Hà Nội:

Chuyện đời một nữ xe ôm ở bến Gia Lâm

ANTĐ - Cả cuộc đời chị như một thước phim quay chậm, khó khăn chồng chất từ thủa ấu thơ, nhưng chị vẫn luôn cố vươn lên, vì những đứa con.

Chị Nguyễn Thị Vân và chiếc xe thân thiết của mình

Chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1965, trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên) là lái xe ôm tại bến xe Gia Lâm, Hà Nội.

Chân tình và chậm rãi, chị kể về tuổi thơ khó nhọc, gian khổ của mình: Mẹ mất sớm khi chị vừa lên 8 tuổi, bố đi lấy vợ hai và ngày ấy ước mơ của chị chỉ là mong sao gia đình được đủ ăn. Lớn hơn một chút thì chị đi làm bưng bê, bán mẹt rồi lấy chồng. Tưởng chừng như cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn hơn khi chị được nhận vào làm công nhân của công ty kiến trúc đường sắt nhưng chẳng bao lâu sau thì chồng mất.

Một nách hai con nhỏ, lương công nhân những năm 1995 của chị là 200.000/tháng chẳng đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt cho mình và các con. Chị xin nghỉ làm công nhân và “lao” vào kiếm sống với gánh hàng rong, bán nhân trần, nước khoáng. Rồi duyên số đưa đẩy, chị quyết định đi bước nữa với hi vọng vợ chồng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, chăm chỉ làm ăn thì biết đâu trời thương mình, cuộc sống sẽ bớt phần khốn khó và sáng sủa hơn. Sau đó hai người có với nhau một đứa con. Nhưng số phần dường như vẫn chưa buông tha, chồng chị nghiện rượu, mỗi lần uống say là lại lao vào đánh đập chị không thương xót. Chị lại một mình nuôi 3 đứa con, con trai út lúc ấy mới chỉ hơn 2 tuổi.

Nhiều đêm chị nằm khóc, tiếc thương và buồn tủi cho phận mình. Người ta có vợ có chồng, còn mình thì việc gì cũng đến tay, việc gì cũng phải lo liệu. Đã bao lần chị thấy tuyệt vọng, muốn từ bỏ cuộc sống nhưng nghĩ đến bọn trẻ – mình chết đi rồi thì lấy ai nuôi chúng, như thế thì còn khổ hơn nữa, chị lại không dám. Ai gặp chị cũng không ngờ chị lại có hoàn cảnh éo le như vậy bởi chị vẫn nói cười vui vẻ, tràn đầy lạc quan vào cuộc sống.

Lấy xe để chuẩn bị chở khách

Dù đến với nghề chạy xe ôm được hơn 1 năm nhưng chị thấy mình như đã hiểu thấu những gian truân, vất vả của cái nghề “bán mặt cho đường” này. Vốn liếng ít ỏi, chẳng có đủ tiền để mua một chiếc xe gắn máy, chị đã phải chạy ngược chạy xuôi, thậm chí vay lãi cao để mua được xe. Bến xe Gia Lâm có đến hơn 70 người đàn ông hành nghề xe ôm. Ngày mới vào nghề, chị bị họ bắt nạt, bị tranh khách, có lúc tưởng chừng chỉ ngày mai thôi là phải bỏ nghề, lại lang thang đi tìm việc mới. Đến khi có khách rồi thì họ lại phàn nàn: Sao đàn bà mà còn chạy xe ôm, có lái được không… Nhiều người có tuổi là nam giới còn khăng khăng, nhất định không chịu đi xe của chị vì cho rằng đàn ông ngồi sau lưng đàn bà thì còn ra gì nữa…

Chị kể, hôm nào chở được 3 lượt khách thì bữa đó về lại có tiền để cải thiện bữa ăn cho 4 mẹ con. Nhưng cũng có khi đợi cả ngày ở bến xe mà không có ai đi, lại ra về trong nỗi buồn khắc khoải, nhìn con bùi ngùi nói “Hôm nay mẹ lại không kiếm được đồng nào rồi!”. Những lúc tắc đường, có khi chở khách từ Gia Lâm sang Giáp Bát mất cả 3 tiếng, về đến Gia Lâm cũng là lúc trời đã tối muộn. Chưa kể những khi trời mưa nắng, gió rét, xe chị bị hỏng giữa đường, lang thang cả ngày mà không tìm được người khách nào.

Chị bảo với tôi: Nghề xe ôm vất vả lắm, đàn bà con gái mà làm xe ôm thì vất vả trăm đường, khó khăn đủ cả. Suốt ngày phơi nắng phơi sương làm tóc bạc sớm, da dẻ nhăn nheo, chỉ mong có khách để chở nên nói gì đến chuyện giữ gìn nhan sắc. Nhưng được chạy xe, tiếp xúc với nhiều người, lắng nghe những câu chuyện của họ chị thấy rằng nhiều người còn rơi vào hoàn cảnh khổ cực hơn mình mà họ vẫn sống, vẫn không nguôi hi vọng và mơ về một tương lai tốt đẹp. Được chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình với họ, nghe tâm sự và những động viên của họ dành cho mình chị lại thấy như có thêm nghị lực, thêm tự hào với nghề xe ôm của mình, tuy khổ mà rất vinh quang và sung sướng. “Nó là nghề lương thiện”.

Giờ đây các con chị cũng đã trưởng thành hơn. Hai người con đầu hiện đang làm công nhân nên chia sẻ được phần nào gánh nặng sinh hoạt gia đình và phụ mẹ nuôi em trai út đang học lớp 9. Chị khoe với tôi: “Em nó học cũng khá lắm nên mấy mẹ con cố gắng làm nụng để có đủ tiền nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn, cho bằng bạn bằng bè. Chị và anh nó học đến lớp 6 đã phải nghỉ để phụ giúp gia đình rồi”.

Chị dự tính sẽ chạy xe đến ngày 30 tết, sẽ trở về nhà lúc 6h tối để kịp làm cơm cúng giao thừa và vui vầy cùng các con. Chị cười nói: “Mong năm mới đến, cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn hơn, các con ngoan ngoãn và nghề xe ôm của mình sẽ ổn định, người ta sẽ xem nữ xe ôm cũng như nam giới chạy xe, đừng coi thường họ”.