Chuyện chưa kể về vị võ sư- "thủ lĩnh" của một chuyến thiện nguyện… lạ

ANTD.VN - Chuyến công tác xã hội tình nghĩa đến huyện Mường La (Sơn La) vừa qua của  Báo An ninh Thủ đô, Trung tâm đào tạo Võ thuật tài năng trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Điện ảnh Thăng Long và một số nhà hảo tâm được đánh giá là thành công, vì đã trao quà tới tận tay người dân ở vùng lũ. Những thông tin về chuyến đi đã xuất hiện trên mặt báo, nhưng không nhiều người biết rằng, “thủ lĩnh” của chuyến đi đó là một võ sư rất đặc biệt. Không có anh, chuyến đi khó có thể thành công như mong đợi…

Khởi động hành trình từ uy tín của một võ sư

Ngay sau khi có thông tin lũ quét gây ra thiệt hại nặng nề tại các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái và Sơn La, võ sư Đặng Tam Thuận – Sáng lập viên Trung tâm đào tạo Võ thuật tài năng trẻ Việt Nam – đã lên kế hoạch cho chuyến công tác xã hội hỗ trợ bà con, với sự tham gia của Báo An ninh Thủ đô và Câu lạc bộ Điện ảnh Thăng Long.

Có thể nói, đây là một chuyến công tác xã hội… lạ, vì những người tổ chức và tham gia là các võ sư, võ sinh cùng những diễn viên chuyên đóng vai “xã hội đen” với dáng vẻ rất hầm hố. Song bỏ qua những yếu tố đó, tất cả đều có chung mục đích hướng thiện, và chẳng ai nề hà việc đóng hàng, vác hàng vận chuyển tới tận tay người dân ở vùng lũ.

Khi đoàn lên đường, có lẽ ai cũng phải ấn tượng với 10 chiếc xe ô tô đủ loại nối đuôi nhau, các thành viên ăn vận đồ rằn ri, tay cầm bộ đàm liên lạc, hàng hóa gọn gàng, phân loại khoa học…

Chuyện chưa kể về vị võ sư- "thủ lĩnh" của một chuyến thiện nguyện… lạ ảnh 1

Đoàn công tác xã hội lên đường tới những bản sâu ở Mường La (Sơn La)

“Thủ lĩnh” của chuyến đi này chính là võ sư Đặng Tam Thuận – một người rất dễ gây ấn tượng với người đối diện, qua phong cách sôi nổi, thân thiện và đúng chất “con nhà võ”.

Nụ cười thường trực trên môi, đôi bàn tay to, ráp của người luyện võ lâu năm, cùng trang phục thể thao khỏe khoắn, võ sư Thuận dường như có “sức hút” kỳ lạ để lôi kéo người khác vào câu chuyện của mình. Có lẽ nhờ thế mà những chương trình thiện nguyện do anh khởi xướng thường được ủng hộ rất nhiệt tình…

Vị võ sư sáng lập Trung tâm đào tạo Võ thuật tài năng trẻ Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi có nhiều chi nhánh đào tạo võ thuật ở khắp các miền Tổ quốc. Nhờ vậy, khi lũ quét tràn vào Sơn La, chi nhánh ở đây đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về thiệt hại nặng nề mà bà con phải gánh chịu. Cũng nhờ hệ thống chi nhánh bố trí ở nhiều tỉnh thành nên việc phát động thông tin tiếp nhận sự đóng góp, hỗ trợ từ cộng đồng cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn”.

Võ sư Thuận khẳng định, anh và các nhà tổ chức không phải kêu gọi trực tiếp tới bất kỳ đơn vị, cá nhân nào, mà chỉ đăng thông tin qua các chi nhánh và mạng xã hội Facebook, các vị “Mạnh Thường Quân” chủ động liên hệ để gửi gắm tình cảm thông qua các món hàng hỗ trợ.

“Trước chuyến đi, tôi có ấn tượng rất lớn với tình cảm của các ‘Mạnh Thường Quân’. Có những người bận việc hoặc ở xa, nhưng 1, 2 giờ sáng, họ vẫn gọi điện cho tôi để gửi hàng cứu trợ kịp thời. Rồi có những người gác hết công việc lại để tới chỗ chúng tôi tham gia công việc tập kết hàng, phân loại, đóng gói… Nhìn vào nỗ lực của họ, chúng tôi càng được tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm tới tận nơi hỗ trợ bà con”, võ sư Thuận cho biết thêm.

Chuyện chưa kể về vị võ sư- "thủ lĩnh" của một chuyến thiện nguyện… lạ ảnh 2

Võ sư Đặng Tam Thuận (ngoài cùng, bên phải) trong chuyến công tác xã hội tình nghĩa tới Mường La (Sơn La) vừa qua

Song không phải nói vậy mà mọi việc đều dễ dàng, suôn sẻ…

Do lượng hàng tiếp nhận quá nhiều, việc đóng gói và phân loại trở nên rất mất thời gian, và đòi hỏi công tác bố trí phải thực sự khoa học, hợp lý. Võ sư Thuận cùng các đồng nghiệp, võ sinh và những người hỗ trợ đã phải dành ra hàng tuần, mỗi ngày làm việc liên tục từ sáng tới đêm, để thực hiện các công việc này.

