Chuyện cứu trợ đồng bào của người Thăng Long - Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo chiều dài lịch sử, cũng như người dân ở các vùng miền trên đất Việt Nam, người Thăng Long - Hà Nội luôn có tấm lòng bao dung, nhân ái với những hoàn cảnh không may. Đến hôm nay, nhiều người Hà Nội vẫn tiếp nối nét đẹp ấy.
Một ngôi làng ngập trong nước lũ sông Hồng khoảng năm 1900

Một ngôi làng ngập trong nước lũ sông Hồng khoảng năm 1900

Những tấm lòng xưa

Thăng Long là nơi sinh sống của tầng lớp quý tộc, thị dân, quan lại trong những triều đại từ Lý đến Lê. Thăng Long cũng là nơi có nhiều nghề thủ công, là nơi giao thương với các vùng miền, nước ngoài nên điều kiện kinh tế cũng tốt hơn. Vì thế từ xa xưa, khi bão lũ, hạn hán gây đói kém ở khu vực nào thì dân chúng kinh thành cũng hỗ trợ nhiều hơn. Ngạn ngữ Hà Nội xưa có câu:

Đông Thành là mẹ là cha

Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành

Đông Thành là tên chợ lớn nhất thời Lý họp theo phiên nằm bên bờ sông Tô Lịch phía Đông thành Thăng Long. Khi các vùng miền thiếu ăn thì họ đổ về chợ xin ăn hay nhờ vả sự giúp đỡ của các tiểu thương, vì thế mới có câu ngạn ngữ trên. Không chỉ vậy, dân kinh thành còn đóng góp giúp đỡ các vùng miền khác. Thời vua Lý Nhân Tông, vùng núi bị lũ to, nhà cửa trôi, công cụ sản xuất mất hết, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Dân chúng kinh thành đã gửi dao, muối, gạo cho họ”. Trước nạn lũ lụt diễn ra hàng năm, có năm ngân khố triều đình cạn kiệt vì cứu đói nên năm 1248 vua Trần Thái Tông đã cho đắp đê quai vạc từ đầu nguồn ra biển của các con sông miền Bắc và sông ở vùng Thanh Nghệ. Nhờ có đê, lũ lụt được hạn chế, nhưng thiên tai vẫn xảy ra. Và dân chúng Thăng Long vẫn là nơi đóng góp nhiều nhất. Về nét văn hóa thương người như thể thương thân, nhà Nho Phạm Đình Hổ viết trong “Vũ trung tùy bút” có đoạn: “Vào mùa hè nóng bức, nhà nào cũng có vại nước vối để trước nhà, ai khát thì uống không mất tiền”. Ở đâu có thiên tai thì “kể cả nhà không giàu có nếu không góp được dăm ba trinh thì cũng áy náy”.

Thời vua Tự Đức, có một phụ nữ Hà Nội thường giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn là bà Lê Thị Mai. Góa chồng từ khi còn trẻ, không có con, nhưng bà Lê Thị Mai không đi bước nữa. Thuộc hàng khá giả ở Hà Nội nhưng bà không ham làm giàu mà đã dùng số tiền đó dựng nhiều quán sinh đồ ở đầu phố Hàng Giấy, Hàng Đậu, gần trường Đại Tập của ông nghè Lê Đình Diên - một nhà Nho chống thực dân Pháp. Trò nghèo xin trọ, bà không lấy tiền. Trò nào quá khó khăn, bà cho tiền mua mực, sách và cho ăn. Năm 1873, năm Pháp chiếm thành Hà Nội, Bắc Kỳ lụt lội, mất mùa, dân đói kém. Kho lương của triều đình phát chẩn cũng không đủ nên bà đã đi khắp thành Thăng Long vận động các gia đình khá giả ủng hộ lương thực, tiền, giúp người nghèo qua nạn đói, vì thế nhiều người đã mang ơn bà. Khi bà mất, dân Thăng Long đã lập miếu thờ bên cạnh mộ. Tấm lòng thơm thảo của bà Lê Thị Mai đến tai Tự Đức và vua đã ra sắc phong “Tiết phụ Từ”.

