dân, xã hỗ trợ được gì đều đã làm hết...” ông Lợi tâm sự.

Với ông Lợi, những cái đã có ở làng quê có đều phải tận dụng hết, nhất là ở Đường Lâm – Trung tâm văn hóa xứ Đoài với nhiều sản vật nổi tiếng từ cây mía. Keo mía (hoặc có thể gọi là mật mía) còn để làm kẹo-cũng lại một sản phẩm lâu đời của Đường Lâm.

Băng qua cánh đồng, ông Lợi dắt chúng tôi tới Doanh nghiệp bánh kẹo Hiền Bao – nơi sản xuất thứ mà ở quán nước, đình làng nào cũng có là kẹo lạc, kẹo dồi…

Theo truyền thuyết xưa, nghề làm kẹo lạc xuất hiện từ thế kỷ 16, khi bà Chúa Mía một người thiếp (Vương Phi) của (Chúa) Trịnh Tráng, người đã có công xây dựng nên ngôi Chùa Mía và dạy cho người dân làng Đường Lâm cách trồng mía và làm kẹo.

Từ vị ngọt thơm của cây mía, bà con đã làm ra các loại kẹo lạc, dồi, vừng, gạo lức…thưởng thức cùng chén nước chè ấm nóng như thứ quà quê giản dị không thể thiếu của người dân nơi này.

Ông Cao Văn Hiền (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm) chủ cơ sở sản xuất kẹo Hiền Bao cho biết, sản phẩm của ông có mặt ở cả trong Nam và ngoài Bắc; khoảng 40% sản phẩm tiêu thụ ở thị trường thành phố, và 30% bán có mặt trong các gian hàng của Nhật Bản tại Việt Nam.

Đặc biệt, sản phẩm kẹo lạc của gia đình còn đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cổ ở Đường Lâm do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức.

Vốc nắm lạc mới rang trong tay, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm tâm sự: “Keo mía có sẵn, lạc nhân dân cũng tự trồng được. Thứ lạc vừa ngon vừa bùi này không phải nơi đâu cũng có. Chẳng cần những sản phẩm gì xa xôi, chỉ cần phát triển, nhân rộng, và xây dựng những thương hiệu này đời sống sống người dân chắc chắn sẽ đi lên mà vẫn giữ được truyền thống lâu đời”.

Sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi tại doanh nghiệp Hiền Bao, Đường Lâm

Đau đáu bảo tồn và phát triển...

Gần 10 năm tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đường Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Lợi cho rằng, xây dựng nông thôn mới mục đích cao nhất là đời sống người dân phải đi lên rõ rệt.

Ông Lợi tranh thủ lắm. Ở thị xã ai cũng biết và quý ông bởi mỗi lúc được đi dự họp trên thị xã ông lại đề xuất, xin hỗ trợ cho bà con, lúc là hỗ trợ giống, lúc là kỹ thuật, lúc là xúc tiến sản phẩm. Hướng đi kinh tế đã có, ông còn đau đáu chuyện gìn giữ làng cổ và phát triển, cải thiện đời sống người dân.

Ông Lợi cho biết, sự gia tăng dân số tự nhiên và nhu cầu cải thiện điều kiện chỗ ở của người dân làng cổ đang là áp lực rất lớn, mâu thuẫn với yêu cầu bảo tồn di tích trong làng cổ.

Đây là vấn đề khiến cấp ủy và chính quyền địa phương "đau đầu". Ông Bí thư nói: "Năm thôn nằm trong phạm vi làng cổ hiện có hơn 1.500 hộ gia đình, với hơn 6.000 nhân khẩu.

Được công nhận là Di tích quốc gia, dân làng chúng tôi rất tự hào. Nhưng các gia đình cũng còn có những băn khoăn, bức xúc về vấn đề giải quyết chỗ ở, nhất là khu vực không được phép xây cao tầng".

Đường Lâm hôm nay

Chỉ vào trụ sở xã, ông Lợi ví von: “Có lẽ đây là trụ sở xã bé nhất cả nước”.

“Tôi cũng là người làng, nói vậy để mọi người cùng chia sẻ với nhân dân Đường Lâm. Khi được công nhận là di tích, người dân rất đỗi tự hào và ai cũng ý thức trong việc cần thiết phải bảo tồn làng cổ cũng như đồng tình với chủ trương bảo tồn, quyết tâm giữ gìn làng cổ. Các cấp chính quyền đều đã quan tâm, nhưng mỗi năm lại thêm một thế hệ ra đời. Tôi chỉ mong muốn có cơ chế để chung tay tìm một lối ra bền vững cho việc bảo tồn. Việc đó chắc chắn cần di dân và cần sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Lợi nói.

Nắng thu đang tràn về trên khắp nẻo đường, ngõ xóm. Những đứa trẻ chiều về náo nức vui đùa trong sân đình làng Mông Phụ. Khung cảnh làng quê đẹp bình yên đến xúc động.

Chia tay Đường Lâm, chúng tôi không hẹn mà đều tự nhủ chắc chắn sẽ quay lại để được vào Chùa Mía nghe ông Lợi “còi” kể về sự tích từng bức tượng trong chùa mà theo ông sẽ mất ít nhất hẳn 4 ngày, 3 đêm. Nhìn những con đường trải nhựa mới, những cánh đồng thơm mùi lúa mới và ông Bí thư đảng bộ xã nhiều tâm tư nhưng luôn nở nụ cười ấy, tự nhiên chợt bồi hồi: “Em đi Sơn Tây bao giờ chưa, tình quê đôi mắt nỗi mong chờ… xao xuyến một đời hương gió bay".