Chuyên gia kinh tế: "Căn cứ để sửa đổi 5 luật thuế chưa thuyết phục"

ANTD.VN - "Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách làm vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập" - đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, sáng 14-9.

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài chính tổ chức, đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo bà Phạm Chi Lan, đến nay kết quả của bản đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế vẫn chưa được công bố. “Đến nay vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh. Thứ hai là tác động đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế ra sao, trong báo cáo tác động có đề cập không, ngành nào sẽ thua thiệt nhất. Thứ ba là điều chỉnh trong luật này có phù hợp với chiến lược phát triển các ngành không, việc khuyến khích phát triển ngành nọ, không phát triển ngành kia có được phản ánh trong điều chỉnh thuế hay không?” – chuyên gia này đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan 

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ việc không tin tưởng vào bản đánh giá tác động của Bộ Tài chính nếu được công bố. “Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách làm vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập”.

Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ để sửa đổi 5 luật thuế là chưa đủ thuyết phục. Thứ nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cấp tất cả các vấn đề về ngân sách chứ không chỉ nguồn thu. Bà Lan cho rằng bội chi ngân sách cao là chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước nắm trong tay… chứ không phải do thu ít.

“Đó mới là khía cạnh quan trọng hơn nhiều, thì sẽ được đưa ra ở kênh nào, vì hiện nay tái cơ cấu đầu tư công chưa hiệu quả. Nếu chỉ giải đáp ở khía cạnh thu thì không đủ”.

Một căn cứ nữa được Bộ Tài chính đưa ra cũng khiến chuyên gia này băn khoăn, đó là Chiến lược thuế 2011 – 2020. “Tôi không tin ở những chiến lược đề ra rất lâu rồi mà ta vẫn bám vào nó, lại chỉ bám vào những thứ phù hợp với cái ta định làm. Phải xem tính hợp lý chiến lược có còn hay không. Cuối cùng là tính hệ thống của chính sách thuế. Lần này sửa 5 luật, liệu vài năm nữa có sửa thêm không và 2 lần sửa có đảm bảo thống nhất không?

Đấy là về thuế thôi, còn phí thì vô cùng nhiều nữa, nếu cộng lại thi vô cùng khủng khiếp với doanh nghiệp, người dân. Cơ quan nắm tài chính của Nhà nước thì phải tính đến những khía cạnh đó chứ không phải tách riêng ra phần của mình để tăng thu lên, để đạt được mục đích của mình, cuối cùng tất cả gánh nặng đặt lên vai người dân, doanh nghiệp” – bà Phạm Chi Lan nói.