Chuyên gia Mỹ: Không quá khó để bắn hạ F-22 và F-35 của Mỹ

ANTĐ - Một chuyên gia quân sự Mỹ vừa đưa ra cảnh báo rằng, các loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ có thể dễ dàng bị bắn rơi bởi những loại tên lửa không quá hiện đại.

Giới chức quốc phòng Mỹ luôn phớt lờ kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy, F-35 sẽ không thể chiến thắng trong cận chiến chống lại những loại máy bay tiêm kích thế hệ cũ do cho rằng, một máy bay tàng hình được thiết kế để tránh những cuộc trạm chán bất ngờ trên không. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar viết trên tạp chí National Interest, mọi việc không thực sự tốt đẹp như vậy trong thời gian dài.

"Một vài cải tiến xử lý tín hiệu đơn giản, kết hợp với một tên lửa đầu đạn lớn và một hệ thống hướng dẫn thiết bị đầu cuối, có thể cho phép radar tần số thấp và các hệ thống vũ khí tiêu diệt những loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ”, ông Majumdar nhận định.

Từ lâu, Lầu Năm Góc đã biết rằng, radar tần số thấp hoạt động trong băng tần VHF và UHF có khả năng dò tìm và theo dõi các máy bay tàng hình của Mỹ, tuy nhiên, họ luôn tự trấn an rằng, chưa lực lượng vũ trang nào sở hữu vũ khí đủ chất lượng để dẫn đường tên lửa phòng không đến máy bay tàng hình của Mỹ.
Chuyên gia Mỹ: Không quá khó để bắn hạ F-22 và F-35 của Mỹ ảnh 1Chiến đấu cơ tàng hình F-22 (trái) và F-35

Theo một chuyên viên tác chiến điện tử của không quân Mỹ, có nhiều cách giải quyết vấn đề dẫn đường của tên lửa. 2 thách thức chính trong việc sử dụng radar tần số thấp để dẫn đường tên lửa bao gồm độ rộng của chùm tia và độ dài của xung, tuy nhiên, điều này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng thiết bị xử lý tín hiệu.

Cựu Trung tá không quân Mỹ Mike Pietrucha nhận định rằng, xung sóng radar có thể được nén bằng cách sử dụng bộ thay đổi tần số, kĩ thuật vốn đã được sử dụng từ những năm 1980. Đây chính là công nghệ của hệ thống đánh chặn Aegis trên các tàu hải quân Mỹ như tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Ông Majumdar nhận định rằng, với kĩ thuật này, ngay cả các tên lửa lỗi thời như S-75 “Dvina” cũng có thể xoá sổ máy bay tàng hình của Mỹ khỏi bầu trời và nếu sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại, thì việc bắn hạ còn dễ dàng hơn nhiều.

Các máy bay tàng hình của Mỹ đã lộ ra điểm yếu ngay cả khi đối đầu với những hệ thống phòng không từ thời 1960. Vào tháng 3-1999, trong chiến dịch của NATO tại Nam Tư, một tổ đội tên lửa phòng không ở miền trung Serbia đã bắn hạ chiếc chiến đấu cơ F-117 Nighthawk của Mỹ với hệ thống S-125 “Neva”. F-117 đã được coi là hệ thống vũ khí mang tính cách mạng sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và chính thức về hưu từ năm 2008. Những mảnh vỡ của F-117 bị bắn rơi hiện vẫn đang được giữ ở bảo tàng hàng không Belgrade.

Không như thiết kế góc cạnh của F-117, cả F-22 và F-35 đều có dáng vẻ khá thon gọn nhằm tránh radar của đối phương cũng như khiến chiếc máy bay linh hoạt hơn.

Mẫu F-22 Raptor được đưa vào sử dụng để thay thế cho F-15 và F-16, với mục tiêu thành chiến đấu cơ chủ lực trên không, đồng thời có khả năng hỗ trợ mặt đất. Chỉ có khoảng 200 chiếc F-22 được sản xuất với chi phí hơn 66 tỉ USD. Mẫu máy bay này đã được ngừng sản xuất vào năm 2011 để tập trung vào F-35.

Tuy nhiên, F-35 đang trở thành một nỗi thất vọng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, với việc ngốn một khoảng ngân sách cực lớn trong khi liên tiếp mắc các lỗi kĩ thuật quan trọng.