Chuyên gia: Rồi Pháp cũng sẽ phải giao Mistral cho Nga

ANTĐ - Một chuyên gia kỹ thuật quân sự Pháp vừa đưa ra nhận định, tuy Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố “tồn tại nguy cơ hủy hợp đồng” nhưng nó không có nghĩa là Pháp từ chối bán tàu đổ bộ trực thăng Mistral cho Nga.

Ông Arnaud Kalika - chuyên gia Pháp trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande về các điều kiện giao hai tàu đổ bộ trực thăng (tàu sân bay trực thăng) lớp Mistral cho Nga không nên được xem như một sự từ chối hợp đồng mà mới là lời cảnh báo.

"Tuyên bố của ông Hollande có thể được nhận định là một ý kiến vô cùng thận trọng, một tuyên bố dưới dạng cảnh báo. Đồng thời, theo như tôi hiểu, quan điểm của Pháp nói chung sẽ không thay đổi, các tàu sẽ vẫn được bàn giao cho Nga" - ông chia sẻ nhận xét với Interfax hôm 4-9.

Theo ông Arnaud Kalika, việc hôm 3-9, ông Hollande tuyên bố "chưa thấy đủ các điều kiện" để thực hiện cung cấp tàu đổ bộ trực thăng Vladivostok cho Nga là hành động mang tính chất ngoại giao, do những áp lực chính trị từ Liên minh châu Âu, NATO, và đặc biệt từ phía Đức.

Hãng Rosoboronexport và công ty DCNS của Pháp đã ký hợp đồng đóng hai tàu đổ bộ lớp Mistral hồi tháng 6 năm 2011. Tàu Vladivostok được dự kiến bàn giao vào mùa thu năm nay, còn chiếc thứ 2 là Sevastopol sẽ chuyển cho Nga vào năm 2015.

Chuyên gia: Rồi Pháp cũng sẽ phải giao Mistral cho Nga  ảnh 1

Phần đầu và phía đuôi tàu sân bay trực thăng lớp Mistral

Hiện nay, mặc dù tổng thống Pháp tuyên bố như vậy nhưng công việc đào tạo thủy thủ đoàn Nga cho tàu sân bay trực thăng này lớp Mistral đã được hoàn thành tại Brittany còn chiếc thứ 2 vẫn vẫn đang được nhà thầu DCNS tiếp tục triển khai đóng.

Trước đây, Paris từng tuyên bố họ không thấy có trở ngại gì cho việc thực hiện hợp đồng. Chính quyền Pháp nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt của EU chống lại Nga, bao gồm cả giới hạn trong hợp tác quân sự-kỹ thuật, không được áp dụng đối với những hợp đồng đã ký kết trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Phản ứng với tuyên bố của ông Hollande, Bộ Quốc phòng Nga cho hay họ không phiền muộn với lời từ chối cung cấp tàu sân bay “Mistral” của phía Pháp. Việc từ chối hợp đồng này sẽ không phải là thảm họa đối với họ trong kế hoạch tái vũ trang và thực hiện các chương trình vũ khí nhà nước.

Chuyên gia: Rồi Pháp cũng sẽ phải giao Mistral cho Nga  ảnh 2

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố ngày 4-9 là việc ngừng bàn giao tàu sân bay trực thăng Mistral sẽ tạo ra những căng thẳng nhất định trong quan hệ hợp tác với các đối tác Pháp.

Được biết, nếu chấm dứt hợp đồng đơn phương phía Pháp sẽ phải trả lại khoản tiền Nga đã ứng trước trong hợp đồng này. Tháng 6 vừa qua, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius cho biết là doanh nghiệp nước này đã nhận phần lớn tiền trong tổng giá trị hợp đồng 1,66 tỷ USD, được ký kết từ hồi năm 2011 nên không thể từ bỏ.

Ngoài ra, nếu hủy bỏ hợp đồng thì thì Paris sẽ thiệt hại nhiều hơn là Moscow. Pháp sẽ phải bồi thường hơn 1,2 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) cho Nga. Số tiền trên bao gồm số tiền trong thỏa thuận mua 2 chiếc tàu chiến và tiền phạt vì chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, hợp đồng trị giá 1,66 tỷ USD đóng 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral này đã tạo ra khoảng 1.000 việc làm cho công nhân Pháp và hứa hẹn nhiều hơn nữa khi nó còn bao gồm lựa chọn bán thêm 2 chiếc ở hợp đồng thứ 2.