Chuyện những người phát điên ở khúc sông “đoản mệnh”

ANTĐ - Trong một lần đi công tác chúng tôi ghé thăm miền đất Đô Lương xứ Nghệ. Miền quê này vẫn thanh bình nhưng chỉ cần gợi lại sự cố đau lòng cách đây 37 năm khiến 114 người thiệt mạng, người dân xứ Nghệ lại nghẹn ngào. Những tưởng theo thời gian hình ảnh người bị chôn sống, tiếng gào thét trong nước mắt khôn nguôi… sẽ bị lãng quên thì ai có thể ngờ đến giờ vùng đất bình yên này người dân vẫn sống trong những tin đồn nhuốm đen sắc màu mê tín.

Ngày định mệnh ở khúc sông “đoản mệnh”

“Đây là khúc sông “đoản mệnh” - ông Lê Văn Liên, nguyên Phó ban quản lý nhân sự Công trình Hiệp Hòa nói với chúng tôi như vậy. Sự cố đau lòng xảy ra khi hàng trăm thanh niên các huyện ở tỉnh Nghệ An đang tiến hành khoét núi để mở rộng dòng chảy, dẫn nước từ sông Lam về phục vụ tưới tiêu cho bốn huyện chiêm trũng xứ Nghệ. Ông Lê Văn Liên kể lại: “Cũng vì để phục vụ kịp thời cho mùa màng nên triển khai xây dựng hơi hấp tấp, vội vàng, đào dốc quá nên đất đã đổ ập từ trên xuống. Hậu quả là 114 thanh niên đã bị chôn vùi vào đất. Một vụ chết thương tâm mà oan uổng, đó cũng là bài học cho những người tổ chức thi công”. 

Cũng theo ông Liên sở dĩ nhiều người đã chết ở đây là vì địa thế hai bên khúc sông này quá dốc. Thực tế trong lịch sử vào những năm đầu của thập kỷ 30, binh lính Pháp đã xây dựng làm cống Hiệp Hòa để phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa. Nhưng kế hoạch đã không được như ý nguyện, bởi trong lúc xây dựng, cống đã đổ sập làm chết rất nhiều lính Pháp, sau sự cố đó họ đã bỏ dở, hiện phế tích ban đầu của cống Hiệp Hòa vẫn còn. Nhắc lại câu chuyện đau lòng năm xưa, ông Phan Văn Tùng, công nhân làm nhiệm vụ lái máy ủi cứu những nạn nhân xấu số ra khỏi hiện trường kể lại: “Vụ việc xảy ra quá bất ngờ, tất nhiên là không ai mong muốn nhưng cái giá do sơ suất trong thi công thì quá đắt khi cướp đi tính mạng của 114 thanh niên trẻ”… 

Cuộc giải cứu bằng máy ủi 

Ông Nguyễn Cảnh Mai, một người dân sinh sống ngay sau khu vực núi bị sập nhớ lại: “Tôi đang ăn cơm bỗng nghe tiếng động lớn, tiếng hét inh ỏi. Bỏ dở bát cơm chạy ra xem thì trông thấy một cảnh tượng kinh hoàng, người người bị nhấn chìm dưới đất, chân tay chìa lên như để kêu cứu nhưng bất lực…”. Chứng kiến cảnh tưởng đau lòng ấy, ông Mai đã cùng người dân lao vào giải cứu các nạn nhân, 114 thi thể ngay sau đó đã được đưa lên bờ đê để tắm rửa. Phần lớn người bị chết này ở huyện Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu và một số người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương nhiều nhất, có tới 39 người thiệt mạng. Theo ông Mai, 114 người chết này là những người làm ca chiều bắt đầu từ 12 giờ trưa, chủ yếu là người ở huyện Thanh Chương. Ca sáng được phân công cho người dân huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu làm. Để kịp tiến độ, những người làm ca chiều đã tranh thủ đến sớm ăn tạm cái bánh mỳ lấy sức, rồi đứng theo dây chuyền để đưa đất đắp lên cao. Oái oăm thay, đang ăn dở cái bánh mỳ, đất trên đồi bỗng trượt xuống, chôn sống họ chỉ trong 30 giây. Khi đưa các nạn nhân ra khỏi đống đất đá, nhiều người còn chưa nuốt hết miếng bánh mỳ. 

Ông Nguyễn Đình Toàn, cựu chiến binh sống ở xã Hòa Sơn nhớ lại: Lúc đó, tôi đang nghỉ trưa thì nghe tiếng la hét, lúc ra thì thấy mọi người vây quanh nhao nhác, dưới sông người chết ngổn ngang nhuộm một màu đỏ của máu, người người than khóc, gào thét, một cảnh tượng khiến người sống cũng như chết lặng. Thê lương hơn, khi đưa được xác 114 nạn nhân lên thì không một ai còn nguyên vẹn các bộ phận. Thậm chí, một số người còn bị nát đầu, nát mặt nên người nhà không thể nhận ra. Hầu hết các nạn nhân ấy đang trong độ tuổi thanh xuân, nam thanh nữ tú. Lúc đó đói nghèo lắm, không có gì mà ăn, vậy mà vì công việc của xã hội họ vẫn nguyện góp sức vào làm. 

