Chuyện của một người chị cả bước ra từ câu ca

ANTĐ - Trong cuộc sống, hình ảnh một người chị thay chức phận của mẹ dành cả cuộc đời mình để nuôi dưỡng, chăm lo hạnh phúc cho đàn em thật xúc động. Năm tháng qua đi khi đàn em lớn khôn trưởng thành, ngoảnh lại người chị ấy đã bước sang tuổi xế chiều và hạnh phúc riêng vẫn chỉ là hai tiếng dang dở ngậm ngùi. Câu chuyện trên không nhiều trong cuộc sống, nhưng đâu đó người ta vẫn hát lên những giai điệu ngợi ca người chị ấy trong ca khúc “Chị tôi” của nhạc sỹ Trần Tiến. Và có một người chị đã sống như thế bước ra từ những câu hát ngoài đời thực… 
Chuyện của một người chị cả bước ra từ câu ca ảnh 1

Bi kịch của một gia đình 

Trong một lần ghé thăm Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 Hà Nội ở thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, chúng tôi được Giám đốc Trung tâm là ông Hoàng Anh Đức kể về một cụ bà đang sống trong Trung tâm đầy với sự thán phục: “Bà tên Nguyễn Thị Quảng, 89 tuổi, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hiện tại bà Quảng là người sống trong Trung tâm lâu năm nhất, 13 năm, nhưng điều đó không phải lý do mà bà gây xúc động mạnh trong lòng mọi người ở đây. Điều khiến ai cũng yêu mến và kính phục bởi bà đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để chăm lo cho các em, để rồi khi về tuổi xế chiều cũng chẳng được hưởng cái gọi là hạnh phúc gia đình…”. Nghe qua câu chuyện đã thôi thúc chúng tôi phải gặp bằng được “người chị” ấy… 

Gặp bà Quảng trong một căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, ấn tượng đầu tiên về người chị trong câu chuyện kể là dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Trên khuôn mặt của bà ngoài những nếp nhăn của tuổi già còn hằn sâu những thăng trầm vất vả trong cuộc sống. Đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền hậu, bà Quảng bắt đầu kể lại những thăng trầm trong cuộc đời mình. “…Gia đình tôi quê gốc ở tận Thái Bình, nhà nghèo lắm vất vả cày cấy quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Chính vì thế mà bố mẹ đã quyết định bồng bế 4 anh chị em tôi lên Hà Nội mong tìm được một cuộc sống sung túc hơn. Lên đến Hà Nội, cuộc sống sung sướng chưa thấy đâu thì bố mẹ tôi lần lượt qua đời để lại cho tôi 3 người em nhỏ dại. Cuộc sống vốn đã chật vật nay bố mẹ mất đi càng trở lên khó khăn gấp bội. Sự ra đi đột ngột của những người trụ cột trong gia đình để lại cho tôi - một người chị cả một sự hụt hẫng và hoang mang tột độ”. Những câu chuyện như đưa bà trở về với tuổi thơ, với một miền ký ức buồn, nghèo khổ nhưng đáng nhớ và hết đỗi trân trọng. Mọi gánh nặng gia đình, cuộc sống của 3 người em nay đổ dồn lên vai người chị cả. Nhìn những đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn chẳng được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, ngược lại ngày ngày phải tìm đủ mọi cách để tự nuôi sống bản thân mà người chị cả không sao cầm nổi nước mắt. Điều bà còn nhớ nhất về tuổi thơ không phải là những câu chuyện của bản thân mà là hình ảnh những đứa em mình lén lút nhìn trộm đám trẻ con thành phố vui đùa thỏa thích bên bố mẹ với vẻ say sưa, thèm khát. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc người chị phải làm mọi cách mong sao cuộc sống các em mình sau này không còn khổ cực nữa.

Chuyện của một người chị cả bước ra từ câu ca ảnh 2

Một đời tần tảo vì các em 

Với quyết tâm đó bà Quảng không quản mưa nắng hay gió bão miệt mài tìm đủ mọi cách để kiếm tiền nuôi dạy các em. Bà Quảng kể lại: “Ngày đó tôi chẳng có nghề nghiệp gì mà làm tất cả mọi việc từ buôn mớ rau, bán con tép đến rửa bát, bốc vác thuê cho người ta, miễn sao kiếm được tiền lo từng bữa cơm cho các em. Vì là dân ngoại tỉnh nên làm gì có nhà cửa, 4 chị em khi thì ngủ gầm cầu, bến xe cùng với những người ăn xin, người dân lao động ngoại tỉnh.

Đôi khi kiếm được chút tiền thì cũng thuê lấy một phòng trọ rẻ tiền gọi là lấy chỗ che mưa, che nắng những ngày giông bão. Rồi sau đó gom góp được chút tiền tôi đem mua đồ đạc dựng tạm một ngôi nhà ở bãi bồi sông Hồng. Gọi là nhà vì nắng còn có chỗ trú chứ mùa mưa thì gần như chẳng có tác dụng gì…”. Bà Quảng còn nhớ như in cái ngày ngôi nhà của mấy chị em bị lũ cuốn trôi: “Năm 1971 sau mấy ngày mưa tầm tã, nước sông dâng lên nhanh quá mấy chị em chẳng kịp thu dọn đồ đạc gì cả mà chỉ kịp đưa nhau chạy thoát thân khỏi con lũ hung dữ. Lúc vào đến nơi an toàn ngoảnh mặt nhìn lại mà xót xa, ngôi nhà duy nhất của chúng tôi đã bị nước lũ “xóa sổ” trong nháy mắt. Như vậy là bao công sức, tiền bạc cũng như đồ đạc cũng theo dòng nước nằm sâu dưới đấy dòng sông đỏ ngầu. Nhìn cảnh tượng đó mấy chị em chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Một viễn cảnh lang thang gầm cầu, đầu đường xó chợ lại hiển hiện ngay trước mắt”.

Dù mưa gió hay nghèo đói cũng chẳng quật ngã được người phụ nữa kiên cường ấy. Các em bà cũng lớn dần theo năm tháng, mỗi người cũng tìm được cho mình hạnh phúc cũng như hướng đi riêng của bản thân. Ngày người em cuối cùng lập gia đình cũng là ngày đầu tiên sau 40 năm bà được sống trong sự bình thản cả về tâm hồn lẫn thể xác. Mọi gánh nặng về cơm-áo-gạo-tiền được rũ bỏ thay vào đó chỉ còn niềm hạnh phúc khi nhìn các em mình trưởng thành, có gia đình hạnh phúc. Nhưng cũng từ phút bình yên đó bà Quảng mới có thời gian quay đầu nhìn lại và chợt giật mình khi nhìn thấy sự thật là mình đã ngoài 40 tuổi.

“Bến cuối” cô đơn

Bà Quảng tâm sự rằng cuộc đời không gia đình riêng của bà có lý do hẳn hoi, đó là suốt quãng đời đẹp nhất của thì con gái bà chỉ chú tâm vào mỗi một việc là làm sao để có thể tạo dựng được cho các em một cuộc sống đầy đủ hơn. Bà bảo với tôi thời trẻ ai cũng khen bà đẹp. Tôi tin lời bà bởi nay dù ở độ tuổi xưa nay hiếm, những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt của một thuở cực khổ nhưng bà vẫn giữ được những nét hiền hòa. Bà bảo với tôi thuở đôi mươi cũng không thiếu những chàng trai si mê tìm đến bà. Họ biết hết nỗi thống khổ của bà, không ít người còn tìm ra tận căn lều tạm bợ của chị em bà ngoài bãi bồi sông Hồng để rủ bà đi chơi nhưng cứ nhìn thấy các em nheo nhóc bà chẳng đành lòng. Cứ thế bà trở nên trơ lạnh với tình cảm yêu đương, trái tim chẳng còn chỗ cho bất kỳ ai vì nó chẳng còn chỗ trống dù là nhỏ nhất cho những tình cảm riêng tư nữa. Ở đấy chỉ có tình thương, trách nhiệm của bà dành cho 3 đứa em nhỏ.  

Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao bà lại vào sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội thì được bà chia sẻ: “Khi các em đã yên bề gia thất tôi rất vui vẻ cũng được các em đón về nhà ở cùng để chăm sóc các cháu. Những tưởng từ đây cuộc sống sẽ an nhàn, tuổi già được vui vầy bên con cháu thì nào ngờ các em đều lần lượt bỏ tôi mà đi. Cả cuộc đời chăm lo cho các em, giờ chúng lại bỏ mình đi trước nên dù đã già nhưng vẫn phải cố gắng sống để còn lo cho các cháu. Nay các cháu cũng đã trưởng thành, có đứa đã lập gia đình và muốn được thay bố mẹ chăm sóc tôi nhưng tôi không đồng ý. Vì biết chúng nó còn phải lo cho vợ con, nay lại vướng thêm thân già này nữa thì cực lắm. Chính vì vậy mà tôi xin vào đây ở với các cụ trong Trung tâm”. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại bà Quảng cho biết: “Vào đây gặp các cụ có cùng hoàn cảnh nên rất dễ chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau nên tôi thấy rất thoải mái. Những năm trước khi còn khỏe tôi vẫn giúp Trung tâm nuôi được lợn, trồng được rau nhưng mấy năm nay người yếu hẳn rồi chỉ cố gắng tự chăm sóc cho bản thân được thôi. Có lẽ những năm còn lại của cuộc đời của tôi sẽ gắn bó với trung tâm này đến khi về với các cụ. Nhiều khi các cháu muốn đón về để phụng dưỡng nhưng chỉ về được vài hôm là lại nhớ các cụ, nhớ trung tâm là tôi lại bắt chúng đưa vào…”.

Nói lời chào bà Quảng ra về mà trong đầu tôi cứ ám ảnh mãi về câu chuyện của bà - người phụ nữ bằng xương, bằng thịt sống một cuộc đời nhẫn nại đầy hy sinh đã chạm đến “bến cuối”, dẫu là một mảnh đời buồn đến khắc khoải vẫn không thôi đi tìm chút hơi ấm lúc hoàng hôn; nhưng tôi biết cho dù hơi ấm ấy không đến nhưng bà vẫn mãn nguyện vì hoàn thành sứ mệnh mà cha mẹ để lại mà không phải ai cũng có thể làm được trong cuộc đời này.