Chuyện người phụ nữ “thích” ăn núi ngủ rừng

ANTĐ - Ốm đau, sốt rét giữa rừng, rơi xuống khe sâu và may mắn sống sót… đó là những kỷ niệm của Đại sứ Nước 2014 Trần Minh Phượng -  người phụ nữ nhỏ bé đã đi khắp mọi miền đất nước để ghi và kể những câu chuyện về nước. 
Chuyện người phụ nữ “thích” ăn núi ngủ rừng ảnh 1
Trong những chuyến công tác địa phương, Trần Minh Phượng tranh thủ đi khắp nơi vận động người dân bảo vệ nguồn nước 

Yêu mỗi giọt nước

Được truyền tình yêu thiên nhiên từ bố (giảng viên môn Sinh Đại học sư phạm Hà Nội) ngay từ bé, Trần Minh Phượng đã rất để ý tới cuộc sống quanh mình, đặc biệt là nước sạch. Những năm cuối tiểu học, khi giúp bố mẹ gánh nước về nhà, dù mỏi hay đau chân, cô bé Trần Minh Phượng luôn cố gắng không để rớt giọt nào. Càng lớn Phượng càng thấy nhiều người cho rằng nước là của trời cho, là vô tận nên dùng rất lãng phí. Nhiều sông, hồ bị ô nhiễm nặng nề cũng đều do con người gây ra. “Vì thế, tôi luôn muốn khi lớn lên sẽ trở thành tuyên truyền viên, bởi tôi biết sẽ chẳng thể quản lý tốt tài nguyên nước nếu cộng đồng không hiểu được giá trị của nguồn nước”, chị Phượng chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh năm 1996, chị nộp hồ sơ xin việc ở Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường, để thỏa đam mê nghiên cứu về các giá trị văn hóa-xã hội của nước. Từ đó không ít chương trình, mô hình đã ra đời, có hiệu quả thiết thực. Những mô hình mà chị Trần Minh Phượng cùng các đồng nghiệp tổ chức như “Đoạn sông tự quản”, “Quy ước bảo vệ nguồn nước”; tổ chức các câu lạc bộ “Dòng sông quê em” thực hiện ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Thuận, Lai Châu... Thiết kế và thực hiện cuộc thi Sáng tác kịch bản phim về tài nguyên nước, Vẽ tranh về nguồn nước...  đều đạt hiệu quả, được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao.

Với vai trò là một tuyên truyền viên, chị Phượng còn xây dựng nhiều mô hình truyền thông nâng cao nhận thức về tài nguyên nước cho người dân. Năm 2011,  khi tìm hiểu trên mạng thấy thế giới tổ chức Ngày nước rầm rộ vào 22-3, chị Phượng nảy sinh ý tưởng tổ chức ở Việt Nam. Chỉ sau 2 ngày lên chương trình từ nội dung, thông điệp đến các hạng mục, chị Phượng đề xuất thực hiện ý tưởng này và được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ký duyệt. Trải qua 4 năm, đến nay Ngày nước thế giới đã tạo được tiếng vang lớn với nhiều hoạt động thu hút cộng đồng quan tâm như: triển lãm tranh ảnh tài nguyên nước, tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em nghèo, các hội thảo khoa học về tài nguyên nước... Năm 2013, Ngày nước thế giới ở Cần Thơ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 tại Lai Châu có sự tham gia của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. 

Với những đóng góp của mình, tháng 7-2014, chị Trần Minh Phượng đã vinh dự được Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam trao giải Đại sứ nước năm 2014 nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Chuyện người phụ nữ “thích” ăn núi ngủ rừng ảnh 2
Bữa cơm lúc 2 h sáng cùng lực lượng kiểm lâm VQG Yokdon, Đaklak

Đằng sau những phận người

Thường xuyên đi công tác xa nhà, không ít bạn bè đều bảo chị là “Hâm! Gái Hà Nội mà cứ lang thang rừng rú làm gì không biết”. Thế mà kệ, chị vẫn cứ đi. Tính trung bình mỗi tháng chị đi công tác 2, 3 chuyến. Nhanh thì 1, 2 ngày, lâu thì 1 tuần, nửa tháng. “Có những tháng gần Tết, mình vẫn đang đi công tác ở Thanh Hóa, con mới hơn 1 tuổi. May mắn lớn nhất của tôi là được gia đình ủng hộ”, chị Trần Minh Phượng chia sẻ. 

Truyền thông về nước, chị Phượng phải có mặt ở hầu hết vùng sâu, vùng xa. Những con đường đất đỏ, những cao nguyên bạt ngàn đá, hay những bản làng vùng biên là những nơi chị đã từng đi qua. Ăn ngủ, đi rừng cùng dân bản, chị kể không thể nhớ hết bao lần sốt xuất huyết, sốt rét, hay bị vắt cắn máu thấm đầy áo. Duy chỉ có kỷ niệm nhớ mãi là khi đi thực tế ở Khe Sanh (Quảng Trị), 8h tối mà cả đoàn vẫn đi bộ trên đèo, trượt chân, chị Phượng rơi xuống cái khe sâu chừng 20m rồi ngất đi. “May mà mọi người vẫn tìm thấy tôi. Mừng quá ôm nhau khóc cả tối. Đấy là kỷ niệm đáng nhớ nhất đời tôi”, chị Phượng tâm sự.

Ở những chuyến đi công tác dài ngày ấy, Minh Phượng nhớ nhất hình ảnh những người phụ nữ Vân Kiều tất tả giặt quần áo, lấy củi, gánh nước, thậm chí cả đào vàng,  những mẹ già người Pa Cô ngồi bên bờ suối,  chỉ mong có rừng, có nước sạch, có lửa để dùng... “Thế mà phụ nữ ở nhiều nơi hầu như chẳng có tiếng nói, nghĩ mà thương lắm”, chị Phượng nói. “Phụ nữ bao giờ cũng là người sử dụng, điều tiết và chịu tác động nhiều nhất của mọi thứ, không chỉ riêng nước. Tôi luôn cố gắng để làm được điều gì đó ý nghĩa cho những người phụ nữ”, chị Phượng tâm sự. Con trai chị Phượng giờ đã học lớp 9, rất thích chụp ảnh và được đi theo mẹ. “Tôi luôn mong muốn sau này khi nghỉ hưu sẽ về Đakrông (Quảng Trị) mở lớp dạy học cho các em nhỏ dân tộc ở đây. Dạy các em bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường sống quanh mình và tiếng Anh” - đó là ước mơ của Trần Minh Phượng, người luôn tự nhận mình là người phụ nữ bình thường muốn làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng.

Nói về công việc của mình - một tuyên truyền viên về nước, chị Trần Minh Phượng tóm tắt: Đi, ghi chép, nói chuyện. Đi thì toàn vùng cao, vùng sâu, những nơi thiếu nước sạch hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.  Ghi chép lại những câu chuyện dân gian về nước, những cách tìm nguồn nước, những tấm gương về giữ gìn nước cho cộng đồng. Nói chuyện là khó nhất bởi phải làm sao để mọi người hiểu giá trị của nước khi mà lãng phí nước hầu như đã là thói quen.