Sau khi đưa được 114 nạn nhân ra khỏi đống đất đá, thi thể các nạn nhân được đặt thành bãi dọc hai bên bờ sông. Ngay sau đó, UBND xã Hòa Sơn cùng với lực lượng bộ đội đã huy động 2 chiếc xe thùng chở cồn và nước ra hiện trường để tắm rửa, khâm liệm cho họ. Sau đó, gia đình các nạn nhân đã đến nhận dạng, đưa thi thể người xấu số về quê an táng. Thật đau đớn, đến sáng ngày hôm sau, thi thể một số nạn nhân vẫn phải nằm lạnh lẽo vì mặt mày đã bị biến dạng khiến thân nhân không thể nhận ra. 

Chuyện ma “bỏ bom” người sống 

Nỗi đau ngày đại tang từ vụ sập đồi xảy ra gần 4 thập kỷ về trước, tưởng chừng theo thời gian sẽ nguôi ngoai và cũng không ai muốn nhắc lại. Thế nhưng, những lời đồn thất thiệt “bỏ bom” người sống lại được thêu dệt nên khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Sự việc càng được bàn tán khi sau đó họ xâu chuỗi những câu chuyện ly kỳ xảy ra có sự trùng hợp với nhau đến từng chi tiết khiến những câu chuyện kể quanh khúc sông “đoản mệnh” này người ta cho là có thật. 

Câu chuyện đầu tiên được bàn tán là chuyện cô gái là con của một người phụ nữ làm công tác thủy lợi tại cống Hiệp Hòa. Cô gái đang theo học năm thứ 2 trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng thì bỗng bị điên dại. Người ta đồn rằng một lần cô gái đến chỗ mẹ làm chơi, những linh hồn vất vưởng, những “con ma đói” đã nhập hồn vào cô. Sau ngày ấy cô sinh viên ôm đầu khóc rồi la hét suốt ngày. Mẹ cô gái không biết nghe ai mách đã cho xây một cái miếu thờ nhỏ nằm sát bên quả đồi nơi xảy ra vụ sập đất làm chết hơn 100 mạng người. Lời đồn cứ thế loan xa khiến nhiều gia đình có con em thiệt mạng năm xưa ở huyện Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc đã thường xuyên đến thắp hương, cầu siêu, giải hạn. 

Sau câu chuyện của “cô gái hóa điên” bắt đầu xuất hiện những lời đồn “ma quỷ” được tái hiện ở miền đất này. Đó là trường hợp của một người phụ nữ ở xóm Cồn Mội, xã Hòa Sơn - hôm đó vào một buổi trưa cách đây gần 30 năm, có một người phụ nữ một mình ra khúc sông năm xưa bị sập giặt quần áo không may bị ngã xuống sông nhưng may mắn thoát chết. Từ sau ngày hôm đó người phụ nữ bỗng dưng phát điên, hóa dại, miệng lẩm bẩm và đi lang thang suốt ngày… Tiếp đó, vào khoảng 12h một buổi trưa hè năm 2006, anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương đi đánh cá trên con sông Đào thuộc địa phận xã Hòa Sơn. Lúc đang chèo chiếc thuyền gần tới cống Hiệp Hòa thì anh Nam nhìn thấy có người đang tắm bên mép sông và tiến sát lại, rồi bỗng dưng chiếc thuyền bị lật chìm xuống nước. May mắn anh Nam sống sót, nhưng tối hôm ấy trở về nhà, anh lăn ra ốm và phát điên dại… 

Nhiều người đặt câu hỏi liệu khúc sông “đoản mệnh” này có phải là nơi trú ngụ của ma quỷ khi hàng năm lại có tới hàng chục vụ chết đuối thương tâm xảy ra, xác người chết đuối đều trôi dạt về xuôi rồi mắc kẹt trong cống Hiệp Hòa… khúc sông “đoản mệnh” kia vẫn hoang vu, người dân ở đây bảo rằng sóng nước dập dềnh như tiếng gào thét của những linh hồn chết tức tưởi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Để tìm hiểu cặn kẽ sự tình về khúc sông “đoản mệnh” này, chúng tôi mang những câu chuyện thực hư trên trao đổi với bậc cao niên ở xã Hòa Sơn là cụ Phan Thị Mai, 84 tuổi thì được chia sẻ: “Tôi có chứng kiến vụ sập đồi chết người ở cống Hiệp Hòa. Sau vài ba năm nguôi ngoai nỗi đau, mảnh đất xã Hòa Sơn vẫn yên bình không có lời đồn gì cả. Thế nhưng, gần chục năm trở lại đây, lời đồn thổi về “ma quỷ” ngày một nhiều khiến tâm lý nhiều người dân bị xáo trộn hẳn. Và đến tận bây giờ nhiều người không dám đi một mình qua khu vực này vào ban đêm nữa”…

Dẫu rằng tất cả những câu chuyện trên đều là hoang đường, lời đồn đều được thêu dệt, không có thật, nhưng chuyện “ma-quỷ-theo-người” vẫn đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân sinh sống trên khu vực này, và câu chuyện ở khúc sông “đoản mệnh” kia vẫn phải tiếp tục “thức dậy” cùng những lời đồn mê tín dị đoan.