Chuyện làng vận động viên Olympic: Tình dục và tình bạn

ANTĐ - Với 10.000 vận động viên đến từ trên 200 quốc gia, làng vận động viên Olympic thực sự là một thế giới thu nhỏ, nơi chứng kiến từ những cuộc mây mưa chớp nhoáng, tới những tình bạn cao cả giữa các vận động viên hàng đầu thế giới.

Thiên đường sex

Trước thềm các giải đấu lớn như World Cup hay EURO luôn có những cuộc tranh cãi bất tận rằng có nên cho phép các cầu thủ được quan hệ tình dục hay không. Còn tại Olympic, vấn đề này gần như được thả phanh bởi nhìn số lượng 150.000 chiếc bao cao su được phát miễn phí cho các vận động viên là đủ biết sex ở làng Thế vận hội tự do như thế nào. Được sống trong một khu riêng biệt, có tới 3.000 căn hộ với 10.000 vận động viên, hầu hết đều trẻ trung, có thân hình rất đẹp, không khó hiểu khi nhu cầu của các vận động viên tăng vọt, nhất là sau khi thi đấu. Một vận động viên xe đạp từng giành huy chương vàng Olympic cho biết: “Khi thi đấu xong, bạn sẽ không thể ngủ được”.

Một góc làng vận động viên của Olympic London 2012- Ảnh Getty

Thêm vào đấy, các vận động viên còn được mời gọi bởi các tình nguyện viên. Vẫn cua-rơ nói trên tiết lộ: “Nhiều tình nguyện viên hỏi úp mở: “Phòng của anh trông thế nào vậy?” Tôi biết họ muốn vui vẻ chứ chẳng muốn xem phòng đâu. Tôi phải nói rằng có rất nhiều tình nguyện viên và họ rất sẵn lòng giúp bạn bất cứ điều gì bạn muốn”. Thậm chí, các vận động viên còn bị cả bác sĩ chèo kéo. Một vận động viên giấu tên chia sẻ: “Khi phát hiện chân có vấn đề, tôi đến trung tâm y tế và tại đây, một nhân viên mát-xa rất xinh đẹp nói: “Hãy cởi quần áo ra để tôi chữa cho anh” và sau đấy “Chúa ơi! Tôi chưa bao giờ thấy một thân hình nào chuẩn thế này!”.

Phần đông các vận động viên làm chuyện ấy tại phòng và để phân chia với người bạn cùng phòng, họ có những dấu hiệu riêng để ra ám hiệu “Tôi đang bận đấy”. Những hành vi lạ lùng này không qua mắt được các huấn luyện viên, vốn không muốn học trò đốt sức trước giờ thi đấu, nhưng các vận động viên nghĩ ra đủ cách để vượt rào. Nữ thủ thành Hope Solo của Mỹ cho biết: “Tôi thấy nhiều người quan hệ ngay ngoài trời. Trên bãi cỏ hay giữa các ngôi nhà”. Một vận động viên điền kinh kể câu chuyện tương tự ở Olympic Atlanta 1996, vốn là kỳ Thế vận hội bị kiểm soát an ninh gắt gao vì lo sợ đánh bom: “Các nhân viên an ninh không cho chúng tôi ra khỏi làng vận động viên nên tôi và người bạn đi uống cà phê. Ở đấy, vài cô gái đã đến nói chuyện: “Chúng tôi sẽ thi xong trong một giờ nữa. Các anh có bận không?”. Chúng tôi nói không và họ rủ đi bộ rồi làm chuyện ấy dưới gốc cây, ngay lúc máy bay trực thăng của lực lượng an ninh đang quần thảo trên đầu”.

Với sự tập hợp của những thân hình đẹp nhất từ khắp nơi trên thế giới,
làng Thế vận hội là một ngôi nhà truy hoan thực sự- Ảnh Internet

Lối sống khá buông thả đó có khiến các vận động viên suy giảm thể lực? Với các huấn luyện viên, câu trả lời thường là có. Không phải vô cớ mà huấn luyện viên Mano Menezes của đội bóng đá Olympic Brazil lại đưa cả đội rời làng Thế vận hội chuyển tới một khách sạn xa xôi hẻo lánh. Nhưng theo nhiều nhà khoa học, không có nghiên cứu nào chứng minh quan hệ tình dục làm giảm thể lực, sức mạnh và sức bền, thậm chí có những người còn tin điều ngược lại: quan hệ đều đặn giúp thoải mái tinh thần, yếu tố rất quan trọng trong thể thao. Các vận động viên dĩ nhiên cũng muốn tin như thế, rằng sex giúp họ giải phóng năng lượng, với họ gần như là bất tận. Nếu không được đốt cháy, họ sẽ cảm thấy cuồng chân và muốn nổi loạn như những chú ngựa lâu ngày không được chạy.

Nơi tình bạn bắt đầu

Nhưng không phải vận động viên nào tới Thế vận hội cũng để nhăm nhăm tìm bạn tình. Nhiều vận động viên, kể cả nam giới, coi Olympic là một dịp tuyệt vời để kết bạn với những đồng nghiệp đỉnh cao khác, cả cùng đoàn lẫn các đối thủ, nhằm học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Linford Christie, vận động viên điền kinh người Anh gốc Jamaica, chia sẻ: “Tôi rất thích ở lại làng Olympic. Khi là đội trưởng đội Anh, tôi thường động viên mọi người nên ở đây bởi các vận động viên trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều. Đây là một cách để rũ bỏ tâm trí khỏi những áp lực đè nén bạn. Thỉnh thoảng thức ăn rất dở nhưng tôi, với tư cách đội trưởng, vẫn ăn như mọi người và đó cũng là thông điệp: Không có ngoại lệ. Thật thú vị khi tất cả đều hòa đồng, được nói chuyện với mọi người thay vì cứ ngồi ru rú ở một khách sạn đâu đó”.

Tính trung bình, mỗi vận động viên tham dự Olympic được phát khoảng 15 bao cao su- Ảnh Internet

Nhiều tình bạn đẹp đã nảy nở từ làng Thế vận hội. Christie cho biết thêm: “Trên đường đua, các vận động viên khác là đối thủ nhưng sau đấy, chúng tôi thường là bạn tốt. Tôi đã kết bạn với Frankie Fredericks (một trong những vận động viên cự ly 100 và 200m hàng đầu những năm 1990) như vậy. Tôi cũng có một người bạn rất tuyệt vời là vận động viên bóng ném người Đức và một vài vận động viên bơi lội hay điền kinh khác nữa”.  Philip Dunn, một vận động viên đi bộ của Mỹ, cũng coi Olympic là dịp để có bạn từ khắp thế giới: “Tôi thường đi với những người bạn mới đến từ Ecuardo, Colombia, Sudan, Iraq, Mông Cổ, Nga và Italia. Các quán cà phê trong làng vận động viên lúc nào cũng có nhiều người thích nhảy, ca hát đến tận khuya. Tôi thấy thật hạnh phúc khi được tham dự vào những hoạt động rất thú vị này”.

Lần đầu tiên bao cao su được phát tại làng vận động viên là ở Seoul 1988. Khi đó số lượng bao cao su được phát chỉ là 8.500 chiếc. Bốn năm sau tại Barcelona, con số này tăng lên tới 50.000 còn tại Sydney 2000, ban tổ chức đã phải đặt thêm 20.000 chiếc sau khi 70.000 chiếc ban đầu được tiêu thụ hết veo! Tại London 2012, số bao cao su được phát cho các vận động viên tăng lên tới 150.000 và nhà tài trợ Durex cho biết luôn sẵn sàng đáp ứng thêm. Tuyệt như làng vận động viên Kriss Akabus, một vận động viên điền kinh nổi tiếng của Mỹ hồi những năm 1980 và 1990, cho biết sống tại làng vận động viên là một trải nghiệm vô cùng thú vị: “Những điều đỉnh của đỉnh đều có ở đây và mọi thứ đều luôn sẵn sàng khi bạn cần. Tôi là người sống khá nội tâm và làng vận động viên rất hợp với tôi bởi mọi thứ đều dành cho các vận động viên. Bạn có thể quyết định có nên trả lời phỏng vấn báo chí hay không. Nếu bạn cần một bác sỹ hay một chuyên gia tư vấn tâm lý, tất cả đều có ở đây”.
Làng Thế vận hội của Olympic 2012 bắt đầu được xây từ giữa năm 2008 và sau bốn năm mới hoàn thành. Làng Thế vận hội có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu của khoảng 17.000 vận động viên và các quan chức, từ ăn, ở, mua sắm, y tế đến truyền thông. Có khoảng 1.000 tình nguyện viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và nước chủ nhà cũng sinh hoạt tại làng vận động viên để đáp ứng mọi yêu cầu dù là nhỏ nhất để giúp các vận động viên có được những màn trình diễn xuất sắc nhất.