Chuyên gia nói gì về người đàn ông ở Cầu Giấy tái mắc Covid-19 sau 10 tháng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phân tích về ca bệnh ở Cầu Giấy (Hà Nội) dương tính với SARS-CoV-2 ngày 7-9, dù trước đó đã nhiễm Covid-19 ở Nga vào tháng 11-2020, các chuyên gia cho biết ca bệnh này vẫn có nguy cơ lây lan mầm bệnh...
Xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội

Xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội

Như ANTĐ đã đưa tin, sáng 7-9, Sở Y tế Hà Nội công bố F0 là ông N.T.P., sinh năm 1968, địa chỉ Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga.

Qua điều tra, bước đầu xác định người này có tiếp xúc gần với vợ và một số người ở cơ quan. Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đang truy vết những địa điểm có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân này như tại quận Ba Đình hay điểm tiêm chủng ở Trung Liệt mà người này đã đến tiêm vaccine ngày 3-9.

Phân tích về trường hợp này, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, miễn dịch sinh ra sau khi mắc Covid-19 là không bền vững, trên thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp bị tái nhiễm chủng virus khác sau khi khỏi bệnh.

Chủng virus lưu hành phổ biến vào năm trước là chủng Alpha và Beta, trong khi ở thời điểm hiện tại chủng Delta đang thống trị toàn cầu. Do đó, người đã khỏi bệnh hoàn toàn có khả năng bị tái nhiễm.

Theo TS Điền, với trường hợp ca bệnh ở Cầu Giấy, bệnh nhân vẫn có nguy cơ lây lan mầm bệnh. Tuy nhiên khả năng lây lan có thể ít hơn vì cơ thể đã có miễn dịch chéo giữa các chủng với nhau.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, trên thế giới, số ca tái nhiễm ghi nhận rất ít nhưng vẫn có. Có những trường hợp tái nhiễm vài tháng sau khi khỏi bệnh.

"Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm" – bác sĩ Cấp nói.

Cũng theo ông Cấp, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỉ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu. Do vậy, cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc với F0 này trong 10-14 ngày trước đó.