Chuyển hộ kinh doanh: Không nên cố mặc cái áo chật

ANTD.VN - Thị trường tiêu thụ hàng hóa ổn định và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp góp phần quyết định để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Chính sách và thị trường thuận lợi, hộ kinh doanh sẽ tự chuyển đổi thành doanh nghiệp

Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cơ quan quản lý để đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Nhưng làm thế nào để hộ kinh doanh chuyển đổi vẫn là bài toán khó.

Băn khoăn trước chuyển đổi

Là chủ một doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ An Huy (xã Hà Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho hay, từ khi chuyển lên thành doanh nghiệp (năm 2008), doanh nghiệp phát triển ở quy mô lớn hơn, sản xuất kinh doanh bài bản hơn, có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước.

“70% sản phẩm của chúng tôi dành cho xuất khẩu, nên việc có tư cách pháp nhân rất quan trọng, giúp chúng tôi xuất khẩu dễ dàng hơn. Ngoài ra, dù chỉ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng chúng tôi cũng được hưởng ưu đãi vốn, chính sách, thuế suất xuất khẩu 0%” - ông Đỗ Hồng Chiêu nói.

Theo đại diện doanh nghiệp này, Hội Sơn mài Hà Thái, xã Hà Thái có hơn 100 hội viên, nhưng chỉ có hơn 10 doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong số này, nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh. “Tuy nhiên, vướng mắc họ gặp phải là thị trường. Từ năm 2008, tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, khó khăn nhiều hơn, thị trường bị thu hẹp. Công việc thất thường nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, song song với đó là nhiều hộ kinh doanh không “lên” doanh nghiệp được” - ông Đỗ Hồng Chiêu cho biết thêm.

Theo ông Đỗ Hồng Chiêu, vấn đề đáng ngại khác với hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp là cần quá nhiều giấy tờ, sổ sách. Với hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì vấn đề mấu chốt là đưa được sản phẩm ra thị trường, bán hàng có lãi, chi trả được lương công nhân, nhưng hai loại hình này khác nhau về thủ tục.

“Chúng ta có mong muốn chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhưng đây không nên coi là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu phải là phát triển khu vực tư nhân, phải để các khu vực doanh nghiệp đều có cơ hội tối đa để phát triển, đưa các nguồn lực vào sản xuất. Nếu cứ cứng nhắc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, dễ mắc phải “bẫy” bó buộc quyền kinh doanh của hộ kinh doanh, để họ buộc phải chuyển đổi. Khi đó, nguồn lực cho khu vực hộ kinh doanh sẽ không thể phát huy tối đa được”. 

Ông Phan Đức Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) 

Doanh nghiệp cần 31 loại chứng từ, sổ sách, đòi hỏi phải có kế toán; đầu vào nguyên liệu với hộ kinh doanh thì chỉ cần ghi sổ, nhưng với doanh nghiệp thì cần nhập từ các hộ có hóa đơn đầu vào để chứng minh nguyên liệu... Nói cách khác, thị trường và thủ tục hành chính là những trở ngại lớn khiến hộ kinh doanh băn khoăn lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp cho mình.

Ông Đỗ Văn Bình - chủ cơ sở sản xuất thuộc địa bàn Cụm công nghiệp làng nghề xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết:  “Chuyển lên thành doanh nghiệp, có thể chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực khác nữa. Nhưng chúng tôi còn xem xét các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về mặt bằng rồi mới quyết định”.

Chủ cơ sở sản xuất này cũng không  giấu nỗi lo gánh nặng thuế phí sẽ tăng lên, từ chỉ vài trăm nghìn đồng thuế môn bài mỗi năm đối với hộ kinh doanh, lên tới hàng trăm triệu đồng thuế, bảo hiểm cho người lao động trong doanh nghiệp. Một số đại diện hộ kinh doanh khác lại lo ngại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nằm trên giấy, chưa bao quát được hết những khó khăn khi hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp như: sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền...

Cần bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp

Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cả nước hiện có khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh, phát sinh thuế ở 1,6 triệu hộ. Hộ kinh doanh đang tạo ra lực lượng lao động tốt nhất trong các khu vực sản xuất kinh doanh. Để đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đội ngũ hộ kinh doanh này đang được nhắm tới, bằng cách chuyển đổi họ lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những lo ngại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh như trên thì việc chuyển đổi này chắc hẳn không dễ dàng, không phải chỉ cố chuyển đổi để đủ số lượng.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng: “Chúng ta có mong muốn chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhưng đây không nên coi là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu phải là phát triển khu vực tư nhân, phải để các khu vực doanh nghiệp đều có cơ hội tối đa để phát triển, đưa các nguồn lực vào sản xuất”.

Theo vị chuyên gia này, nếu cứ cứng nhắc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, dễ mắc phải “bẫy” bó buộc quyền kinh doanh của hộ kinh doanh, để họ buộc phải chuyển đổi. Khi đó, nguồn lực cho khu vực hộ kinh doanh sẽ không thể phát huy tối đa được. “Cả xã hội cứ bị mặc cái áo chật nên không ai phát huy được nguồn lực của mình. Môi trường kinh doanh phải bình đẳng giữa mọi hình thức kinh doanh” - ông Phan Đức Hiếu phân tích. 

Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cần khuyến khích, dùng đòn bẩy kinh tế thay vì mệnh lệnh hành chính để hộ kinh doanh chuyển đổi bền vững, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô, tính chất, kinh doanh.

Ví dụ, cần sửa đổi quy định, doanh nghiệp nhất thiết phải có một bộ máy kế toán, mà một người có thể kiêm nhiệm nhiều việc; đơn giản, rút gọn các loại sổ sách; hỗ trợ doanh nghiệp làm báo cáo tài chính trong 2-3 năm đầu tiên... “Nếu hộ kinh doanh thấy chính sách có lợi họ sẽ chuyển đổi ngay lập tức, không cần đợi cơ quan Nhà nước đến vận động” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ

Ông Văn Quang Huy - Vụ Chính sách, Tổng cục thuế cho biết, nếu hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ rất nhiều để phát triển. Cụ thể là các chính sách về vay vốn ngân hàng, được ngành thuế tạo thuận lợi. “Từ ngày 1-7-2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ sẽ được áp dụng chế độ kế toán riêng, rất đơn giản. Nếu các doanh nghiệp thông thường khác phải có 30 bảng biểu kế toán, thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ cần 6 biểu mẫu” - đại diện Vụ Chính sách nói.

 Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua cũng có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ được chuyển đổi lên từ hộ kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thuế suất thông thường, dự kiến là 5%.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp này còn được miễn lệ phí môn bài trong vòng 3 năm. Về đăng ký thuế, khi doanh nghiệp thành lập từ hộ kinh doanh được cấp mã số doanh nghiệp, sẽ đồng thời là mã số thuế. Ngoài ra, sắp tới 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, thì các thủ tục về hóa đơn như hiện nay sẽ bị bãi bỏ.

Ví dụ, doanh nghiệp sẽ không phải gửi thông báo phát hành hóa đơn, không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, không phải gửi thông báo hủy, hỏng hóa đơn… Thủ tục thuế đối với doanh nghiệp khi ấy sẽ không phức tạp hơn nhiều so với hộ gia đình, mà doanh nghiệp lại được tham gia ở sân chơi mới, lớn và chuyên nghiệp hơn.