Chuyện “đánh giặc lửa” trong vụ cháy khu nhà gỗ

ANTĐ - “Đứng xa gốc lửa cả chục mét, nhưng sức nóng vẫn táp rát mặt khiến anh em liên tục phải đổi chiến thuật chữa cháy. Từng cặp lính cứu hỏa dựa lưng vào nhau hết đứng, ngồi, nằm… chuyển sang bò để ôm vòi “đánh giặc lửa” trong khói đen mịt mù” - chiến sỹ Trần Quốc Oai - Tiểu đội trưởng, Đội Chữa cháy chuyên nghiệp - Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm kể lại.

Chuyện “đánh giặc lửa” trong vụ cháy khu nhà gỗ  ảnh 1
Dấn sâu vào điểm cháy, “hành trang” của lính cứu hỏa chỉ là chiếc khẩu trang
Ba ngày sau vụ cháy khu nhà gỗ C8 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi có mặt tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm - đơn vị chủ công trong trận chiến “giặc lửa” hôm đó. Chẳng ngày nào được yên với hỏa hoạn - từ bữa ăn đến giấc ngủ, thế nên mỗi vụ cháy với CBCS nơi đây qua đi thật nhanh. “Chuyện anh em đang tắm, ăn cơm mà nghe tiếng còi báo động, cuống cuồng buông bát đũa lao lên phòng thay đồ, xỏ ủng, có hôm xô vào nhau ngã bươu đầu không hiếm” - đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho biết. Vụ cháy khu nhà gỗ C8 hôm 26-8 vừa qua lại khác, nó vẫn là đề tài “nóng” với lính cứu hỏa, phần vì thiệt hại do cháy gây ra là quá nặng nề. Chiến sỹ Trần Quốc Oai - Tiểu đội trưởng, Đội Chữa cháy chuyên nghiệp kể: 8h11, đơn vị nhận được tin báo cháy lớn tại khu nhà gỗ. 3 xe chữa cháy, 1 xe chở nước nhanh chóng lao đến hiện trường. “Khi xe chữa cháy đến nơi, hỏa hoạn đã bùng phát dữ dội, khói đen bốc cao ngùn ngụt, hơi nóng phả khắp khu vực” - chiến sỹ này kể. Lửa lúc đó đã lan sang 17 nhà dân ở mặt phố Hồng Hà. Sau ít giây quan sát hiện trường, nhận định đám cháy đang lan rộng, tiểu đội trưởng cùng CBCS lập tức tỏa ra, vác theo “vòi rồng” tiếp cận điểm cháy lan đang phát triển sang nhà dân, cùng mọi người di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC kể: Đường Hồng Hà quá hẹp, dây điện chằng chịt, cây cối rậm rạp khiến xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường. “Chúng tôi buộc phải tập kết ở đường dẫn lên cầu Chương Dương, triển khai vòi, dẫn nước qua thân đê để vào đường Hồng Hà”. Vòi tiếp tục được kéo qua mái nhà dân cao 2, 3 tầng để áp sát điểm cháy, làm áp lực nước chữa cháy suy giảm”. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội tiếp tục điều 11 xe chữa cháy, xe thang, xe chở nước đến hiện trường chi viện. 30 phút sau khi hỏa hoạn xảy ra, dù các lực lượng công an đã nỗ lực phân luồng giao thông, nhưng vì có nhiều người dân qua đường, hiếu kỳ dừng lại xem khiến một số tuyến phố quanh hiện trường vụ cháy ùn ứ, cản trở xe ưu tiên di chuyển. Xe chi viện chưa đến, trong khi nguồn nước chữa cháy lại ở xa hiện trường, “vừa cứu chữa, chúng tôi vừa tính toán, điều chỉnh lượng nước ở đầu vòi sao cho tiết kiệm nhất, nhưng vẫn “giữ chân” được lửa - Thiếu tá Phạm Trung Hiếu nhớ lại. 

Số ít bình thở, mặt nạ phòng độc đi theo xe chuyên dùng nhanh chóng hết tác dụng, trong khi khói lửa không ngừng bốc cao. Khác với đám cháy xảy ra ở nhà dân, xưởng sản xuất, cháy nhà gỗ tạo ra một khối lượng lớn than củi, góp phần gia tăng nhiệt độ đám cháy. “Khói, sức nóng đã đánh bật anh em ra xa” - một cán bộ tham gia cứu chữa kể. Chiến sỹ Trần Quốc Oai - Tiểu đội trưởng Đội Chữa cháy chuyên nghiệp cho biết thêm: “Chúng tôi nhận lệnh dập lửa đang lan vào tầng 3, nhà số 649 đường Hồng Hà. Sau khi kéo “vòi rồng” lên tầng cao, đứng xa gốc lửa cả chục mét, nhưng sức nóng vẫn táp rát mặt buộc anh em phải đổi chiến thuật chữa cháy liên tục”. Từng cặp lính cứu hỏa dựa lưng vào nhau, hết đứng, ngồi, nằm… để ôm vòi “đánh giặc lửa” trong khói đen mịt mù. Đương đầu với đám cháy lớn, “hành trang” mà đa phần cảnh sát mang theo ngoài lòng dũng cảm, duy chỉ có chiếc khăn mùi xoa tẩm nước phòng ngạt! “Khăn tẩm nước chỉ “chống chọi” được trong những vụ hỏa hoạn nhỏ. Với đám cháy lớn, nhiều khói độc, nhiệt độ cháy cao, anh em có khi chỉ biết nín thở làm nhiệm vụ” - chiến sỹ Trần Quốc Oai chia sẻ. 

Với sự có mặt của 11 xe chữa cháy, cùng gần 100 CBCS đến chi viện, lực lượng chức năng nhanh chóng “đánh” sâu vào gốc lửa. Gần 1 giờ sau đó, vụ hỏa hoạn cơ bản được khống chế. Cháy được dập tắt cũng là lúc cảnh sát nghe tin một cụ bà mắc kẹt trong đám cháy, khả năng đã tử vong. “Nếu biết tin sớm hơn, dốc sức “đánh giặc lửa” ở khu vực có người đang mắc kẹt, có lẽ không ai thương vong” - chiến sỹ Trần Quốc Oai nói giọng buồn, khi nhớ lại những diễn biến cuối cùng của vụ việc.