Chuyện một nữ Trưởng công an xã

ANTĐ - Vừa hết giờ làm, chị Kiều Thị Thúy, nữ Trưởng công an xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội lại tất tả chạy ra chợ mua mớ rau, con cá rồi nhanh chóng trở về chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Cô con gái nhìn mẹ xót xa “Thời điểm giáp tết, hôm nào mẹ em cũng vậy. Tan tầm là tranh thủ về nhà lo cơm nước, chăm sóc gà, lợn. Đến bữa chỉ kịp ăn vội miếng cơm rồi quay lại đơn vị, có khi đến 4-5h sáng mới về…”.
Tận tụy với công việc

Xã Cổ Đông có diện tích hơn 12km2, với hơn 14 nghìn dân, giáp ranh huyện Thạch Thất, có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê... Một khối lượng công việc đồ sộ đảm bảo ANTT đối với các đồng nghiệp nam còn khó khăn vậy mà nữ Trưởng công an xã Cổ Đông luôn hoàn thành xuất sắc. Dù đã được nghe kể nhiều về những chiến công của chị nhưng khi gặp mặt, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, dáng người đậm, da bánh mật, mái tóc dài chấm thắt lưng lốm đốm sợi bạc được búi gọn lại đã từng ra đòn quyết định, tước vũ khí của đối tượng.

Khi được hỏi, chị Thúy mỉm cười rồi từ tốn “trong trường hợp giáp mặt với đối tượng, mình không kịp nghĩ được gì, chỉ biết phải khống chế ngay, không để y có cơ hội ra tay”. Kỷ niệm đáng nhớ vào ngày mùng 10 tết, đang trên đường đến cơ quan, chị Thúy thấy gần cây xăng có một nam thanh niên đang vung dao chém loạn xạ vào cửa sắt của một nhà dân. Mọi người ùa đến xem nhưng không ai có hành động ngăn cản. Chị vội lao xe tới, xoay người tung cú đá khiến con dao rơi xuống đất. Anh ta quay lại rồi chạy đến chiếc xe máy gần đó định lấy con dao khác. Nhanh như cắt, chị Thúy giữ chặt đối tượng, đồng thời kêu gọi người dân hỗ trợ khống chế.

Một cán bộ nam đã tự hào khi nói về vị “nữ tướng” của đơn vị: “Đồng chí Thúy là nữ nhưng làm công việc còn nhiều hơn cả cán bộ nam. Chị thường xuyên tham gia tuần tra, thậm chí mật phục suốt đêm dưới bờ ruộng trong thời tiết lạnh giá. Chị luôn nắm bắt nhanh mọi vấn đề và làm rất tốt công tác cảm hóa, giáo dục đối tượng cai nghiện”.

Dùng tình thương khơi nguồn thiện

“Tôi đã làm mẹ, làm bà nên tôi hiểu tấm lòng của những người mẹ có con sớm sa chân vào tệ nạn. Để khơi dậy bản tính thiện trong mỗi con người, tôi luôn tâm niệm chỉ có thể dùng tình yêu thương chân thành”, chị Thúy tâm sự. Mỗi lần đến nhà người nghiện vận động, chị đều mua chút quà nhỏ như cân cam, quả dưa và sự quan tâm đó đã giúp người nghiện quyết tâm rất nhiều. Có những đối tượng nhiễm HIV, chị đã nhẫn nại hàng ngày đến trò chuyện, quét hộ sân, nấu hộ cơm, mặc cho người đó chửi bới, dọa nạt. Cảm kích trước tấm lòng nhân ái, người bệnh đã chịu uống thuốc, làm việc nuôi sống bản thân. Bây giờ, mỗi lần gặp chị đều chào hỏi lễ phép. Cũng không ít bậc phụ huynh tìm đến tận nhà chị mắng chửi vì đưa con họ đi cai nghiện. Nhưng sau một thời gian thấy con từ bỏ được ma túy, chịu khó làm ăn đã đến tận cơ quan cảm ơn.

Mỗi đối tượng được cảm hóa, chị thấy niềm vui của mình nhân lên gấp bội. Những niềm vui ấy như động lực giữ chị trên cương vị trưởng công an xã, dù đôi lúc cũng thấy mệt mỏi. Ngoài nhiệm vụ của một người công an, chị còn có bổn phận của một người vợ, người mẹ. Những ngày sắp Tết Nhâm Thìn, chị đã cùng đồng đội thức trắng nhiều đêm liền để giải quyết công việc. Trở về nhà, chị trở thành người phụ nữ của gia đình, chăn nuôi gà tăng gia sản xuất, rồi trồng rau, chăm cháu. Chập tối, chị lại tất tả chạy sang nhà các cụ già sống neo đơn che lại ô cửa sổ, biếu ít thức ăn, trò chuyện cho căn nhà thêm ấm áp. Thương vợ, anh Trịnh Thái Hùng mỗi khi đi làm về cũng vội xắn quần xách nước tưới rau, tắm cho lợn. Anh chị giờ đã là ông, bà của 5 đứa cháu cả nội, cả ngoại. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn cây ăn trái của nữ Trưởng công an xã luôn tràn ngập tiếng cười.