Chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới: Tránh làm tràn lan

ANTĐ - Sau 2 năm Bộ Y tế triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên giảm rõ rệt. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện không ít lãng phí khi nhiều bác sĩ được chuyển giao kỹ thuật không về tuyến dưới công tác hoặc bệnh viện được chuyển giao kỹ thuật nhưng không có trang thiết bị cần thiết để thực hiện…

Chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới: Tránh làm tràn lan ảnh 1Đề án bệnh viện vệ tinh không chỉ chuyển giao kỹ thuật mà còn hỗ trợ trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện tuyến dưới

Gần 40% bệnh viện giảm chuyển tuyến

Tại hội nghị sơ kết thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh diễn ra ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đề án đã thiết lập mạng lưới 14 bệnh viện hạt nhân có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh, tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi.

Sau gần 3 năm thực hiện, hơn 37% số bệnh viện vệ tinh có tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên giảm rõ rệt. Chẳng hạn như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca, năm 2014 chỉ còn 12 ca, giảm chuyển tuyến gần 89%; tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi được chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật tăng gần 2 lần, từ hơn 2.800 ca năm 2013 lên hơn 5.500 ca năm 2014...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết thêm, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay còn khoảng 30-35%, có những nơi tỷ lệ này thậm chí chỉ còn khoảng 5-7%. Theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, để có được những kết quả cụ thể này, điều quan trọng nhất là chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh đã được nâng lên, người dân đã đặt niềm tin nhiều hơn vào y tế tuyến dưới. Trên thực tế, nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các bệnh viện tuyến trên nhưng sau khi được chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện địa phương đã thực hiện thường quy. 

Dẫn chứng về nhận định này, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, trước đây việc thực hiện kỹ thuật mổ máu tụ trong não tiến tới mổ u não chỉ là mơ ước nhưng từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, các y bác sĩ của bệnh viện đã có thể tự thực hiện được.

Mới đây nhất, một bệnh nhân nữ 67 tuổi, bị máu tụ trong não do tăng huyết áp đã được bác sĩ của bệnh viện mổ thành công dưới kính hiển vi. Hay một kỹ thuật rất khó khác là thay khớp háng toàn phần, trước đây bệnh viện đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài điều trị với chi phí hàng trăm triệu đồng, nay bệnh viện đã tự thực hiện được cho rất nhiều ca... 

Cần chuyển giao có chọn lọc

Hiệu quả của đề án bệnh viện vệ tinh đã thấy rõ, song bên cạnh đó, quá trình triển khai đề án cũng còn không ít vướng mắc, nhiều mô hình triển khai chưa hiệu quả. PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – một trong những bệnh viện trung ương có số lượng bệnh viện vệ tinh nhiều nhất hiện nay chia sẻ, thực tế có không ít bác sĩ được bệnh viện tuyến dưới cử lên tuyến trên học tập để nhận chuyển giao kỹ thuật nhưng sau khi đào tạo xong không quay trở lại tuyến dưới làm việc. Ngược lại, cũng có không ít bệnh viện tuyến tỉnh khi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, được khuyến khích mời các chuyên gia tuyến trên xuống chuyển giao kỹ thuật nhưng sau khi thực hiện được kỹ thuật thì không thấy đầu tư máy móc, không có điều kiện để thực hiện kỹ thuật mà mình đã được chuyển giao.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang, khi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, cả bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh đều nên có sự lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao chứ không phải làm một cách tràn lan, chẳng hạn lĩnh vực mổ tim hở trong một khu vực chỉ cần một vài nơi làm được chứ không nhất thiết địa phương nào cũng đầu tư. Bên cạnh đó, cần khảo sát đánh giá trước cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện vệ tinh trước khi chuyển giao kỹ thuật, tránh tình trạng đào tạo xong về thì không có thiết bị để làm, gây lãng phí rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đề án bệnh viện vệ tinh là một trong những giải pháp trọng tâm đang được Bộ Y tế tập trung thực hiện nhằm giúp giảm tải cho tuyến trên và cũng nhờ đề án này mà thời gian qua rất nhiều bệnh viện tuyến cuối đã có cơ sở để mạnh dạn đăng ký thực hiện không nằm ghép.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được của Đề án giai đoạn 2013-2015, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, làm cơ sở để xây dựng và phê duyệt Đề án giai đoạn 2016-2020 với việc mở rộng hơn nữa số bệnh viện vệ tinh ở các vùng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, bên cạnh nỗ lực của ngành, người dân cũng cần tạo thói quen khám ở tuyến y tế cơ sở gần nhất, hạn chế việc tự ý vượt lên tuyến trên. Trong nghiên cứu độc lập của Bộ Y tế, có 30 -60% bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối tại bệnh viện Trung ương và TP.HCM có thể điều trị ở tuyến dưới.