Chuyện những hành khách lố bịch

(ANTĐ) - Do hay phải đi công tác xa nên anh Nguyễn Hữu Trung, ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội thường lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Tuy vậy, lần đi máy bay hồi cuối tháng 4 vừa rồi có lẽ  làm anh “ấn tượng” nhất.

Báo động những hành vi vô văn hóa trên các phương tiện vận tải công cộng:

Chuyện những hành khách lố bịch

(ANTĐ) - Do hay phải đi công tác xa nên anh Nguyễn Hữu Trung, ở khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội thường lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Tuy vậy, lần đi máy bay hồi cuối tháng 4 vừa rồi có lẽ  làm anh “ấn tượng” nhất.

Những trò lố trên một chuyến bay

Dù đã gần một tháng trôi qua song khi kể lại câu chuyện này, anh Trung vẫn khá bức xúc: “Trong chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tôi ngồi cạnh một thanh niên “lần đầu đi máy bay”. Trong khi ngồi chờ máy bay khởi hành, người thanh niên này đã nhanh tay cho hết những cuốn tạp chí gần chỗ anh ta ngồi vào ba lô rồi bấm cuộc gọi “tường thuật tại chỗ” chuyến bay cho bạn gái. Mặc dù không muốn nghe lỏm chuyện người khác song tôi không thể không nghe thấy những tiếng oang oang đang phát ra từ “chiếc loa phóng thanh” bên cạnh. Sau khi thông báo thời tiết, vị trí chỗ ngồi… anh thanh niên này tiếp tục bật máy nghe nhạc rồi để sát vào điện thoại cho người ở đầu dây bên kia cùng… thưởng thức. Lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, mặc dù đã nghe thấy thông báo “đề nghị quý khách tắt điện thoại di động và các thiết bị thu phát sóng”, song anh ta cố tình lờ đi và tiếp tục sử dụng điện thoại. Bị tiếp viên hàng không nhắc nhở, anh ta bày tỏ thái độ khó chịu, miễn cưỡng tắt máy đồng thời phát ngôn những câu rất khó nghe”…

Cũng theo anh Trung, “Khi máy bay cất cánh được khoảng 10 phút, người thanh niên này tiếp tục bật điện thoại, tháo dây an toàn dù cảnh báo thắt dây an toàn vẫn được bật. Thậm chí sau khi được phục vụ bữa ăn nhẹ, anh ta không chỉ vứt rác lung tung ra sàn máy bay, không gập bàn ăn mà còn gác 2 chân lên bàn tiếp tục nghe nhạc. Lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, sau khi nghe lời nhắc “đề nghị quý khách thắt dây an toàn và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh” thì người thanh niên này lập tức ra khỏi chỗ ngồi đi thẳng đến toilet. Tiếp viên hàng không nhắc nhở thì anh ta giở giọng… Chí Phèo: “Tôi buồn… thì tôi phải đi, chả nhẽ vệ sinh tại chỗ à? Hay cô cho tôi mượn cái bô?”. Từ nhà vệ sinh ra với nét mặt hớn hở, đắc thắng, anh ta quay sang tôi… chia sẻ: “Với bọn tiếp viên này mình phải “rắn”, không bọn nó bắt nạt ngay?! Mất bao nhiêu tiền đi máy bay mà cứ bị bọn nó o ép, xét nét, bực cả mình. Sau chuyến này về chắc em phải viết đơn gửi lãnh đạo hãng hàng không để đuổi hết bọn hách dịch này mới được. Khách hàng là thượng đế mà”?!

Phớt lờ người xung quanh

Câu chuyện về những hành khách thể hiện thái độ thiếu văn minh khi tham gia vào các phương tiện giao thông công cộng dường như vẫn đang là một thực trạng nhức nhối và là căn bệnh trầm kha khiến không ít người cảm thấy bất bình. Là nhân viên lái xe buýt có thâm niên trong nghề gần 30 năm, anh Nguyễn Hữu Việt chia sẻ: “Hàng ngày, phải tiếp xúc với rất nhiều hành khách đi xe, đa dạng cả về thành phần xã hội và tính cách, khiến tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện, tốt cũng có mà xấu cũng nhiều. Nhiều lúc, tôi còn cảm thấy xấu hổ thay cho những người có hành vi thiếu văn hoá khi đi trên xe”.

Anh Việt kể, có lần, một thanh niên ăn mặc khá bảnh bao vừa nhảy lên xe đã nằm lăn trên ghế mà không quan tâm đến những người xung quanh. Mặc dù trên chuyến xe ngày hôm đó, người lên, xuống khá đông, thậm chí có những lúc hành khách còn không có chỗ ngồi nhưng người thanh niên đó vẫn không quan tâm và thản nhiên nằm ngủ, chiếm cả một hàng ghế dài, thậm chí có lúc còn gác chân lên hàng ghế đối diện khiến hành khách rất khó chịu. Bị một số người nhắc nhở, anh ta tỏ thái độ khiếm nhã. Lần khác, một cô gái vừa lên xe đã bật máy điện thoại nói chuyện “riêng tư” với bạn trai một cách thản nhiên, bất chấp ánh mắt không mấy thiện cảm của những người đi cùng. Không thể chấp nhận được điều đó, một hành khách trung niên đã lại gần nhắc nhở. Tưởng cô gái sẽ tắt điện thoại và xin lỗi, nhưng trái lại cô gái này đã hùng hổ đứng dậy xỉa xói người phụ nữ không tiếc lời, kèm theo câu nói tục tĩu: “Đồ điên! Tôi nói chuyện điện thoại thì ảnh hưởng gì đến bà. Đúng là rỗi hơi!”.

