Chuyện của một người tật nguyền và tấm bằng có chữ ký của Bill Gates

ANTĐ - Dường như những gì diễn ra  ở cuộc đời  chàng trai này cũng ứng với cái tên mà bố anh đã đặt. Trước khi gặp Thắng tôi vẫn tưởng tượng một Nguyễn Chiến Thắng khác xa với anh của hiện tại. Một sự tình cờ ngẫu nhiên khi tôi biết về Nguyễn Chiến Thắng- một chàng trai chỉ tốt nghiệp lớp ba nhưng được xem là một lập trình viên ưu tú của FPT. 

Tôi gặp Thắng lần đầu cách đây 5 năm. Lúc ấy Thắng đang nổi lên như một hiện tượng của giới công nghệ thông tin với thành tích 7 năm tự mày mò học tập mà dành đến 11 chứng chỉ mang tầm quốc tế. 

Nhiều người khi biết về Thắng đã không khỏi ngỡ ngàng bởi rất ít người tin rằng, một chàng trai gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ, không may mắn có một cơ thể bình thường để đến trường học như bao người khác lại có thể ò học tập về công nghệ giỏi đến thế. Dường như, có một sức mạnh vô hình nào đó đã giúp Thắng vượt qua mọi trở ngại của bản thân để làm được những công việc mà ngay cả người bình thường cũng chưa chắc đã làm được. Cũng chính nghị lực phi thường ấy đã giúp anh tìm được người phụ nữ tuyệt vời cho cuộc đời mình…


Bắt đầu bằng cái tên

Tôi nhớ cuộc gặp cách đây 5 năm với Thắng ngay tại nhà anh trên phố Lê Trọng Tấn. Bố anh- Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân là người luôn bên cạnh con trai trong các cuộc trò chuyện. Ông vẫn có thói quen đồng hành với con trai của mình ngay từ khi Thắng mới tập đi. Bác Trân kể rằng, bác có hai con, con gái lớn sinh sau khi đất nước thống nhất nên bác đặt tên là Hòa Bình còn Chiến Thắng là cái tên được đặt khi cuộc chiến tranh Biên giới kết thúc thắng lợi. 

Ngày Thắng ra đời, anh cũng bụ bẫm dễ thương nhưng niềm vui có đủ cả nếp lẫn tẻ chưa được ho­àn thiện thì cả nhà phát hiện ra chân tay cậu bị co quắp dần, có những dấu hiệu phát triển không bình thường. Thương con và cả bản thân mình, vợ chồng bác Trân đã gõ cửa ở các bệnh viện với mong muốn chữa chạy cho con nhưng bệnh không thuyên giảm và cũng không tìm ra nguyên nhân. Gia đình đau khổ nhìn con lớn lên, vẫn bụ bẫm nhưng không còn khỏe mạnh. Não phải của Thắng bị tổn thương nặng, ảnh hưởng đến khả năng nói và viết. 9 tuổi, Thắng nhúc nhắc đến Làng trẻ em Hòa Bình để học chữ cùng các bạn khuyết tật. Tay co quắp, khó cầm bút đã đành, Thắng còn bị liệt thể cứng, cứ chăm chú làm việc gì đó đòi hỏi độ chính xác là toàn cơ cứng đờ. Không ai nghĩ cậu sẽ đủ sức bám lớp nên chẳng dám mơ tới chuyện “tốt nghiệp” ra trường. 

Thế nhưng càng theo học, Thắng càng chứng tỏ được khả năng của mình. Bằng chứng là ở làng trẻ em Hòa Bình, Thắng được xếp vào danh sách những người học khá nhất và mỗi khi làng trẻ có chương trình kỷ niệm phải quay phim chụp ảnh, các giao viên ở lại xếp anh lên đầu. Một trong những điều Thắng nhớ là trong khi chọn những bạn khá nhất trường cho đi gõ máy tính thì có Thắng. Thắng bảo, lúc ấy anh không phải gõ cho vui mà gõ để những ngón tay có thể chuyển động. Ngoài thời gian học ở trường, anh về nhà còn được bà nội và bố thay nhau kèm cặp thêm nên anh học rất nhanh. Sau 5 năm anh được tốt nghiệp ra trường.

