Chuyện kể sau một "vụ án hình sự... lạ" (1): Tung tin hoang mang "kẻ xấu, bắt cóc, thuốc mê"

ANTD.VN - Một nữ sinh học lớp 8 ở Hà Nội “bị kẻ xấu lừa, đánh thuốc mê rồi bắt cóc”, hiện đang ở cung đường dẫn sang Trung Quốc… là những thông tin hoang báo nhưng có vẻ rất “thật”, được một người dùng Facebook tung ra vào cuối tháng 8 vừa qua. Lập tức, thông tin này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Song khi các trinh sát hình sự vào cuộc, sự thật hoàn toàn không phải như vậy…

Tối 29-8-2018, một phụ nữ có tài khoản Facebook Tran T.H đăng thông tin về sự việc nữ sinh Lan (tên nhân vật đã được thay đổi, SN 2005, đang học lớp 8, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) “bị kẻ xấu lừa và bắt cóc”, “cho dùng thuốc mê”. Người này cho biết mục đích chia sẻ là để cộng đồng nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ tìm kiếm.

Lập tức, thông tin trên được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, khiến nhiều người lo ngại. Không lo ngại sao được, khi một cô bé học lớp 8 đã có thể coi là nhận thức tương đối rõ về cuộc sống, song vẫn bị “kẻ xấu lừa”, “đánh thuốc mê”, “bắt cóc”. Sự việc lại được cho là xảy ra ngay tại Hà Nội…

Trên Facebook, số lượt chia sẻ, bình luận, “like” đối với post của người đăng không ngừng tăng lên. Tất cả dường như “lên đồng” trước thông tin hoang báo rùng rợn đó.

Thông tin "gây bão" MXH nhưng không chính xác, khiến dư luận hoang mang

Ngay khi tiếp cận sự việc, tôi đã nắm được thông tin Chỉ huy Công an quận Hoàng Mai đang chỉ đạo rất sát sao sự việc, trong đó, các mũi trinh sát của Đội Cảnh sát Hình sự được cử đi để lần theo mọi đầu mối liên quan.

Khi gõ cửa nhà cô bé bị cho là mất tích, tôi được người thân nói rằng “đang nghi bị dụ dỗ”, vì trước đó có một đối tượng nữ hay qua rủ cô bé cùng đi giao hàng bán qua mạng internet, song người này không hay vào nhà.

Trong suốt quá trình “mất tích” đó, cô bé không liên lạc với gia đình, mà chỉ trao đổi với bạn bè qua Zalo, Facebook, và thông báo "lung tung" về địa chỉ nơi đang ở.

Những chi tiết đó khiến bất kỳ ai cũng có thể đặt câu hỏi: Người nhà cho rằng bé “bị dụ dỗ”, tức là không có chuyện lừa đánh thuốc mê, bắt cóc như thông tin hoang báo trên Facebook? Nếu bị rơi vào tay kẻ xấu, làm sao chúng dễ dàng để nạn nhân thoải mái dùng điện thoại liên lạc ra bên ngoài?...

Khi trao đổi với chủ Facebook Tran T.H sau đó, tôi được nghe chị giới thiệu mình là bạn của bố mẹ cô bé, và vừa nghe thông tin cháu “mất tích” thì đã vội vã đăng thông báo. Những chi tiết rùng rợn như “thuốc mê”, “bắt cóc”, “kẻ xấu” là do… suy đoán, nghe ngóng, chứ chưa xác minh, tìm hiểu gì…

Dù vậy, do người đăng cung cấp đầy đủ số điện thoại liên lạc của những người liên quan nên mức độ tin tưởng đạt được khá cao, và số lượng chia sẻ, bình luận, “thích” tăng chóng mặt sau mỗi giờ, lên tới nhiều chục nghìn lượt.

Khi đi sâu phân tích vấn đề, tôi thấy người đăng thông tin đang thực hiện việc bán hàng qua Facebook. Mặc dù sau đó, khi sự việc được làm rõ là hoàn toàn không đúng như thông tin mà Facebook Tran T.H đăng tải, nhiều người đã vào mắng người này là “lợi dụng để câu like, bán hàng”, tôi tin rằng xuất phát điểm của chị không phải vì mục đích đó. Song chính thói quen không tìm hiểu kỹ sự việc, hời hợt trong trách nhiệm xác minh, cộng thêm việc quen tay “giật gân hóa” các chi tiết để tạo hiệu quả trong việc bán hàng online, đã khiến từ một bài đăng thông báo tìm người bị đẩy đi quá xa như vậy.

Tổ CSHS của CAQ Hoàng Mai tích cực theo sát các đầu mối, dấu vết để làm sáng tỏ sự việc

Lúc chủ Facebook Tran T.H nhận ra mình đã sai và xóa bài đăng gây hoang mang dư luận đó, thông tin về sự việc vẫn chưa hề dừng lại. Bởi đây là lúc lợi dụng của những kẻ bán hàng online, kinh doanh trên Facebook muốn “câu fame” (tạo danh tiếng), tạo kết nối… Họ sao chép lại bài đăng, để đưa lên trang của mình – là những tài khoản Facebook ảo – rồi chia sẻ khắp nơi.

Nhìn bề ngoài, hành vi đó có vẻ như rất “nhân văn” – hỗ trợ người khác khi đang gặp hoàn cảnh khó khăn, và nếu thông tin có gì sai thì họ cũng chẳng ngại, vì tất cả đều là sao chép y nguồn gốc – nhưng bản chất bên trong lại hoàn toàn “vụ lợi”: Càng nhiều người bình luận, chia sẻ… thì mức độ tương tác của cộng đồng với các tài khoản Facebook ảo của họ càng tăng lên, và đó là điều rất có lợi khi bán hàng trên mạng xã hội này.

Vậy là trong lúc cơ quan công an và báo chí lao vào cuộc xác minh, giải quyết sự việc, những kẻ lợi dụng trên Facebook vẫn thoải mái tạo ra sự hoang mang không đáng có.

Chỉ khi có thông tin chính thức rằng cô bé an toàn, và việc bỏ nhà để đi chơi đó là do chính cô bé chủ động thực hiện, thì luồng thông tin tiêu cực nói trên mới chìm xuống.

Nhưng đấy mới chỉ là với sự việc cụ thể kể trên. Trước đó, và sau này, vẫn còn rất nhiều bài đăng kiểu “người tốt việc tốt” như vậy trên Facebook, với mô-típ quen thuộc “con của bạn tôi bị… Đề nghị mọi người chia sẻ, hỗ trợ…”. Khi tôi vào cuộc liên lạc với các đầu mối đăng tải để xác minh và mong muốn hỗ trợ, không ít người giữ im lặng đầy bí ẩn…

Câu chuyện chú bé chăn cừu và con sói chưa bao giờ là cũ. Những bài đăng thông báo khẩn cấp để nhờ cộng đồng hỗ trợ qua Facebook là rất cần thiết. Nhưng nếu cứ giữ thói quen “đánh động có sói, khi sói chưa tới” như vậy, thì chắc chắn hiệu quả và niềm tin dành cho những lời kêu gọi như vậy sẽ bị giảm đi đáng kể.

Còn về hành trình “phá vụ án hình sự… lạ” kể trên, có rất nhiều chi tiết thú vị và đáng suy ngẫm, mời độc giả theo dõi tiếp các kỳ sau của loạt bài.