Chuyện "kê" mà không "khai"

ANTD.VN - Theo nhiều nguồn tin, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. 

Minh họa: Internet

Một lần nữa, câu chuyện kê khai tài sản không trung thực tiếp tục  được nhắc lại. Không trung thực cụ thể như thế nào, đến mức nào thì phải chờ đến khi kết luận thanh tra chính thức được công bố mới rõ, nhưng những thông tin ban đầu đã khiến dư luận “thở dài” về chuyện kê khai tài sản của cán bộ, cứ “rờ” đến là ra sai phạm. 

Thật vậy, việc kê khai tài sản của cán bộ nhiều khi chỉ là hình thức, cho có, thậm chí dễ dãi đến mức người ta kê khai gian dối nhưng đều được nhắm mắt cho qua. Phải đến khi có dấu hiệu vi phạm, dư luận lên tiếng, cơ quan thanh tra vào cuộc thì công tác kiểm tra việc kê khai tài sản mới được rà soát toàn diện, đầy đủ và mới phát hiện sự thiếu trung thực. 

Đã không ít lần dư luận lên tiếng báo động về tình trạng kê khai tài sản của cán bộ Nhà nước nói chung, đặc biệt là các cán bộ cấp cao sau hàng loạt sai phạm được phát hiện qua những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Kê khai tài sản được ví như nút thắt của công tác phòng chống tham nhũng, đáng lo ngại là việc này nhiều lúc, nhiều nơi  chưa được thực hiện nghiêm túc; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế…

Như vậy, nếu coi việc minh bạch tài sản của cán bộ là cơ sở dữ liệu trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì những tồn tại, yếu kém được chỉ ra trên đây rõ ràng đang làm rối loạn nguồn dữ liệu này, dẫn đến việc có kê khai không trung thực cũng không quản lý được.

Vì vậy, muốn gỡ được nút thắt kể trên, điều đầu tiên là phải xử lý nghiêm những cán bộ kê khai tài sản không trung thực. Cần làm rõ nguồn gốc những tài sản không được kê khai đầy đủ, vì sao không kê khai, tài sản đó có chính đáng hay không. Nếu việc kê khai không trung thực nhằm cố ý che giấu những tài sản không chính đáng, tài sản do tham nhũng mà có thì nhất định phải tịch thu để làm gương.

Nhưng, một giải pháp quan trọng hơn được đặt ra là cần có cơ chế giám sát chặt chẽ. Phải công khai và mở rộng phạm vi giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức tại nơi công tác và nơi cư trú. Các cơ quan, tổ chức và thậm chí cả người dân phải có được những dữ liệu để giám sát, để làm sao nguồn gốc những tài sản “khủng” như biệt thự, nhà lớn, xe sang… của cán bộ phải sáng tỏ, không “loanh quanh” được. 

Thực ra việc kê khai tài sản vừa là để quản lý giám sát cán bộ có chức, có quyền, vừa là để chứng minh bản thân người đó minh bạch. Nếu người cán bộ mà kê khai tài sản đúng thì chính là bảo vệ cho mình. Khi tổ chức, cơ quan thấy cán bộ đảng viên kê khai tài sản có dấu hiệu chưa minh bạch thì cấp ủy, chi bộ trong tổ chức, cơ quan đó phải yêu cầu người cán bộ đảng viên tự lý giải tài sản đó do đâu mà có.

Nếu người cán bộ đảng viên có chức có quyền cố tình giấu giếm mà cơ quan giám sát phát hiện thì phê bình, kiểm điểm, thậm chí có thể buộc thôi việc hoặc cách chức. Còn nếu tài sản lớn có dấu hiệu tham nhũng không giải thích được thì xử lý theo pháp luật. Như vậy việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ đảng viên có chức, có quyền mới có hiệu quả.