Đến tấm bằng có chữ ký của Bill Gates

Lúc bấy giờ, chị gái Thắng đang học ở Bách Khoa nên được bố mua cho một chiếc máy tính. Thi thoảng rảnh rỗi, Thắng được chị gái cho vào nghịch máy và tỏ ra thích thú. Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân bảo rằng “khi nhìn con gõ máy với niềm yêu thích tôi đã nghĩ, nếu để cho Thắng đánh máy tính thường xuyên có thể bàn tay của con sẽ làm việc được bình thường nên tôi quyết định cho Thắng học máy tính”. Khi Thắng biết đôi chút về máy, bố lang thang ở các hiệu sách tìm mua cho con những quyển sách về tin học và lùng mua cho anh một chiếc máy cũ. Thắng vừa đọc sách vừa kết hợp với thực hành theo kiểu cứ tháo tung máy ra rồi mày mò sửa lại. Thắng bảo, có những lúc tháo xong thì chả biết lắp vào thế nào, lại phải nhờ các bác hàng xóm sang giúp đỡ. Nhưng cứ lắp vào rồi anh lại mở ra. Cái này hỏng thì bố lại ra chợ giời mua máy khác để con được làm điều mình thích. Hàng chục chiếc máy lần lượt hỏng thì Thắng có thể sửa máy và biết thêm một số lĩnh vực khác liên quan đến tin học.

Năm 2001, bố anh đưa con tới Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm xin cho con theo học. Tốt nghiệp loại giỏi, Thắng được bố dưa tới Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech – FPT xin học tiếp nhưng họ từ chối với lý do “Trung tâm chỉ nhận những học viên đã tốt nghiệp đại học”. Để con được theo học, bác Trân năn nỉ Giám đốc Trung tâm cho Thắng theo học thử 1 tháng, nếu không chứng minh được khả năng thì sẽ đưa con về. Ban giám đốc Trung tâm đồng ý. Sau 1 tháng, Thắng đã chứng minh được khả năng đặc biệt của mình với các chương trình học. Điều bất ngờ là khi tốt nghiệp ra trường, Thắng là người có điểm cao thứ 2 tính từ khi Trung tâm thành lập.

Năm 2004, Thắng viết một chương trình gửi dự thi Trí tuệ Việt Nam và đạt giải nghị lực. Trong buổi công bố giải thưởng, ông Trương Gia Bình (nguyên Tổng Giám đốc FPT) đã nhận anh về làm việc ở Tập đoàn truyền thông này.

Tưởng rằng đi làm rồi anh sẽ an phận với công việc nhưng niềm đam mê công nghệ vẫn không buông tha Thắng. Ngoài giờ làm việc, Thắng thường lang thang trên mạng để học thêm, mở rộng kiến thức. Rồi trong một cuộc đấu với hacker trên mạng, anh đã thắng áp đảo sau 3 tiếng chinh chiến. Phục tài Thắng, người đó giới thiệu anh thi vào Trung tâm lập trình viên quốc tế tại Pháp. Khóa thi có hơn 200 kỹ sư giỏi đến từ khắp thế giới và chỉ chọn 10. Khi Thắng gửi hồ sơ đăng ký, những người đứng đầu trung tâm rất ngạc nhiên và khuyến khích nếu Thắng thi đỗ sẽ được miễn học phí (9.000 USD/tháng). 

Thắng thi đỗ và háo hức chờ được học thì bất ngờ khi bác sĩ phát hiện khu bán cầu não phải của anh có chất đặc biệt. Chuyên gia kết luận, Nguyễn Chiến Thắng không thể theo học vì đây là chương trình học với cường độ căng thẳng, nếu Thắng quá tập trung dễ đứt mạch máu, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Để con trai được học, bác Trân phải làm cam đoan: “Nếu Thắng có mệnh hệ gì, gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Sau 3 năm thức đêm học (vì lệch múi giờ), Thắng tốt nghiệp với số điểm 99/100. Với thành tích ấy, tấm bằng của Thắng là duy nhất trong khóa học có chữ ký của Bill Gates. Một kết quả mà không phải ai cũng làm được. Ngoài ra, Thắng còn có 7 chứng chỉ sau đại học với kết quả xuất sắc về an ninh mạng.

Và tình yêu bừng nở nhờ công nghệ

Trong cuộc trò chuyện với tôi hôm ấy, không còn hình ảnh một Nguyễn Chiến Thắng nghi ngại như 6 năm trước mà thay vào đó là một người đàn ông bản lĩnh, tự tin và bên cạnh anh ngoài Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân còn có một cậu bé chừng ba tuổi và một người phụ nữ vui đùa với con. Thắng chỉ người phụ nữ và bảo tôi “đây là Hồng, vợ anh”. Và rồi, anh kể cho tôi về người vợ của mình với một niềm hạnh phúc lộ rõ trên khuôn mặt.

