Chuyện đau lòng sau một bản án giản đơn

ANTĐ - Thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, những đứa trẻ lớn lên như cỏ dại. Hậu quả sau này đương nhiên do chúng tự chịu, nhưng người lớn cũng không tránh được bản án lương tâm.

Chuyện đau lòng sau một bản án giản đơn ảnh 1
Bị cáo Luân (áo trắng) và nạn nhân Tuấn được dẫn giải sau phiên tòa


Ra tòa vì hai tội

Ngồi trên băng ghế trước vành móng ngựa tại phiên tòa hôm ấy là một bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, nước da trắng, mặt ủ rũ, cúi gằm. Chủ tọa gọi đứng lên, bị cáo lí nhí khai tên là Ngô Minh Luân, tên gọi khác là Tý, sinh năm 1993, hộ khẩu tại phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM nhưng không có nơi ở ổn định, cũng không biết cha mình là ai, chỉ có người mẹ sống bằng nghề bán vé số dạo. Nói xong, bị cáo lại cúi mặt.

Theo nội dung cáo trạng, chiều 7-8-2011, Trương Đình Tuấn (SN 1996, trú phường 1, quận Gò Vấp) đang ngồi sửa xe tại một bãi đất trống thì bị một nhóm trẻ chơi gần đó đá bóng trúng xe. Cú đá mạnh, bóng bay thẳng vào xe rồi bật vào mặt, tức giận, Tuấn chửi bọn trẻ om sòm, đòi đuổi đi chỗ khác. Đúng lúc ấy, Luân đi qua, tự dưng nổi máu anh hùng, bênh bọn trẻ. Việc cỏn con nhưng hai bên cự cãi rồi hẹn nhau 7h tối quay lại để “giải quyết”. 

Tối đó, Luân đến chỗ hẹn, thấy Tuấn cầm điện thoại gọi, nghĩ rằng Tuấn gọi thêm đồng bọn nên Luân bỏ đi. Được một quãng, nhìn thấy con dao đặt trên chậu hoa của một nhà ven đường, Luân giấu dao quay lại bất ngờ đâm một nhát vào ngực Tuấn. Cả hai vật lộn, Tuấn tự rút được dao ra rồi ngã vật xuống. Chết rồi! Luân sợ hãi trốn biệt khỏi địa phương. Tuấn bị đâm thủng tim, nhưng được cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Sau những ngày ẩn náu, Luân trở lại cuộc sống lang thang khu vực quận Gò Vấp. Công việc hàng ngày của Luân và mẹ là bán vé số dạo, được ngày nào hay ngày ấy. Khi có tiền thì mẹ con cùng một số người góp vào thuê trọ, khi hết tiền lại lang thang, tá túc nơi này, nơi khác. Luân gần như coi đường phố và tiệm internet là nhà. Ở đó có tự do, có những thú vui mải miết những trò chơi hư ảo. Để có tiền chơi internet, Luân nghĩ ra trò làm “bảo kê” những kẻ yếu hơn mình.

Ngày 9-1-2013, công an kết hợp bảo vệ trường THCS Trường Sơn, quận Gò Vấp mời một số thiếu niên hư về trụ sở làm rõ hành vi “trấn” tiền của học sinh nhà trường, số thiếu niên này đã khai ra “đại ca” Luân. Luân bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Luân khai nhận việc dùng dao đâm Tuấn, sau đó bị khởi tố về hai tội “Giết người” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Các đối tượng còn lại do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra không truy cứu.

