Chuyện được - mất của Hoa hậu

ANTD.VN - Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa kết thúc, Đỗ Mỹ Linh - một thí sinh không được chú ý từ vòng đầu đã bất ngờ đăng quang. Cũng từ đây, cuộc sống của Mỹ Linh hoàn toàn thay đổi, cô đã không chỉ là cô sinh viên của trường ĐH Ngoại Thương mà đã trở thành người nổi tiếng. Vinh dự nhưng cũng tội nghiệp thay cho Đỗ Mỹ Linh và cả những ai có may mắn trở thành người nổi tiếng, được cả triệu người biết đến khi họ bị theo dõi, tò mò bình phẩm và không ngớt lời phán xét.

Khi Hoa hậu bị “vạch lá tìm sâu”

Chuyện một mỹ nhân đăng quang Hoa hậu xưa nay vốn là sự kiện gây chú ý dư luận. Vì phàm người bình thường, ai mà chả yêu cái đẹp, chả tò mò trước vẻ đẹp được tôn vinh là “Hoa hậu” - cô gái được xem là người đẹp tài sắc nhất trong số cả rừng người đẹp. Hoa hậu không chỉ là ước mơ của hàng triệu cô gái Việt mà còn là ước mơ của hầu hết mọi người về chuẩn mực của một vẻ đẹp Việt. Công chúng Việt mong mỏi về một vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn.

Đáp ứng mong mỏi của công chúng, các cuộc thi sắc đẹp có thêm phần trả lời ứng xử để thẩm định sự thông tuệ của các thiếu nữ mới lớn, đại ý để chứng minh các cô đã đẹp lại còn thông minh. Tiếc là, phần thi ứng xử của các thí sinh dự thi Hoa hậu lại hao hao giống chương trình “Gặp nhau cuối tuần” vì những câu trả lời của các mỹ nhân đa phần khiến khán giả cười ra nước mắt.

Còn nhớ cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam 2008”, người đẹp Thùy Dung bất ngờ đăng quang. Sau khi đội trên đầu chiếc vương miện, Thùy Dung còn mải ngây ngất với chiến thắng không ngờ tới sau màn ứng xử thiếu thuyết phục tại đêm chung kết thì công chúng đã kịp khui ra chuyện cô đã bỏ học lớp 12 và khai man để đi thi Hoa hậu.

Trước sức ép dư luận, Thùy Dung đã không được tham dự bất kỳ một cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào, dù sau đó cô rất nỗ lực để xóa bỏ những điều tiếng thị phi không đáng có này. Hình ảnh của Thùy Dung với công chúng ít nhiều bị sứt mẻ. Điều này cũng cho thấy sức mạnh khủng khiếp của công chúng, thật đúng là “miệng dân sóng bể”.

Hoa hậu Ngọc Hân cũng khốn đốn với chiếc vương miện sau khi đăng quang năm 2010. Sau đêm chung kết, cư dân mạng bắt đầu lôi những tấm ảnh từ khi Ngọc Hân chưa thi Hoa hậu ra để nhằm mục đích bêu xấu. Ban tổ chức ra sức bênh vực Ngọc Hân, cho rằng cô đăng quang là xứng đáng, hoàn toàn không có chuyện thân tình với một thành viên của Ban giám khảo mà được ưu ái.

Không may cho Ngọc Hân năm ấy khi cô không thể tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long vì lý do tắc đường, thế là bao lời bênh vực của Ban tổ chức trở nên vô nghĩa khi dư luận bày tỏ sự không hài lòng, thậm chí đòi tước vương miện trước sự cố này của cô. 

Hoa hậu 2014 Kỳ Duyên là một trong những Hoa hậu “đen đủ đường” sau khi đăng quang. Trong 2 năm nhiệm kỳ của mình, Kỳ Duyên liên tiếp gặp scandal cả chủ quan lẫn khách quan. Có thể nói chưa có Hoa hậu nào mà bị săm soi “đường ăn nết ở” như Kỳ Duyên, từ việc cô ăn mặc ra sao, cư xử với bố mẹ ở sân bay thế nào, đến chuyện tướng ngủ vô tư đến vô duyên trên máy bay, rồi thì bị một trang “web đen” ở Nhật lấy hình minh họa, nghi án phẫu thuật thẩm mỹ và chuyện học hành láng cháng cũng bị cư dân mạng khui ra.

Gần đây nhất là scandal hút thuốc lá nơi công cộng đã khiến Kỳ Duyên không thể có mặt tại đêm chung kết Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 để trao lại vương miện cho người đẹp kế nhiệm. Từ những sự việc kể trên mới thấy, những phần thưởng “nặng đô” mà các Hoa hậu nhận được trong đêm trao giải luôn đi kèm với áp lực lớn từ phía công chúng. Xem ra, chiếc vương miện chưa đến 1kg trên đầu hóa ra lại nặng không tưởng!

Quyền lực của công chúng với chiếc vương miện?

Khác với thời của Hoa hậu Diệu Hoa, Bùi Bích Phương, Hà Kiều Anh hay Nguyễn Thiên Nga, công chúng dường như không có dịp được tiếp cận đời tư của người nổi tiếng vì thời điểm đó mạng Internet chưa phát triển nên dù có muốn biết cũng chẳng thể tiếp cận được thông tin ngoài những thông tin ít ỏi từ báo in. 

Nay thì khác, chỉ cần 1 giây là cư dân mạng có thể tìm ra “phốt” của các Hoa hậu. Chỉ cần một phát ngôn sơ sảy là ngay lập tức người nổi tiếng sẽ bị “trả giá”. Công chúng sẽ tìm đến ngay trang cá nhân và bày tỏ công khai với tư cách “người hâm mộ”. Một loạt các Hoa hậu đã bị cư dân mạng đưa lên “tòa án” Facebook “phán xử” như Hoa hậu Mai Phương Thúy vì bị các “anh hùng bàn phím” quy vào “tội” hỗn hào với người lớn; Thùy Dung học kém; Ngọc Hân đi trễ; Kỳ Duyên hút thuốc lá và gần đây nhất là Mỹ Linh với “tội”  nói năng thiếu lễ phép với giáo viên.

Những Hoa hậu kể trên đều bị cư dân mạng thể hiện sự bực mình, thậm chí dư luận còn tự cho mình quyền đòi lại chiếc vương miện mà Ban tổ chức cuộc thi trao cho họ. Tất nhiên chưa có Hoa hậu nào vì tự ái mà trả lại, cũng chưa có quy chế bắt Hoa hậu phải trả vương miện ở các cuộc thi sắc đẹp tại nước ta, thế nhưng từ những vụ việc trên cho thấy, quyền lực vô hình của công chúng là có thật.

Công chúng ngày nay khắt khe hơn trong việc đánh giá một người đẹp đeo danh Hoa hậu, rằng đã là Hoa hậu thì không chỉ có sắc đẹp mà khi đội lên đầu chiếc vương miện cao quý còn phải có trí tuệ và có một lối sống văn minh. Bởi nghiễm nhiên khi đăng quang, cô không còn là một thí sinh đi thi sắc đẹp mà đã trở thành một biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, vì thế việc cô sống ra sao, ứng xử thế nào đương nhiên công chúng sẽ quan tâm và soi xét. Họ đã thừa nhận và tôn vinh cô vì biểu hiện xứng đáng của cô trong cuộc thi ấy, thì họ cũng có quyền được quan tâm đến lối sống của cô từ đó về sau.

Nhà thơ Dương Xuân Nam: “Thời tôi làm Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam, có một điều bắt buộc là các thí sinh ở vòng chung khảo phải ký vào một bản cam đoan, ràng buộc. Trong đó có một số điều như họ phải giữ được hình ảnh một Hoa hậu Việt Nam sau khi đăng quang, không vi phạm từ lời ăn tiếng nói… Ngay cả việc chụp ảnh quảng cáo cũng phải xin phép và xin tư vấn từ Ban tổ chức để không vướng phải những vấn đề phản cảm. Sau này, những người đẹp đoạt giải Hoa hậu, Á hậu mà vi phạm thì Ban tổ chức có thể xem xét để tước vương miện".