Anh bảo với tôi rằng, trong tất cả những gì anh có hôm nay thì việc có một người phụ nữ bên cạnh, yêu thương mới là thành công nhất. Chị Hồng biết đến anh Thắng qua một lần xem chương trình truyền hình về những tấm gương vượt khó, đó cũng là thời điểm anh vừa trở về từ Sài Gòn để tham dự lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008. Ghi vội dòng địa chỉ nhà anh vào cuốn sổ tay, hôm sau chị tìm đến nhà. Để có cớ làm quen với anh, chị quyết định bỏ trường Đại học Công đoàn để thi vào ngành công nghệ thông tin của trường đại học Bách khoa.

Lấy lý do học công nghệ nên chị thường chủ động tìm đến nhà anh hỏi bài vở. Thời gian ấy, ngoài chị Hồng còn có rất nhiều sinh viên khác tìm đến học hỏi, và anh chỉ bảo rất tận tình. Từ sự cảm phục người hướng dẫn, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng thấy tim mình thổn thức trước anh. Tuy nhiên, là con gái tỉnh lẻ xuống Hà Nội học tập. Chị không đủ can đảm để ngỏ lời với anh. Về phía Thắng, anh vẫn xem chị như những “học trò” khác. Điểm khác biệt duy nhất anh có thể nhận ra chính là sự nhiệt tình của cô gái đến từ Bắc Giang. Có đôi ba lần, chị nhìn anh đắm đuối nhưng bản thân không lành lặn như người khác nên anh cũng không dám mở lời. Người nọ biết tình ý của người kia nhưng mỗi người có sự tự ti riêng nên chẳng ai dám nói. 

Suốt một thời gian dài chị qua lại hỏi bài cũng như dành sự chăm sóc đặc biệt cho anh khiến Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân rất cảm kích. Ông bảo rằng “trước đây cũng có rất nhiều người tìm đến làm quen với Thắng nhưng tôi biết con trai mình thế nào và tôi cũng đủ trải nghiệm để nhận ra ở họ có sự chân thành hay không. Khi Hồng xuất hiện, mỗi lần qua lại thăm nom, nhìn Hồng chăm sóc Thắng, tôi hiểu rằng, cuộc đời này không lấy hết của người ta cái gì cả. Hồng đã cho tôi thấy, tình cảm của nó dành cho con trai mình rất chân thành”.

Từ bé đến lớn, anh Thắng chỉ biết cắm đầu vào chiếc máy tính. Ngay cả việc tiếp khách trong nhà, bố anh cũng luôn bên cạnh để giúp con trò chuyện. Chính sự gắn bó giữa hai bố con nên tình cảm của con trai dành cho cô học trò mê tin học không dấu nổi qua đôi mắt đầy kinh nghiệm của người lính già nên ông khuyên con trai “hãy đón nhận tình cảm của Hồng vì đó là duyên số”. Biết con rể tương lai không khỏe mạnh, mẹ Hồng cũng lo nhưng bà là vợ lính nên bà hiểu và thông cảm với gia đình anh hơn.

Cưới nhau một thời gian, chị Hồng báo tin có bầu. Khỏi phải nói là các thành viên trong gia đình vui mừng như thế nào. Tuy nhiên, niềm vui cũng song hành với một nỗi lo mới chính là di chứng chất độc da cam của anh Thắng. Khi được nghe lời khẳng định chắc nịch từ các bác sỹ của Pháp rằng “chất độc có trong người Thắng không đủ để truyền cho thế hệ sau” nhưng bác Trân vẫn không thôi lo lắng. Nỗi ám ảnh về chất độc da cam đã gặm nhấm ông suốt mấy chục năm rồi. Đại tá Trân đã đặt cho cháu mình cái tên Vinh Quang với niềm tin nó sẽ tiếp tục vươn lên như Chiến Thắng.

Bóng chiều đổ dài trên căn nhà nhỏ ở phố Lê Trọng Tấn. Anh Thắng ngúc ngắc cái đầu tật nguyền trêu đùa cậu con trai. Hơn 30 năm qua, bao nhiêu đau đớn, đắng cay đều không thể làm gục ngã người đàn ông có nụ cười méo mó ấy. Nhưng buổi chiều hôm ấy, tôi bỗng thấy nụ cười anh sáng bừng …