Nạn nhân và bị cáo còng chung…

Tại tòa, sau những lời khai lý nhí ban đầu, từng lời nói của Luân rành rọt. Trong chiếc áo sơ mi trắng, dáng Luân gầy gò, chênh vênh như cây non gặp bão. Trong lúc Luân trả lời, Tuấn ngồi im thin thít. Bào chữa cho Luân, vị luật sư nhấn mạnh từ thuở nhỏ Luân đã không có cha, không được đón nhận sự yêu thương, chăm sóc của gia đình. Lớn lên chút, Luân đi học lớp 1 xóa mù chữ rồi nghỉ luôn. Từ đó, cuộc sống mưu sinh chật vật của hai mẹ con trên đường phố như trẻ “bụi đời” đã cướp đi tuổi thơ hồn nhiên của bị cáo. Cứ thế lớn lên rồi vấp ngã. Nếu như được người lớn quan tâm giáo dục, khi gặp phải vấn đề có lẽ bị cáo đã giải quyết theo cách khác...

Nghe luật sư trình bày, người phụ nữ đen đúa, gầy còm - mẹ bị cáo Luân - bật khóc. Bà đưa tay áo lên lau nước mắt. Khóc rồi lại thôi, mái tóc điểm bạc rối bời, môi xám xịt. Chiếc áo khoác cũ kỹ của người đàn bà nghèo loang lổ những vết ố vàng lẫn cùng nước mắt. Lảng tránh ánh mắt của mọi người, giờ nghị án bà và một người thân ngồi cách xa phòng xử, mắt len lén thăm dò phía gia đình bị hại.

Những người dự phiên tòa không khỏi bất ngờ khi thấy giờ nghị án Tuấn vẫn ngồi trong phòng xử, tay bị còng. Được hỏi, mẹ Tuấn vui vẻ đáp: “Thì đó, cũng từ internet mà ra cả. Hôm đó, nó đi chơi internet không biết giành giật, cướp điện thoại của người ta thế nào mà bị xử 3 năm. Hiện nó đang thi hành án ở trại Tống Lê Chân (Bình Phước), đã thi hành được 19 tháng rồi. Mấy đứa bạn của nó trong vụ này còn nhỏ tuổi nên người ta đưa vào trường giáo dưỡng. Hôm rồi, một đứa mới được về...”, chị cười nói “hồn nhiên” như chuyện thường ngày. 

Trong bộ trang phục tuềnh toàng, mẹ Tuấn cho biết mình buôn bán ở chợ, công việc bận rộn tối ngày nên chẳng có thời giờ để mắt đến con. Tuấn cũng thường xuyên “ngồi đồng” ở cửa hàng internet. Hôm Tuấn bị đâm, nghe tin chị tất tả chạy lên bệnh viện. Con dao cắm vào ngực Tuấn đã rút ra nhưng máu không hề chảy ra ngoài. Thế nhưng khi khám, bác sĩ lại bảo bị đâm thủng tim, phải mổ ngay, gia đình chuẩn bị tiền nếu không Tuấn sẽ chết. Nghe vậy, chị tối tăm mặt mày, ngất lăn ra đất. Khi tỉnh lại, con vẫn đang nằm trong phòng mổ. Tưởng thoát chết là xong ai dè nó lại bị bắt vì cướp giật. Giờ tháng nào chị cũng phải lặn lội lên trại giam thăm con, động viên nó, không dám “bỏ rơi” nó nữa. 

Nhìn về phía Luân đang ngồi trong phòng xử, mẹ Tuấn cho biết gia đình chị yêu cầu Luân bồi thường 10 triệu đồng. Chị cũng đã ký giấy rằng đã nhận đủ 10 triệu nhưng thực chất chẳng có đồng nào, ký để làm tình tiết giảm nhẹ cho Luân thôi. Hai người mẹ, hai nỗi đau. Câu chuyện không đầu không cuối của họ bị cắt ngang khi tòa vào tuyên án.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên phạt Luân 9 năm tù về tội “giết người”, 1 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Thông thường khi kết thúc phiên tòa, bị cáo và bị hại mỗi bên đi về một hướng. Đằng này, bị cáo và bị hại lại bị khóa chung trong một chiếc còng số 8, sát bước bên nhau cùng theo chân công an lên xe về trại.