Chuyên gia tiếp tục kiến nghị gói hỗ trợ “tiền tươi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia tiếp tục đề xuất sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.

Đề xuất hỗ trợ tiền mặt

Theo TS.Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó, khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ.

Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020; Nhật Bản chi tới 61% GDP, Châu Âu chi khoảng 20% GDP, Thái Lan 16,8% GDP.

Theo vị chuyên gia này, để có tiền hỗ trợ nền kinh tế Chính phủ các nước đều phát hành trái phiếu và Ngân hàng Trung ương sẽ mua trái phiếu này. Tiền hỗ trợ này được các nước dùng bổ sung ngân sách để tài trợ thất nghiệp, tài trợ bằng phát tiền mặt; cho vay các doanh nghiệp lớn và quan trọng trong nền kinh tế mà ngân hàng không thể cho vay; bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.

Nhìn vào các gói hỗ trợ trong nước, tổng giá trị thực mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra hỗ trợ ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng ngân sách nên chi hỗ trợ tiền mặt nhiều hơn

Các chuyên gia cho rằng ngân sách nên chi hỗ trợ tiền mặt nhiều hơn

Tuy nhiên, ông cho rằng để hỗ trợ nhất định phải có "tiền tươi thóc thật". Bởi vì trong giai đoạn này, dù ngân hàng hạ lãi suất thì nhiều doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện vay; hay việc miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế hiệu quả cũng hạn chế, do doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh, không có lãi để nộp thuế.

“Tất cả những động thái này đều tốt nhưng lại không thể kích thích được doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Điều doanh nghiệp cần lúc này là “oxy để thở”, họ cần tiền mặt thật", ông Nghĩa nói.

Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn

Do đó, TS.Lê Xuân Nghĩa đề nghị Việt Nam nên có 2 gói hỗ trợ: Gói thứ nhất dùng để mua vaccine (tới đây là thuốc đặc trị) và nâng cấp y tế; nguồn tiền nên dùng dự trữ ngoại hối. “Hiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên tới 107 tỷ USD, chúng ta có thể bỏ ra vài tỷ USD triển khai gói này” – ông nói.

Hai là, gói hỗ trợ từ tài khóa, tức là Bộ Tài chính phát hành trái phiếu, ít nhất khoảng 3 – 5 tỷ USD, do ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Nhà nước mua.

Gói hỗ này để tài trợ phục hồi lại thị trường lao động, để các công ty có cơ hội gọi nguồn lao động trở lại và người lao động có động lực làm tốt để phục hồi sản xuất, tránh đứt gãy nguồn lao động.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, việc "bơm tiền" hỗ trợ nền kinh tế có thể dẫn tới áp lực lạm phát và có thể làm tăng tỷ giá hối đoái...

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện năng lực ngân sách tốt hơn rất nhiều so với 10 năm trước, dư địa còn nhiều nhưng chi tiêu quá thấp. Do đó, ông đề nghị, trước hết phải mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa mà ở đây là tăng bội chi ngân sách lên từ 8-10%, để có nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

PGS-TS.Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa. Theo ông, năm nay tổng gói hỗ trợ của chúng ta vào khoảng 3% GDP cả trực tiếp và gián tiếp. Nếu năm sau tiếp tục hỗ trợ 1 gói tương đương, nợ công của Việt Nam lên cao nhất chỉ 57,4% vào năm 2023, tức là chưa quá trần.

"Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được, thậm chí là tiền trợ cấp cũng chưa tiêu hết. Dễ nhất là tiền chúng ta sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trực tiếp bằng tiền mặt, việc này nên giải ngân nhanh hơn”, ông nói.

Do vậy, ông Cường cũng cho rằng chúng ta nên “phát tiền mặt” cho người dân. Điều này sẽ tạo ra tổng cầu nhanh cho nền kinh tế.

Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết và thời gian vừa qua hai chính sách đã phối hợp rất chặt chẽ.

“Vai trò chính sách tiền tệ chúng tôi rất tự giác, tức là dư địa chính sách tiền tệ còn bao nhiêu chúng tôi sẽ điều hành tất cả, còn vượt quá cái đó thì chính sách tài khóa phải vào cuộc” – ông nói.

Về đề xuất NHNN mua trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành, Phó Thống đốc NHNN cho rằng dù NHNN có cho ngân sách vay thì ngân sách cũng phải tính toán và phải cân đối tất cả các nguồn lực đất nước trong ngắn hạn, trung hạn để đưa ra những quyết định hợp lý.

“Nhiều ý kiến cho rằng trong thời điểm này thì phải hỗ trợ “tiền tươi thóc thật”, phải hỗ trợ bằng ngân sách… thì phía Bộ Tài chính, các Bộ ngành, Vụ Kinh tế tổng hợp cũng đang nghiên cứu” – Phó Thống đốc cho biết.

Về việc sử dụng dự trữ ngoại hối quốc gia, lãnh đạo NHNN cho rằng vấn đề dự trữ ngoại hối để phục vụ điều hành tỷ giá, điều hành hoạt động ngoại tệ là “vấn đề đại sự”, phải mất nhiều năm bao nhiêu chúng ta mới tăng được lên mức trên 100 tỷ USD như vậy. Vì vậy không phải cứ muốn là sử dụng dự trữ ngoại hối được.