Chuyên gia Nga: Công nghệ tên lửa liên lục địa Nga đi trước Mỹ ít nhất 10 năm

ANTD.VN -Dự án tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của Mỹ sẽ làm đối trọng với ICBM RS-28 Sarmat của Nga, tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, loại tên lửa mới của Mỹ sẽ không thể được đưa vào hoạt động trong những năm 2020.

Đầu tuần qua, truyền thông Mỹ cho biết, lãnh đạo phụ trách mua sắm quốc phòng Mỹ, Frank Kendall đã trình lên Hội đồng mua sắm quốc phòng bản kế hoạch phát triển ICBM mới thay thế cho Minuteman III, đã phục vụ từ những năm 1970. Việc hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân của Mỹ được cho là sẽ kéo dài trong vòng 30 năm tới với chi phí lên tới 1.000 tỉ USD.

Trong khi đó, ICBM RS-28 Sarmat của Nga đã được phát triển từ năm 2011 để chuẩn bị thay thế cho ICBM R-36M vào năm 2018.

Nga đã đi trước Mỹ trong việc nghiên cứu ICBM

Nói chuyện với hãng tin RIA Novosti, chuyên gia Sivkov, chủ tịch Học viện nghiên cứu các vấn đề chính trị ở Moscow nhận định rằng, Mỹ còn lâu mới tạo ra được một ICBM mới sánh ngang với tên lửa Sarmat của Nga. Washington đã nhắc tới loại tên lửa mới từ một thập kỉ trước nhưng đến nay, công đoạn phát triển mới bắt đầu ở việc đề ra các thông số kĩ thuật. Do đó, ông Sivkov cho rằng, sẽ mất thêm ít nhất là 10 năm nữa để Mỹ tạo ra được một tên lửa ngang tầm Sarmat.

Chuyên gia Nga cũng phán đoán ICBM mới của Mỹ sẽ sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 12.000km và mang được 3 - 10 đầu đạn, có khả năng tấn công  nhiều mục tiêu cùng lúc với sai số từ 50 đến 100m.

Hiện nay, Minuteman III là ICBM duy nhất của Mỹ với khoảng 450 quả được triển khai trên khắp đất nước và sẽ phục vụ ít nhất đến năm 2020.

Các nhà khoa học chính trị từng phán đoán rằng, lí do Nga bắt đầu chương trình hiện đại hóa tên lửa hạt nhân từ rất sớm là do Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và xây dựng mạng lưới phòng không ở châu Âu vào năm 2002.