Chuyện kể ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa"

ANTD.VN - Phú Hoa Trang vốn là một làng đan lát nổi tiếng từ thời Hậu Lê. Tên làng với ý nghĩa “trời phú cho bàn tay lụa” đã giúp sản phẩm thủ công của làng thành hàng mỹ nghệ tinh xảo. 

Phú Hoa Trang nay là làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) có truyền thống hơn 400 năm làm nghề với những sản phẩm mây tre đan độc đáo, tinh xảo phục vụ cung vua, phủ chúa. Tưởng rằng, cuộc sống đô thị hóa sẽ khiến làng nghề mai một, nhưng ngược lại, nó vẫn âm thầm theo những nghệ nhân tiếp tục tỏa sáng khắp nơi trên thế giới.

Chuyện kể ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa" ảnh 1Nghề đan lát ở Phú Vinh đã có từ hơn 400 năm trước

Làng cổ, nghề xưa

Được hình thành từ thời Hậu Lê, cư dân Phú Hoa Trang vốn rất giỏi nghề đan mây tre. Theo các cụ cao niên trong làng, từ năm 1800, làng Phú Hoa Trang đã nổi tiếng khắp nơi bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan. Ngay cả trong cung đình, tất cả các vật dụng của nghề đan đều do bàn tay người trong làng làm ra cả. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, vì lý do ấy mà làng Phú Hoa Trang được vinh dự xếp hàng thứ nhất trong nghề đan tre. Làng nhờ thế mà giàu, cũng nhờ nghề ấy mà có vinh dự nên đổi tên thành Phú Vinh cho hợp lẽ.

Phú Hoa Trang cũng có một cái tên khác là “xóm Gò Đậu”. Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là câu chuyện có thực cách đây mấy trăm năm. Xưa dân cư quần tụ trên gò đất cao, là nơi trú ngụ của những đàn cò. Ban ngày chúng đi kiếm ăn, chiều về lượn rợp trời rồi đậu lại trên những lũy tre. Khi người dân tìm đến sinh sống cũng không làm những đàn cò vơi bớt. Vì thế ban đầu người dân quanh vùng gọi đây là đất “Cò Đậu”. Cái tên “Cò Đậu” tồn tại mãi cho tới khi các nhà chức việc đến làm giấy tờ và đặt tên chính thức cho làng là “Gò Đậu”. Ban đầu cò còn là nguồn sống cho dân sinh, nhưng làng cũng là nơi chịu họa lông cò bay tứ tán và rụng khắp nơi. Hàng ngày dân làng đến khổ vì phải quét dọn lông cò, nhưng thật bất ngờ, từ lông cò mà người Phú Vinh kết buộc, đan ken làm thành đồ chơi. Đầu tiên là những cây bút viết, sau đó là cầu lông, rồi chiếc vòng tay nhỏ nhắn. Trò chơi đan lát bắt đầu từ đây.

Các cụ còn bảo, Phú Hoa Trang là một làng cổ được hình thành từ rừng tre, trúc, mây, giang. Cho nên người trong làng vì gắn bó mà quen tay quen việc. Nhiều người làm nghề thuộc tính từng cây tre, từng sợi mây và giữ nghề theo thể cha truyền con nối. Một số nhà nghiên cứu về làng cổ và nghề cổ nhận định: Việt Nam có rất nhiều làng nghề mây tre đan, nhưng Phú Vinh không phải là làng nghề bình thường mà là làng nghề lâu đời nhất. Sản phẩm mây tre đan của làng đã đi vào nghệ thuật.

Chuyện kể ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa" ảnh 2Nghề phổ biến đến nỗi trẻ em cũng biết làm nghề

Nghệ nhân đầu tiên

Theo những người già trong làng, trước đây tất cả các hộ dân trong làng Phú Vinh đều làm nghề mây tre đan. Nghề phổ biến đến mức, đứa trẻ lên 3 cũng có thể hoàn thành được một sản phẩm giản đơn. Đó là câu chuyện của thời xa xưa, còn hiện nay, sau bao nhiêu chương trình khôi phục nghề cổ thì đã có khoảng 90% hộ dân tham gia. Làng Phú Vinh hiện có 8 nghệ nhân cấp quốc gia, họ là những người thợ lành nghề nhất và cũng là những người giữ bí quyết đan lát của làng.

Sử làng Phú Vinh còn ghi chép rất tỉ mỉ về nghề. Người đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 1961 là cụ Nguyễn Văn Khiếu (đã mất năm 1983). Cụ là nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu dây mây truyền thống. Từ nghệ nhân đầu tiên ấy, cho đến nay làng Phú Vinh đã nổi tiếng với các sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Làng cũng là một trường dạy nghề thu hút rất nhiều các học viên từ khắp các nơi đến học hỏi.

Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình mộc mạc đậm chất làng quê như: khay, đĩa, rổ, rá… hay những sản phẩm nội thất, đồ trang trí như bàn ghế, bình hoa, chao đèn, lọ lộc bình, khung ảnh. Người dân Phú Vinh còn làm ra những đồ lưu niệm đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao như mây trời, chim bay, cá lượn, tranh chân dung, hoành phi, câu đối. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, cho biết: “Nét độc đáo của làng nghề mây tre đan Phú Vinh nổi tiếng bởi vì chất, về kỹ năng, kỹ thuật cũng như là các đường đan rất đặc biệt, cầu kỳ, tỉ mỉ. Chúng tôi có các hoa văn đan tết mà chỉ có ở làng nghề Phú Vinh mới có”.

Chuyện kể ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa" ảnh 3Mỗi sản phẩm của Phú Vinh đều mang tính ứng dụng cao

Nổi tiếng năm châu

Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa thì sản phẩm mây tre đan nghệ thuật của Phú Vinh đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong đó, riêng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã chiếm đến 60% tổng sản phẩm của làng. Nhờ kinh nghiệm và đôi bàn tay tài hoa khéo léo, các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh đã tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị, giành được các giải thưởng lớn trong khắp các cuộc thi trong và ngoài nước. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người từng được hàng chục giải thưởng của các nước Liên Xô trước đây, Pháp, Cuba, Angola… cho biết: “Trong nghề thủ công mỹ nghệ thì các sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Nhưng quan trọng là sản phẩm đó ngoài tính ứng dụng thì có đạt tầm mức nghệ thuật hay không. Sản phẩm của làng Phú Vinh số nhiều được trưng bày ở những nơi mang tính nghệ thuật của các nước”. Còn nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh thì trăn trở: “Mây tre đan của làng Phú Vinh đang là mặt hàng được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, để sản phẩm đến được tay khách hàng phải qua rất nhiều khâu trung gian nên giá thành đã tăng lên rất nhiều. Nếu như chúng ta trực tiếp bắt tay được với các nước thì chắc chắn tiếng tăm của sản phẩm Việt Nam sẽ được ghi nhận”.

Chuyện kể ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa" ảnh 4 Ủ ấm chè xanh, làm từ song mây và giang được đan theo kiểu thổ cẩm

“Những sản phẩm cao cấp mang tính nghệ thuật mà chúng tôi làm ra được xuất khẩu sang nước ngoài rất nhiều. Khi các sản phẩm được phối kết bởi không gian trình diễn và hiệu ứng ánh sáng thì mới thấy hết sự tinh tế từ những đường nét đan lát tinh xảo của người Phú Vinh”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung