Chuyến công tác đáng nhớ

ANTĐ - Chuyện tôi muốn kể tình cờ được ghi lại trong chuyến công tác ở một xã miền núi - nơi mà từ cảnh vật, con người cho đến tên gọi đều đối lập với sự tấp nập, vội vã chốn thành đô.

Người dân vui mừng khi lực lượng công an về địa phương làm các thủ tục hành chính

Nằm chênh vênh trên những sườn núi mù sương chạy dài theo hướng mặt trời lặn, giống như tên gọi - Yên Bình đã ẩn chứa trong đó lời mời du khách về với một góc trời Tây Bắc giữa lòng Thủ đô. Được tách ra từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), xã Yên Bình giờ đã phát triển nhưng vẫn giữ lại đó những bản sắc rất đặc trưng. Từ những nương chè nhấp nhô xanh khuất tầm mắt; những chiếc khăn tay thêu thùa tinh xảo của thiếu nữ Mường cho đến những nếp nhà sàn bên bếp lửa hồng cháy suốt đêm cùng ché rượu cần ủ men lá.

Và trong chuyến công tác sắp tới, ngoài giúp bà con dân tộc ít người làm mới, cấp đổi CMND, lực lượng công an sẽ cùng chính quyền địa phương xây dựng thêm các mô hình tự quản. Nghe nói có vẻ đơn giản nhưng có theo chân các anh thì mới thấy nhiệm vụ này vất vả gấp nhiều lần việc phải điều khiển xe vượt qua đoạn đường ngoằn ngoèo, xóc nảy đom đóm mắt để vào trung tâm xã. Bởi Yên Bình có gần 50% dân số là dân tộc ít người, sống rải rác trên các sườn núi. Để nắm tâm tư nguyện vọng của bà con, cán bộ phụ trách xã ngoài cần biết tiếng Mường còn phải hiểu về các phong tục tập quán của các dân tộc khác. “Chính vì thế nên khi Yên Bình cùng 3 xã khác sáp nhập về Hà Nội, lo lắng lớn nhất là làm sao tìm được cán bộ “cắm bản” đáp ứng được các yêu cầu đặc thù của địa bàn” - Đại úy Nguyên Quang Duyên, quyền Trưởng Đồn công an Hòa Lạc chia sẻ.

Ngày đoàn công tác đến Yên Bình, đã có người mừng rỡ mà bảo rằng: xã nhà bất ngờ có hội. Ngay từ sáng sớm, không chỉ có thanh niên, phụ nữ mà cả người già đã có mặt tại trụ sở UBND xã để làm CMND. Ông Bùi Văn Tặng - nguyên Bí thư xã Yên Bình cho biết: “Do đường sá xa xôi cũng như thói quen từ hàng chục năm trước mà nhiều người dân nơi đây chưa một lần làm các loại giấy tờ tùy thân. Nay thấy cán bộ về tận bản, tận nhà làm CMND cho bà con, cả xã phấn khởi lắm”. Cũng chính vì thế mà trong ngày đầu tiên làm việc tại xã, nhiều bà con ở rất xa nhưng vẫn mang nếp nương, măng rừng, chè khô và cả rau sắng đến cảm ơn “cái lòng cán bộ”. Ông Phùng Quang Thanh - Trưởng Công an xã Yên Bình cho biết, sau khi lực lượng cơ sở đến nhà thông báo thời gian đoàn công tác về địa phương làm việc, nhiều bà con cứ thấp thỏm, đếm ngược từng ngày. Có người chắc vì nóng ruột nên cứ có dịp xuống chợ lại tiện thể ghé vào Ban Công an chỉ để nói rằng: “Lần này, nhất định cả nhà tôi sẽ đến làm CMND đầy đủ”.

Trong 2 ngày còn lại, đoàn công tác đã có điều kiện hiểu hơn về cuộc sống của những người mà do hoàn cảnh đặc biệt đến nay vẫn chưa có giấy tờ tùy thân. Mỗi trường hợp có khi là những kỷ niệm vui, sẽ còn được nhớ mãi nhưng cũng có những hoàn cảnh là những dấu lặng buồn, như một thông điệp để mọi người chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đó là lần đoàn công tác vượt gần chục kilômét đường dốc để đến nhà làm CMND cho một người đàn ông độc thân, mắc bệnh tự kỉ. Lần lượt từ cán bộ xã rồi đến nhiều thành viên trong đoàn tiếp xúc, trò chuyện nhưng vẫn không thuyết phục người đàn ông này khai báo tên tuổi và lăn tay.

Cứ mỗi khi ánh đèn Flash nháy sáng, người đàn ông lại nhắm tịt mắt rồi vùng chạy ra sân. Phải mất hơn 2 giờ khuyên nhủ, thậm chí phải cử cả cán bộ quay trở lại Chờ Cò để mua quà về tặng người đàn ông này thì nhiệm vụ mới được hoàn tất. Sau tình huống khó quên đó, Trung tá Nguyễn Văn Đức - Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH công an huyện Thạch Thất  nói rằng: “Không chỉ bà con miền núi phấp phỏng chờ được làm CMND mà ngay chính cán bộ làm công tác này cũng nhiều phen thót tim, xúc động khi hoàn thành một việc có ý nghĩa”.