… và thiếu ý thức tới mức khó hiểu

Chưa hết, ngay cả trên một số phương tiện giao thông như tàu thuỷ, tàu hoả - những phương tiện giao thông được nhiều người lựa chọn cũng phải chịu chung số phận khi nhiều hành khách không chấp hành những nội quy, quy định trên tàu. Anh Phạm Bảo Anh, nhân viên một công ty du lịch ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Rất nhiều lần tham gia trực tiếp khảo sát một số tour du lịch ở vịnh Hạ Long cho công ty, tôi đã mục sở thị sự thiếu ý thức nghiêm trọng của hành khách.

Đơn cử như trên những con tàu chuyên chở hành khách ra đảo tham quan, mặc dù đã được chủ tàu gắn những tấm biển bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh là: “Cấm hút thuốc lá”, song nhiều hành khách thiếu ý thức tới mức khó hiểu. Họ hút thuốc lá một cách tự nhiên mà không nghĩ rằng nếu tàn thuốc lá rơi xuống sàn tàu hay ở những nơi dễ bắt lửa, có thể dẫn đến hoả hoạn, gây nguy hiểm đến tính mạng của những người đi cùng…”. Tương tự, đối với tàu hoả, ai cũng biết ở những toa giường nằm, đơn vị khai thác phải đầu tư số tiền rất lớn để trang bị những thiết bị như: điều hoà, quạt, giường tầng, nhưng nhiều hành khách thiếu ý thức đã “tò mò” đến mức tháo những thiết bị này ra để “tìm hiểu” bên trong xem thế nào. Nhiều hành khách đi tàu đêm, nhưng lên tàu thì “buôn” chuyện cả đêm khiến những hành khách đi cùng chỉ có nước than trời…

Có thể nói, cách ứng xử của hành khách khi tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng, hay ở bất kỳ nơi nào khác phần nào thể hiện văn hoá, thái độ tôn trọng người khác của chính cá nhân đó với những người xung quanh. Tạo nên một hình ảnh đẹp, lối ứng xử văn minh là tuỳ thuộc vào chính mỗi người. Từ những câu chuyện thực tế trên đây, rất mong mỗi cá nhân hãy tự rút ra bài học cho chính mình…

Ngọc Bảo - Huệ Linh

Tôn trọng mọi người là tôn trọng mình

Chúng ta nên học cách có những ứng xử đẹp trong giao tiếp, có thái độ tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt ở những nơi đông người. Thực tế cho thấy, tình trạng chen lấn, xô đẩy, mở nhạc, nói to, sử dụng điện thoại di động ở những nơi không được phép của những người tham gia vào phương tiện công cộng như tàu hoả, máy bay, xe buýt, tàu thuỷ… gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh, khiến hành khách khó chịu, không hài lòng. Mặc dù những hành vi này không vi phạm luật nhưng nó phạm phải những quy tắc ứng xử cần thiết của mỗi người khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Đó là những quy tắc chung, không chỉ riêng ở một quốc gia mà còn mang tính quốc tế cần được tôn trọng. Mọi người đều có quyền tự do của mình nhưng sự tự do đó không ảnh hưởng đến người khác và phải tôn trọng những quy tắc chung của xã hội. Nếu thấy những người xung quanh có thái độ khó chịu thì người có hành vi không đúng cần phải rút kinh nghiệm và có thái độ nhận lỗi để sửa chữa. Bên cạnh đó, những người thực thi nhiệm vụ đối với những đối tượng xã hội khi tham gia vào các quan hệ xã hội đó cần có trách nhiệm xử lý theo đúng quyền hạn, đúng pháp luật, tránh tình trạng vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình mà có những xử lý trái với quy định của pháp luật.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Cần xử lý nghiêm để làm gương

Khi sử dụng bất cứ phương tiện giao thông công cộng nào, hành khách phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với loại phương tiện đó. Cụ thể là theo Luật Hàng không, hành khách phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển... Nghị định 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng đã quy định khá rõ về từ chối vận chuyển với hành khách gây rối, người mất khả năng làm chủ hành vi… và cấm bay đối với hành khách không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không, gây rối trật tự và kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay (tái phạm nhiều lần). Luật Đường sắt cũng quy định rõ nghĩa vụ của hành khách đi tàu là phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tàu và những quy định khác của pháp luật có liên quan….

Hành khách khi vi phạm một trong các quy định trên sẽ bị xử lý. Bởi khi sử dụng phương tiện công cộng, vi phạm của một cá nhân có thể sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều người, thậm chí sẽ gây ấn tượng xấu cho khách nước ngoài về bộ mặt của đất nước mình. Dù khách hàng là người bỏ tiền ra mua vé song điều đó không có nghĩa họ muốn làm gì trên phương tiện họ thuê vận chuyển cũng được. Theo cá nhân tôi, với những hành khách có hành vi vi phạm song cố tình gây rối, chống đối không nhận ra cái sai của mình làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, gây mất thời gian, tiền bạc của nhiều cơ quan chức năng cần bị xử lý một cách nghiêm khắc để làm gương.

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội