Chuyện làm ký sự về phía tây Trường Sơn

ANTĐ - Ấn tượng và cảm xúc về những bức ảnh, những thước phim và những câu chuyện các tác giả kể trong ký sự, trước hết là vì chủ đề được khai thác thì chưa có báo chí nào ở trong và ngoài nước đề cập tới. Họ đã thực hiện như thế nào? Những câu trả lời của nhà báo Gia Hiền và Đức Hoàng được phóng viên ghi lại. 

Chúng tôi quyết định chọn Đông Dương, vì câu chuyện của Việt Nam chúng ta về ngày 30/4, về thống nhất Nam Bắc đã là một câu chuyện khai thác trong suốt 40 năm qua rồi. Và có lẽ hầu hết các ngõ ngách của câu chuyện cũng đã trọn vẹn. Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện lịch sử này theo một hướng mới mẻ.

Ít người nhắc đến Lào và Campuchia trong chiến tranh Đông Dương. Chúng tôi cũng đã tìm lại và thấy loạt ký sự của một đài truyền hình có nhắc đến, nhưng vẫn theo nghĩa là chúng ta nói về chúng ta. 

Nếu nhìn cuộc kháng chiến chống Mỹ như trong sách giáo khoa phổ thông nói thì bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ có sự tham gia của cả 3 nước Đông Dương.

Đông Dương hay Indochina là khái niệm người Pháp đưa ra để gọi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia từ khi người Pháp bắt đầu đặt chân đến xứ này. 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai nước kia cũng vào cuộc như Việt Nam. Và sau khi nghiên cứu kỹ lịch sử, có thể nhận thấy rằng đây là cuộc chiến mà Lào và Campuchia tham gia một cách tương đối bị động.
Chúng tôi suy nghĩ là tại sao hai quốc gia mà chúng ta đã từng gọi là liên minh Đông Dương, đã từng bỏ xương máu rất nhiều cùng chúng ta trong cuộc chiến này, mà chúng ta lại nói về họ ít như thế? Chúng tôi cũng tò mò là bây giờ nếu quay lại chỗ đấy, về cái nơi mà chúng ta nói rằng “đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn” ấy, phía bên tây Trường Sơn là cái gì, thế nào, những ai, bao nhiêu năm qua nó ra sao? Và tôi trao đổi với Đức Hoàng, bảo là bây giờ ông tìm cho tôi thông tin đi để tôi có một số căn cứ. Hoàng tìm được cho một số thông tin về cái kế hoạch “Menu operation” rải bom và đánh phá trên đất Lào và Campuchia.
Thế là bắt đầu.
Việc lên kế hoạch đi không hề đơn giản. Chưa bao giờ có đợt công tác nào mà chúng tôi cảm thấy sốt ruột, đôi khi cảm thấy lo ngại, lo sợ như thế. Lo sợ cho cái gì sẽ xảy ra ở bên kia biên giới, ở chỗ chúng tôi sẽ đến. Vì chúng ta đều biết là, thứ nhất về mặt chứng cớ, các địa điểm và các câu chuyện thì chúng tôi có, nhưng các nhân chứng thì gần như 100% là phải đi tìm. Khá là "bóng chim, tăm cá". 

Một ngôi làng ở Lào có rất nhiều vỏ bom Mỹ

Địa điểm và nhân chứng thì chúng tôi căn cứ vào lịch sử, và một số bản đồ, một số câu chuyện mà những người đi phượt trước đã kể lại rằng ở đây có làng này, làng kia.

Bản đồ thì có hai nguồn. Một nguồn là những người Việt Nam, những người lính cựu Trường Sơn ở Việt Nam. Có ông, người ta gọi là Tuấn Trường Sơn, vì ông ấy chuyên môn phượt cánh cả cánh đông và tây Trường Sơn. Nhưng khi sang đấy, hành trình của chúng tôi còn mở rộng hơn tuyến phượt của ông Tuấn cung cấp. Ban đầu đấy là xuất phát điểm. Cũng như chuyện tham khảo một số website và các blog của những người lính Mỹ, họ đã đi phượt cánh tây Trường Sơn trước đấy, để biết được có gì. 

Tuy nhiên mọi thứ còn rất mơ hồ, ví dụ những người lính họ chụp một ngôi chùa với một cái tường đầy vết đạn nhưng không biết nó ở đâu cả. Chỉ biết nó nằm ở tỉnh này, thậm chí huyện này nhưng tìm thế nào thì rất khó, không có bản đồ.

Một cách rất tình cờ là chúng tôi tìm được. Hay những cái làng đầy vỏ bom chẳng hạn. Những thứ như thế nó rất mơ hồ, nó hứa hẹn những câu chuyện mở ra nhưng nó hoàn toàn không chắc chắn. Thậm chí những số điện thoại, những tên người, chúng tôi cũng có rất ít, mong manh. Tuy nhiên với niềm tin là ở một nơi mà rất ít người quay lại đấy thì chắc là nhìn đâu cũng ra chuyện thôi.

Thì nó tạo ra một phấn khích khác. Tin rằng "cơ hội nó đẻ ra cơ hội"…

Trailer của ký sự truyền hình "Bốn mươi năm sau":