Chuyên gia đề xuất gói tín dụng đặc biệt, lãi suất cực thấp hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn cực kỳ khó khăn thì việc có một gói tín dụng đặc biệt với sự đồng lòng tham gia của các ngân hàng và các quỹ tài chính khác là cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn lãi suất thấp cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần có gói tín dụng lãi suất thấp hơn nữa

Trước đó, sau cuộc họp ngày 12/7 giữa Ngân hàng Nhà nước với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng đã tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức giảm phổ biến từ 0,5-2 điểm % đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.

Với việc liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện nay ở mức 4,5%/năm; lãi suất đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại cũng giảm xuống trong khoản 7-10%/năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, dù lãi suất cho vay hiện nay đã rất thấp nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua, lãi suất các khoản vay vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác nghiên cứu các gói tín dụng với lãi suất rất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ đề xuất có thể nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho DNNVV quy mô khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm, tức là lãi suất thị trường khoảng 8% thì doanh nghiệp chỉ phải trả 4-5%/năm, còn lại ngân sách sẽ hỗ trợ.

Lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp

Lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp

Các ngân hàng thương mại, các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp để cùng thực hiện. Theo đó, thời hạn hỗ trợ lãi suất có thể trong vòng 1 năm; áp dụng có trọng tâm, trọng điểm với DNNVV, doanh nghiệp ở địa bàn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà.

“Ước tính, với gói tín dụng trên, ngân sách sẽ bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai chính sách này” - vị chuyên gia nói.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Cũng cùng đề xuất một giải pháp tín dụng đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng nên thành lập một tổ hợp tín dụng với quy mô khoảng 300 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ chợp tín dụng này đi kèm với các quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ông cho biết, đây là tổ hợp cho vay của các ngân hàng mà trước đây đã được Mỹ, Đức và một số nước áp dụng rất hiệu quả với sự tham gia “hùn vốn” của nhiều ngân hàng.

“Việt Nam cần có một tổ hợp như vậy. Tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng, tính ra quy mô khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian cho vay trong vòng 5 năm, trong đó 2 năm đầu vay tuần hoàn, 3 năm sau vay cố định và trả dần”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ý tưởng.

Theo ông, NHNN có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mại, đồng thời đưa ra quy chế, với điều kiện vay phải là tín chấp, lãi suất cho vay chỉ 3-5%.

Các ngân hàng có thể lấy tiền từ nguồn huy động lõi, tức là từ các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, các tài khoản vãng lai, tiền tiết kiệm không kỳ hạn mà các ngân hàng không trả lãi hoặc phải trả lãi rất thấp.

Ông cũng lưu ý, do cho vay tín chấp có rủi ro cao nên để ngân hàng có thể an toàn cho vay thì tổ hợp tín dụng trên cần phải liên kết với Quỹ Bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia, vốn phải lên tới 30 nghìn tỷ đồng và cho phép quỹ bảo lãnh 10 lần trên số vốn tự có (300 nghìn tỷ đồng).

Đồng tình với các đề xuất về một gói tín dụng đặc biệt, TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng điều này đòi hỏi sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, cần đến một cơ chế cụ thể để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thuận lợi.

“Ngay kể cả có một gói tín dụng quy mô như thế thì cũng không phủ hết được các DNNVV, do đó các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các điều kiện để tiếp cận tín dụng. Vì vậy, về tinh thần thì tôi nghĩ các đề xuất này là đúng, nhưng bài toán sẽ quay lại vấn đề quy trình, các điều kiện, vấn đề bảo lãnh... để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói tín dụng này. Tính cụ thể của đề xuất sẽ phải rõ ràng hơn” – ông nói.

Về vấn đề bảo lãnh tín dụng, theo vị chuyên gia, thật ra trước đó các quỹ bảo lãnh đã có từ lâu ở các tỉnh, thành, nhưng hoạt động kém có hiệu quả. Bản chất các quỹ này, cơ bản không phải giảm lãi suất mà là tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, ví dụ doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp thì các quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh.

Còn Quỹ hỗ trợ DNNVV, theo TS Võ Trí Thành, từ khi có Luật Hỗ trợ DNVVN thì quỹ này cũng đã giải ngân, nhưng con số không đáng kể, khoảng khoảng vài nghìn tỷ, tốc độ giải ngân vẫn chưa được như kỳ vọng

Do đó, trước tình hình khó khăn hiện tại thì việc cùng huy động các nguồn lực để có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thực hiện các gói hỗ trợ hiện hành cần được triển khai nhanh gọn, trúng và hiệu quả; cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư - kinh doanh càng nhanh, càng tốt.