Hội Hợp Thiện của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đặt trụ sở tại số 125 đường Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng), Hà Nội

Hội Hợp Thiện của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đặt trụ sở tại số 125 đường Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng), Hà Nội

…và nửa đầu thế kỷ 20

Đầu thế kỷ 20, nền kinh tế Việt Nam chuyển dần từ nông nghiệp, sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp quy mô lớn hơn nên có điều kiện để hỗ trợ người nghèo, người bị thiên tai nhiều hơn và tổ chức chặt chẽ hơn xưa. Trong 2 năm 1903 - 1904, Hà Nội đã xảy ra dịch bệnh làm nhiều người chết, trong đó có rất nhiều xác chết vô thừa nhận, không ai chôn cất. Thương cảm với những số phận không may, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã cùng với các nhà buôn Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Phạm Sỹ Hạnh, Long Ngổ góp tiền lập ra hội Hợp Thiện với mục đích ban đầu là “Phù thi tử lộ” (chôn cất tử tế những người chết vô thừa nhận). Theo thời gian, hội lo ma chay cho hội viên và người nhà hội viên, rồi tiến tới lo ma chay cho người nghèo ngoài hội. Để có đất chôn cất, hội Hợp Thiện đã mua 300 mẫu ruộng của làng Quỳnh Lôi (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) làm nghĩa địa. Và từ “độ tử”, hội đã chuyển sang “độ sinh” - giúp đỡ những người khốn cùng trong xã hội.

Nhưng hoạt động của hội không bó hẹp trong phạm vi như vậy mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành. Năm 1915 đê Liên Mạc bị vỡ, nước sông gây ngập úng từ phía Tây Hà Nội kéo xuống tận Hà Nam, hội Hợp Thiện không chỉ lo cho dân Hà Nội mà còn tổ chức các nhóm cứu trợ cấp phát lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con thuộc tỉnh Hà Đông, Hà Nam. Ngoài Hợp Thiện, Hà Nội còn có hội Phúc Thiện của công nhân ngành hỏa xa (trụ sở ở phố Lê Trực), hội Ái hữu tương tế, rồi hội Quảng Thiện (trụ sở ở ngõ Cổng Đục) và đặc biệt khi có lũ lụt, dịch bệnh thì thanh niên, sinh viên hay hội Công thương Bắc Kỳ đã tổ chức diễn văn nghệ ở Nhà hát Lớn quyên tiền giúp người bị nạn.

Bà Hoàng Thị Uyển (hay bà Cả Mọc) - người đầu tiên lập ra nhà Tế Sinh (còn gọi là Viện tế bần) trông giữ trẻ con nhà nghèo ở Hà Nội

Bà Hoàng Thị Uyển (hay bà Cả Mọc) - người đầu tiên lập ra nhà Tế Sinh (còn gọi là Viện tế bần) trông giữ trẻ con nhà nghèo ở Hà Nội

Nói đến làm việc thiện ở Hà Nội thời Pháp thuộc không thể không nói đến một người, đó là bà Cả Mọc. Bà tên thật là Hoàng Thị Uyển, người làng Kim Lũ (trước kia thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), sinh năm 1870 và mất năm 1947. Bà là con gái cụ Cử Hoàng Đạo Thành, từng làm Tri phủ, nhưng sau đó từ quan về quê, rồi tham gia phong trào Duy Tân. Đến tuổi lấy chồng, bà Cả Mọc nhận lời làm vợ ông Nguyễn Huy Vị - con trai một của cụ Tú Nguyễn Đôn, người làng Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân). Chung sống được mấy năm nhưng chưa có con thì chồng mất. Không lâu sau, cha chồng cũng qua đời, bà ở vậy để phụng dưỡng mẹ chồng, dù lúc bấy giờ bà chỉ khoảng 20 tuổi. Nhà chồng không có ruộng nên mờ sáng bà cùng với nhiều người làng đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào. Khi mẹ chồng vào ở trong chùa, bà thuê nhà ở ngõ nhỏ phố Hàng Bạc rồi vay vốn bạn bè, chị em, mở một cửa hàng nhỏ bán hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào lấy tên là Nghĩa Lợi. Nhờ buôn bán thật thà, lại sẵn sàng cho chịu nên cửa hàng tơ lụa của bà ngày một đông khách. Năm 1923, Nam Định, Thái Bình bị vỡ đê. Ruộng vườn, nhà cửa lụt lội nên dân đói la liệt trên đường. Xót thương đồng bào, bà lấy tiền nhà ủng hộ. Hết tiền, bà đi quyên chị em, bạn hữu và bà con buôn bán rồi nhờ thanh niên đi phát cùng. Bà còn là người đầu tiên lập ra nhà Tế Sinh (còn gọi là Viện tế bần) trông giữ trẻ con nhà nghèo. Trên cổng ra vào, bà cho đắp khẩu hiệu “Ấu nhân chi ấu - Yêu con mình, yêu cả con người”. Bên trong, bà cũng cho kẻ khẩu hiệu: “Tất cả vì trẻ con” trên các bức tường.

Qua báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được tấm lòng của bà. Tháng 3-1946, Người cho mời bà lên Bắc Bộ phủ dùng trà và khen ngợi những việc bà đã làm khi dân ta còn nhiều người nghèo khổ. Cảm kích trước những lời khen ngợi, bà thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những việc làm đó không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó đóng góp cho hàng trăm lượng vàng cứu đói.