Chuyện nghĩa địa người Do Thái và bến đỗ giữa Praha phồn hoa

ANTD.VN - Cách đây vài năm, tôi đã vô cùng mê mẩn cuốn “Nghĩa địa Praha” của nhà văn gạo cội người Italia, Umberto Eco. Chẳng cần tới lúc phải đọc hết nội dung về những kiến giải phong trào bài Do Thái ở châu Âu dẫn đến nạn diệt chủng trong Thế chiến thứ hai, chỉ riêng tựa đề đã gợi lên một liên tưởng bi thương với người Do Thái trong những khoảnh khắc gắn liền lịch sử. 

Chuyện nghĩa địa người Do Thái và bến đỗ giữa Praha phồn hoa ảnh 1Cầu Charles bình yên

12.000 ngôi mộ cổ xếp chồng lên nhau 12 tầng

Ở Praha (Thủ đô của Cộng hòa Czech ở trung tâm châu Âu), khu Do Thái cổ chỉ cách cầu Charles vài trăm mét. Có những dân tộc chu du khắp thế giới tạo nên một cộng đồng khép kín kỳ lạ và bí ẩn là người Hoa, người Do Thái và người Digan. Nếu như giờ đi đâu cũng thấy khu China Town thì cách đây nhiều thế kỷ, các khu Do Thái ở châu Âu cũng phổ biến không kém. Người Do Thái thường quần tụ trong một khu riêng với những quy ước và tín ngưỡng riêng biệt.

Cả trường học, nhà thờ, hàng quán, nơi làm việc và nghĩa trang cũng nằm biệt lập với phần còn lại của Praha, ngăn cách bởi dãy tường bao. Một phần khu dân cư ấy đã được trưng dụng làm nơi tham quan có bán vé, gọi là Vườn Do Thái. Giá vé cũng lên tới 30 Euro. Dĩ nhiên đã vào đến đó chẳng ai lại không ghé qua nghĩa địa Do Thái - nơi chôn cất độc nhất vô nhị với 12.000 ngôi mộ cổ xếp chồng 12 tầng lên nhau trong suốt gần 4 thế kỷ (thế kỷ XV-XVIII). 

Luật Do Thái không cho phép di dời mộ trong khi đây lại là nghĩa trang duy nhất của họ nên mới có chuyện người chết chồng chéo đến 12 tầng như vậy. Những bia mộ chen chúc lô xô trong nghĩa địa Praha là nguồn cảm hứng bi ai cho biết bao đại văn hào, thi hào, các đạo diễn, họa sĩ lừng danh và xuất hiện ở vô số những trang họa báo trên khắp địa cầu, đặc biệt là khi câu chuyện đau thương của hàng triệu người Do Thái bị sát hại sau nạn diệt chủng đã là một vết đen không thể xóa mờ trong lịch sử thế giới. Một tiến sĩ, một bạn di dân kinh ngạc hỏi tôi:

- Tại sao em lại cứ thích xem cái nghĩa địa?

- Em không biết, em chỉ nghĩ đấy là một trong những nơi quan trọng em muốn nhìn thấy khi đến Praha.

Lúc đứng trên vỉa hè Vườn Do Thái, một con đường hẹp vắng lặng và buồn bã, tôi ngạc nhiên khi thấy những người còn lại đứng im không nhúc nhích:

- Mọi người không vào hay sao?

- Không, em vào đi. Mọi người đứng ngoài này chờ. 

Anh bạn tôi nói thêm:

- Anh không thích vào, vì... khí âm ở đấy nhiều lắm. 

- Thế thì thôi vậy!...

Con đường đến nhà người bạn di dân

Anh bạn tôi có ý định mời chúng tôi ăn tối, nhưng là tại nhà. Tôi hứng khởi lắm. Việc đến thăm không gian sống của bất kỳ người nào đều là một sự tò mò ghê gớm, đặc biệt khi người đó lại là một nhân vật di dân. Khách sạn của tôi nằm ở vị trí vô cùng thuận tiện, gần bến Florenc, lại từ đó xuôi về quần thể quảng trường, phố cổ, cầu Charles và lâu đài Praha đều không xa là mấy. Anh bạn bảo nhà anh ở cùng phố với tôi, chỉ cần đi ngược hướng kia, qua ngã tư vài trăm mét là tới. 

Tối ấy, chúng tôi chuẩn bị một bộ quần áo dày ấm áp, cả đôi ủng mới mua bên cửa hàng bách hóa và vài cuốn sách tặng để đến dự bữa tối nhà anh Cường. Nhưng lần nữa, tôi lại phải kết luận rằng sự định vị về không gian của những người bên này thực sự rất có vấn đề. Con đường tối om hun hút trần mình dưới mưa lây phây. Tôi bắt đầu thất thểu, nhuệ khí dần biến mất khi nhận ra rằng, mặc dù địa chỉ nhà anh chỉ cách khách sạn của tôi hơn 100 số nhà nhưng mỗi tòa nhà ở đây có mặt tiền dài tới mấy chục mét.

