Chuyển khoản nhầm hoặc bị lừa chuyển khoản: Phải làm gì để lấy lại tiền?

ANTD.VN - Do bất cẩn hoặc bị lừa đảo, nhiều chủ tài khoản ngân hàng đã chuyển tiền tới tài khoản không mong muốn. Vậy trong trường hợp này, chủ tài khoản có thể lấy lại tiền hay không và cần làm gì để giảm tối đa thiệt hại.

Mới đây, Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh trường hợp một khách hàng do bị các đối tượng lừa đảo giả danh Công an dọa dẫm, đã ra ngân hàng chuyển vào tài khoản kẻ lừa đảo 92 triệu đồng. Rất may, sau vài phút định thần lại, phát hiện mình bị lừa, khách hàng này đã kịp thời thông báo cho các nhân viên ngân hàng để tiến hành xử lý khẩn cấp, hủy bỏ giao dịch nói trên khi tiền chưa đến tài khoản của đối tượng lừa đảo (do khách hàng này chọn phương thức chuyển tiền thông thường thay vì chuyển khoản nhanh).

Đây là một trong những trường hợp may mắn hiếm có khi khách hàng kịp thời phát hiện bị lừa đảo trước khi toàn bộ số tiền được chuyển đến tài khoản của kẻ gian. Tuy nhiên, nếu khách hàng sử dụng hình thức chuyển tiền nhanh thì rất có thể số tiền trên đã không còn đường quay về. 

Trước đó, Báo An ninh Thủ đô cũng đã nhận được đơn phản ánh của một khách hàng tên Đ.N.T, sau khi khách hàng này thao tác chuyển khoản nhầm cho một tài khoản số tiền 50 triệu đồng. Dù đã có đơn đề nghị hỗ trợ tra soát, tuy nhiên do số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản của bên thụ hưởng và phía ngân hàng không thể liên hệ được với chủ tài khoản thụ hưởng (do đã chuyển khỏi địa chỉ, không dùng số điện thoại đăng ký) nên khách hàng đã không thể thu hồi được số tiền nêu trên.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khách hàng một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, đối với trường hợp lừa đảo, các ngân hàng đã thường xuyên đưa ra những cảnh báo đối với khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo. "Không còn cách nào khác, khách hàng phải nâng cao cảnh giác, tránh mắc bẫy lừa. Bởi vì nếu đã lỡ chuyển đi thì rất khó lấy lại được tiền, vì kẻ lừa đảo thường rút tiền ra ngay sau khi tiền được ghi có vào tài khoản của bọn chúng" - vị này cho hay.

Còn với các thao tác chuyển khoản phục vụ các nhu cầu thanh toán khác, để tránh chuyển nhầm, vị chuyên ra khuyến cáo chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ các thông tin về người nhận trước khi chuyển.

"Thông thường, thiết kế giao diện khi thanh toán qua internet, chủ tài khoản sẽ có 3 bước để xác thực, trong đó ngay bước đầu tiên khách hàng sẽ phải kiểm tra lại các thông tin của giao dịch (bao gồm số tài khoản, tên người hưởng, số tiền chuyển đi...). Nếu khách hàng cẩn trọng trong bước này thì khả năng chuyển nhầm tiền là khó xảy ra" - cán bộ ngân hàng cho hay.

Khi chuyển khoản, khách hàng cần kiểm tra lại những thông tin giao dịch

Trong trường hợp nếu khách hàng bất cẩn chuyển nhầm tiền, cần ngay lập tức liên hệ với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng để ngân hàng có biện pháp xử lý kịp thời. Tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống mà các ngân hàng có quy trình xử lý khác nhau. 

Trường hợp tài khoản nhận khác ngân hàng, phía ngân hàng chuyển sẽ báo cho phía ngân hàng nhận về giao dịch nhầm này để phía ngân hàng nhận đưa ra hướng xử lý. Nếu phía ngân hàng nhận xác định các thông tin về số tài khoản, tên chủ tài khoản... bên nhận không khớp nhau thì số tiền sẽ tự động chuyển hồi lại tài khoản chuyển đi. 

Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, chủ tài khoản chuyển nhầm phải đến quầy của ngân hàng để yêu cầu tra soát chứng từ.

“Trong trường hợp chuyển khoản nhầm mà tài khoản nhận cùng hệ thống, khách hàng thường yêu cầu ngân hàng khoanh số tiền nhận nhầm để trích trả lại cho người chuyển. 

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 6607/NHNN-TT ngày 21/8/2017, pháp luật hiện hành không có quy định về việc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép phong tỏa hoặc chủ động trích (ghi nợ) tài khoản thanh toán của người thụ hưởng khi người chuyển tiền lập lệnh chuyển tiền sai/nhầm người thụ hưởng mà không được sự chấp thuận của người thụ hưởng. 

Điều này nhằm tránh trường hợp đã xảy ra trong thực tế, là người chuyển và người nhận có giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau, sau đó người chuyển tiền đến thông báo là chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán.

Vì vậy, trong trường hợp này, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ liên hệ với người thụ hưởng thông báo về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị người nhận chuyển trả lại số tiền cho người chuyển nhầm" - vị phụ trách Trung tâm dịch vụ khách hàng ngân hàng này cho hay. 

Trường hợp người nhận không đồng ý trả lại tiền, ngân hàng sẽ thông báo cho người chuyển để có biện pháp xử lý tiếp theo.

Theo đó, khách hàng có thể làm đơn trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ liên hệ với chủ tài khoản chuyển nhầm để đề nghị chuyển lại số tiền trên; hoặc có thể khởi kiện người nhận tiền (chủ tài khoản chuyển nhầm đến) ra tòa. Khi đó, ngân hàng sẽ cung cấp các thông tin mà Tòa án và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật để hỗ trợ khách hàng.

Theo quy định hiện hành, chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm biết số tiền không phải của mình mà không trả lại thì có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.