Chuyện ít biết về những “chiến sĩ thông tin” yêu hát ca

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế hệ những người làm báo 8X chúng tôi khi vào làm ở Báo An ninh Thủ đô từng được nghe kể về tinh thần yêu văn nghệ, thích ca hát của các bậc cha chú, lớp anh chị đi trước. Thấy Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô khi còn đương nhiệm không ít lần cầm micro hát say sưa trong những buổi gặp gỡ tri ân cộng tác viên; Thượng tá Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó Tổng Biên tập hay nhả lời ca khi tản bộ dưới sân cơ quan; chuyện Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô có biệt tài vừa đàn vừa hát; Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập từng làm “ca sĩ” trên sân khấu của những chương trình giao lưu văn nghệ được dàn dựng công phu ngay tại sân trụ sở tòa soạn… không phải là chuyện hiếm.

Năm 2011 - lớp trẻ chúng tôi đã có dịp trải nghiệm và thẩm thấu tinh thần yêu ca hát ấy khi đội văn nghệ của Báo được thành lập và bắt đầu “chinh chiến” các cuộc thi và hội diễn văn nghệ.

Đội văn nghệ Báo An ninh Thủ đô

Ra đời vào khoảng tháng 8-2011, “ông bầu” đội văn nghệ Báo An ninh Thủ đô khi ấy chính là Đại tá Vũ Kim Thành, nguyên Phó Tổng Biên tập. Thời điểm đó, đội được thành lập để tập luyện chuẩn bị cho việc tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an Thủ đô 2011 kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. “Ông bầu” của đội văn nghệ còn kiêm luôn “ông bầu” đội bóng đá Báo An ninh Thủ đô, giúp đội bóng tung hoành ngang dọc khắp các sân cỏ và giành không ít huy chương tại các giải đấu lớn nhỏ.

Lần này kiêm thêm vai trò “ông bầu” của đội văn nghệ, Phó Tổng Biên tập Vũ Kim Thành vạch ra chiến lược “thi đấu” bài bản, từ mời thầy giáo ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về dạy thanh nhạc, dựng bài; mời vũ công về hướng dẫn vũ đạo; lên lịch tập luyện hàng ngày cho các thành viên sao cho không ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn… Vậy là các phóng viên, biên tập viên - thành viên đội văn nghệ Báo An ninh Thủ đô đã thực sự được trải qua những tháng ngày vừa làm vừa hát đúng nghĩa.

Nhớ lại khi ấy, hàng ngày, bên cạnh công việc, chúng tôi có thêm thời gian biểu tập văn nghệ. Địa điểm luyện giọng ban đầu không đâu xa, nằm ngay ở phòng họp tầng 4 của tòa soạn rộng chừng 40m2. Thời gian tập thường là buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, gần đến ngày Hội diễn “ông bầu” cho tăng cường lịch tập vào cả buổi sáng. Thầy Bá Thành - giảng viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có lẽ cũng đã trải qua những ngày đi dạy vất vả khó quên khi học trò toàn là các nhà báo, cùng lắm chỉ cầm micro hát karaoke chứ chưa đứng trên sân khấu chuyên nghiệp bao giờ. Đã là học trò thì tuổi nào cũng vậy, cũng “nhất quỷ nhì ma” nên nhiều phen hát “chế”, hát sai lời, thậm chí… hát to quá khiến người thầy có vóc dáng gầy gò phải đưa tay lên trán vuốt mồ hôi dù đang ngồi trong căn phòng điều hòa mát lịm.

Trong khi đó, gần 20 thành viên đội văn nghệ chúng tôi cũng mướt mồ hôi để học hát sao cho thuộc lời, đúng giai điệu và còn phải thật biểu cảm không chỉ 1 ca khúc mà là chương trình gồm chuỗi 5 tiết mục - 5 ca khúc: “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”; “Đá bạc - Bản hùng ca vang mãi”; “Tình yêu đời lính”; “Son” và “Mẹ Âu Cơ”.

Khó nhất phải kể đến tiết mục “Son”

Ca khúc dân gian đương đại của nhạc sĩ Đức Nghĩa đến các ca sĩ chuyên nghiệp cũng phải công nhận là “khó hát, khó nhằn”. Đây cũng là tiết mục “đánh đố” nhất với tôi và 4 nữ đồng nghiệp được chọn thể hiện tiết mục này, bởi không chỉ đứng một chỗ hát như hợp ca hay tốp ca, mà còn phải vừa hát vừa biểu diễn nhiều động tác vũ đạo như một vũ công thực thụ, từ múa quạt, lắc hông, đến cách cầm micro sao cho đúng, để tay sao cho tự nhiên, đi lại tạo dáng thế nào cho chuyên nghiệp, đến cả cười cũng phải trông sao cho thật duyên dáng cuốn hút. Hỗ trợ cho màn trình diễn này là 5 nam đồng nghiệp - những người chắc có lẽ không bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó mình lại biểu diễn như vũ công trên sân khấu nhưng nay cũng phải học thuần thục các động tác xoay người, nhún nhảy, múa ô...

Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, sau khoảng thời gian đầu “vỡ bài”, ai nấy đều cảm thấy hồ hởi và hứng thú với việc tập luyện dù vất vả, lại bận rộn với việc chung, việc riêng. Hăng say đến độ có lần nữ phóng viên Chu Thúy bị ngất xỉu trên sàn tập vì hạ đường huyết. Hóa ra sau khi học hát cả buổi sáng, cô không kịp ăn trưa mà chạy vội đi quay phóng sự để kịp dựng hậu kỳ và phát trong chương trình Truyền hình An ninh ATV lên sóng vào buổi tối cùng ngày. Khi vừa xong xuôi công việc chuyên môn, vì sợ muộn giờ tập nên Chu Thúy lại chạy ngay đến hội trường rạp chiếu phim Quân đội ở sát bên cạnh tòa soạn Báo để học vũ đạo, thế nên chỉ vừa kịp tập được vài động tác thì ngã xuống ngất xỉu. Cũng may “ông bầu” của đội văn nghệ khi ấy là Phó Tổng Biên tập Vũ Kim Thành nhanh trí chạy ra ngoài mua cốc trà gừng mang về cấp cứu.

Nhà báo Bích Hậu

Nhà báo Bích Hậu

Còn một cái khó nữa với các ca sĩ, vũ công nghiệp dư khi thể hiện tiết mục “Son” là vấn đề trang phục. Vì là ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại nên “huấn luyện viên” Bá Thành cũng đã chủ động đưa ra ý tưởng về mẫu trang phục để mọi người chọn mặc sao cho phù hợp nhất. Bộ trang phục với tông màu trắng tím và thiết kế cách điệu áo yếm khá đẹp mắt, độc đáo. Tuy nhiên cũng bởi thiết kế tương đối rườm rà và mỏng manh nên sát đến giờ biểu diễn, một thành viên trong đội bị đứt mất dây váy khiến cả đội phải nháo nhào đi tìm kim băng để cài. Nữ thành viên sau này kể lại, vừa diễn lại vừa lo nhỡ may kim băng tuột trên sân khấu, nhưng đành phải cố xua ý nghĩ đó đi để tập trung vào diễn không có quên lời hay diễn không khớp các động tác với người bên cạnh. May sao, màn trình diễn an toàn đến phút chót.

Trở lại với màn trình diễn hợp ca trước đó, dù chỉ phải đứng một chỗ để hát, song nhiều thành viên trong đội cũng khó tránh khỏi cảm giác “ngợp” khi đứng trước hàng trăm ánh mắt chăm chú đổ dồn về phía mình, trong đó có cả những nghệ sĩ tên tuổi ngồi ở ghế giám khảo chấm thi như nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Giáng Son…

Thế nên mới có chuyện vui là ở màn trình diễn hợp ca, có một nữ nhà báo không hiểu sao thay vì đứng thẳng và nhìn xuống dưới sân khấu thì lại đứng nghiêng và hướng mắt nhìn vào phía cánh gà. Hóa ra, khi tiết mục chuẩn bị bắt đầu, một nam vũ công chạy từ trong cánh gà sân khấu theo đúng như kịch bản để diễn phần nhạc dạo đầu trước thì không may bị vấp chân trượt ngã. Dù anh chàng đã ngay lập tức đứng dậy và biểu diễn tiếp theo đúng như kịch bản nhưng màn “vồ ếch” này khiến nữ nhà báo trên không nhịn được cười. Để tránh việc biểu lộ cảm xúc này khi hát, nữ nhà báo quyết định chọn nhìn vào phía cánh gà thay vì nhìn giám khảo và khán giả.

Lần “chinh chiến” đầu tiên của đội văn nghệ Báo An ninh Thủ đô thắng lợi vang dội khi được vinh danh là 1 trong 3 chương trình xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an Thủ đô 2011 kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Màn trình diễn được các vị giám khảo đánh giá không chỉ bởi cách chọn bài sáng tạo, cách thể hiện giàu cảm xúc mà còn bởi phong thái trình diễn trẻ trung và đầy tự tin. Trong đó, tiết mục “Son” của tốp ca nữ nhận về giải B. Bên cạnh đó, hợp ca nam nữ “Mẹ Âu Cơ” và tốp ca nam “Tình yêu đời lính” cũng “rinh” về giải C.