Tôi đành pha trò rằng ví thử có một chàng trai trẻ đẹp đi bên cạnh thì quãng đường liêu trai dưới mưa lắt lay, trong ánh sáng bàng bạc của đêm đông Praha sẽ hóa ngắn lại đến bội phần, nhưng mà chúng tôi mệt quá rồi, cả ngày nay đã phơi mình dưới giá lạnh để chạy rong khắp thành cổ. Ấy là mới nể sức khỏe và cả sự nhiệt tình của anh bạn khi mặc phong phanh một chiếc áo khoác mỏng, không găng không mũ mà dẫn chúng tôi rong ruổi khắp nơi.

Tôi đi qua một nhà hàng Việt Nam theo chỉ dẫn qua điện thoại của anh (Không hiểu sao riêng khúc phố này mà lắm nhà hàng Việt Nam đến thế), bỏ qua vài ngã tư và thêm một vườn hoa nữa rồi dừng lại trước khu chung cư trông rất giống lối xây của người Tàu. 

Chuyện nghĩa địa người Do Thái và bến đỗ giữa Praha phồn hoa ảnh 2Nghĩa địa Do Thái, một nơi chôn cất độc nhất vô nhị với 12.000 ngôi mộ cổ xếp chồng 12 tầng lên nhau

Chuyện ở Tây và chuyện về quê hương

Anh bạn đã đợi sẵn rồi dẫn chúng tôi lên tầng hai. Ở đó con gái anh đang làm món mì tuyệt ngon, loại mì trộn nấm cô bé mới học được của một nhà hàng châu Á. Anh bạn tôi ở có hai cha con thôi, trong một căn hộ xinh xắn hơn 70m2, giá rất rẻ, chỉ gần 2,7 tỷ tiền Việt mà ngay mặt đường chính, đi bộ một loáng là vào đến phố cổ. Anh bảo đã trả góp được hơn một nửa rồi, vẫn còn nợ khoảng 40.000 USD nữa.

Gia đình còn lại của anh gồm vợ và 2 con bé sống ở một thành phố khác cách Praha 300km. Thuở tóc xanh anh là sinh viên của trường đại học ở thành phố ấy, rồi được giữ lại trường giảng dạy, nhưng sau chuyển dần sang làm cho các công ty với thu nhập tốt hơn. Cứ thế số phận run rủi, anh lấy vợ sinh con rồi mua nhà ngay tại cái nơi anh đã học tập và làm việc. Từ ấy đến nay đã hơn 30 năm…

Vì yêu cầu của công việc mà bố con anh chuyển lên Praha mua thêm một căn khác để tiện cho bố đi làm, con học đại học. Cuối tuần bố con lại lóc cóc bắt xe lửa về nhà để đoàn tụ. Trong các câu chuyện vặt suốt mấy ngày ròng ở Praha, vào những bữa ăn vội vã giữa ngày, anh liên tục lặp đi lặp lại một lời than thở: 

- Vì số phận thiếu may mắn nên ở tuổi này rồi anh vẫn còn phải lang thang thế này chứ. 

- Anh có lang thang gì đâu, anh đang ở nhà anh kia mà. Và anh đang ở một trong những nơi phồn vinh nhất châu Âu - Tôi ngạc nhiên - Anh còn có tận 2 cái nhà.

- Không, căn nhà này tạm bợ thôi. 

- Anh giải thích rằng ở tuổi anh lẽ ra nên được an cư, anh phải được sống trong ngôi nhà rộng rãi dưới thành phố kia cùng vợ con, một căn biệt thự 2 tầng ngay sát bờ sông, nơi anh có thể ra vườn tỉa hoa, xén cỏ vào mỗi chủ nhật. 

Có lẽ đã qua lâu rồi cái thời người Việt ăn cơm bao cấp, thiếu đường, thiếu mì chính, thiếu cả chỉ khâu, nhìn thứ gì vận trên người các Việt kiều cũng lấy làm thèm muốn, đến độ trầm trồ bảo “Họ sống ở Tây lâu nên người họ có... mùi Tây”. Cái mùi Tây ấy có lẽ là thứ quần áo được giặt là cẩn thận bằng bột giặt và nước xả vải mà người thời bao cấp khốn khổ chẳng bao giờ được chạm vào.

Năm tháng khó khăn ấy qua đi, người trong nước giàu có hơn. Anh bạn tôi bảo giờ anh về nước chắc cũng trở thành người nghèo vì không biết làm gì ra tiền mà sống. Ở quê hương thứ hai này, giá đất rẻ hơn nhiều lần so với Hà Nội, Sài Gòn, 3 đứa con anh được miễn học phí cho đến tận đại học, cả y tế cũng được Chính phủ đài thọ. Vấn đề còn lại chỉ là cơm ăn ngày 3 bữa, cuộc sống không giàu nhưng đỡ nhọc nhằn hơn.

Chúng tôi ăn đĩa mì của cô gái dễ thương nói tiếng Việt lơ lớ trong căn hộ ấm cúng, thấy lòng cũng đỡ lạnh lẽo đôi phần giữa mưa rét Praha. Thi thoảng họ lại trao đổi với nhau bằng tiếng Czech, nội dung tôi đoán chỉ xoay quanh thực phẩm để đãi khách. Trong khoảnh khắc, tôi thấy bố con anh rất vui vì nhà có khách, đặc biệt là anh bạn tôi, có lẽ đã thôi không ngẫm ngợi về cái ngôi nhà - bến đỗ giữa Praha phồn hoa này.