Chuyên gia hiến kế chống gian lận điểm THPT quốc gia: Chỉ tổ chức thi cho 20% học sinh

ANTD.VN - Sai phạm chấm thi tại Sơn La vẫn chưa thể giải quyết triệt để vì quá phức tạp. Vấn đề giải quyết hậu quả và tìm biện pháp ngăn chặn gian lận thi cử cho kỳ thi năm sau đang được các chuyên gia giáo dục tích cực góp ý.

Mặc dù ngày 23-7, Tổ công tác Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại tỉnh Sơn La và phát hiện có dấu hiệu sửa chữa phiếu trả lời trắc nghiệm tại tỉnh Sơn La nhưng chưa thể tiến hành chấm thẩm định.

Ông Mai Văn Trinh, Tổ trưởng tổ công tác Bộ GD-ĐT giải thích: “Chúng tôi chưa đủ cơ sở chấm thẩm định lại bài thi trắc nghiệm. Bài thi nào có dấu hiệu nghi vấn bất thường thì bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi có thể phát hiện được điều đó. Như thế cũng là nỗ lực rất lớn".

Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi? Hiện tại, các đơn vị chức năng đang nỗ lực điều tra làm rõ vấn đề này.

Cũng vì lý do này, nên Sơn La bắt buộc phải sử dụng điểm hiện thời của các bài thi trắc nghiệm để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cho đến khi có đủ căn cứ để chấm thẩm định lại bài thi trắc nghiệm và quyết định mức điểm cụ thể ra sao.

TS Lê Trường Tùng đề xuất chỉ tổ chức thi cho 20% học sinh lớp 12 và đặc cách cho 80% học sinh khá giỏi để kiểm soát tính nghiêm túc của kỳ thi

Trước những phức tạp trong khâu chấm thi sau hàng loạt vi phạm phát lộ ở Sơn La, Hà Giang, các chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn vi phạm thì vẫn phải tính đến việc giải quyết gốc của vấn đề.

Áp lực của kỳ thi 2 trong 1 được cho là nguồn gốc gây nên những gian lận nghiêm trọng nói trên và nhiều người còn nghi ngờ sai phạm có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào.

Do vậy, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho rằng, phương án tốt nhất ở đây là giao hẳn việc tuyển sinh về cho các trường đại học, còn thi tốt nghiệp THPT thì có thể đặc cách tốt nghiệp cho 80% học sinh khá giỏi, chỉ tổ chức thi cho 20% còn lại.

Đặc biệt, việc chấm thi trắc nghiệm cần chấm tập trung chứ không phân cho các địa phương như hiện nay. Với giới hạn nói trên, Bộ và các địa phương hoàn toàn có đủ nguồn lực để tổ chức và đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, minh bạch.