Nhờ thế, khi đoàn khởi hành, mỗi xe chở hàng đều được bố trí gọn gàng, để đảm bảo có thể đi qua những cung đường khó nhất, mang đồ cứu trợ tới tận tay bà con vùng lũ.

Mà nói chuyện xe cộ, thì đây cũng là vấn đề khiến vị võ sư có nhiều kinh nghiệm làm thiện nguyện đau đầu.

“Sát ngày đi, đoàn vẫn bị thiếu phương tiện vận chuyển, vì một số người đăng ký tham gia và góp xe có việc bận đột xuất. Khi ấy, tôi buộc phải kêu gọi mọi nguồn lực từ anh em trong đoàn, cũng như từ các mối quan hệ đã có, để đảm bảo có đủ xe vận chuyển hàng và người. Nói tới khó khăn thì nhiều lắm, đó chỉ là một phần, nhưng tôi tin rằng đã quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được. Cuối cùng thì tới ngày khởi hành, chúng tôi cũng có đủ lượng xe cần thiết để có một chuyến đi như kế hoạch”, võ sư Thuận bày tỏ.

Một đoạn đường khó đi trong hành trình đoàn công tác xã hội đến với các bản vùng sâu ở Mường La (Sơn La)

Bí quyết làm thiện nguyện thành công

Trong chuyến công tác xã hội tới huyện Mường La (Sơn La) vừa qua, ban tổ chức đặt ra tiêu chí thành công là phải trao quà tới tận tay từng hộ gia đình chịu thiệt hại vì thiên tai, càng nhiều càng tốt.

Bởi thế, khi mỗi thành viên tham gia đoàn đều trao từng phần quà tới tay bà con ở các xã Hua Trai, bản Huổi Liếng (xã Nặm Păm), thị trấn Ít Ong, xã Chiềng Hoa… thì có thể nói, chuyến đi đã thành công như mong đợi.

Chia sẻ sau chuyến đi, võ sư Đặng Tam Thuận nói rằng bí quyết để đạt được thành công như vậy nằm ở sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như lên tinh thần quyết tâm cho toàn bộ thành viên đoàn.

Anh chia sẻ, sau trận lũ quét, việc tiếp cận chỗ ở của bà con là rất khó khăn, vì đường sá bị phá hủy nặng nề. Bên cạnh đó, việc thống kê thiệt hại của các bản, cũng như của mỗi gia đình là vô cùng quan trọng, để đoàn bố trí lượng hàng hỗ trợ hợp lý.

“Trước khi đoàn lên đường, chúng tôi đã tổ chức một nhóm tiền trạm đi sâu vào các bản, xã để khảo sát đường sá, lên danh sách các hộ dân cần hỗ trợ, phân loại mức độ thiệt hại… Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy nên chuyến đi mới đạt được mục đích đề ra. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cũng giúp đảm bảo an toàn cho cả đoàn. Đây là một tiêu chí quan trọng khác của chuyến đi”, võ sư Thuận cho hay.

Chuyện chưa kể về vị võ sư- "thủ lĩnh" của một chuyến thiện nguyện… lạ ảnh 3

Các thành viên đoàn không quản vất vả, bê hàng cứu trợ vượt đường đất vào với bà con

Vị võ sư có nhiều kinh nghiệm làm công tác thiện nguyện cho biết thêm, các hoạt động công tác xã hội hiện nay vô cùng phức tạp, có những tổ chức âm mưu xấu, lợi dụng để hoạt động tuyên truyền trái pháp luật, hoặc đơn giản là “làm màu”, đánh bóng tên tuổi và hình ảnh.

Bởi vậy, ban tổ chức chuyến đi đã bố trí riêng một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp để đảm bảo mọi thông tin hoạt động đều được thực hiện khách quan, chuẩn xác.

“Chúng tôi còn phải tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương ở nơi dự định tới, để có sự tiếp xúc, trao đổi phù hợp. Nói đơn giản như chuyện sinh hoạt ăn uống của đoàn cũng phải tế nhị, chọn những nơi kín đáo và dùng các loại đồ ăn nhẹ để phù hợp với công việc của mình. Sau đó là dọn sạch sẽ khi ăn xong, tuyệt đối không được bày bừa và bỏ lãng phí đồ ăn, gây ra sự phản cảm. Đến với bà con ở vùng khó khăn, ngoài cái tâm hướng tới họ, còn phải thể hiện được sự đồng cảm qua từng hành động, dù rất nhỏ đi chăng nữa”, võ sư Thuận chia sẻ.

Chuyện chưa kể về vị võ sư- "thủ lĩnh" của một chuyến thiện nguyện… lạ ảnh 4

Võ sư Đặng Tam Thuận (áo xanh) bắt tay và động viên đại diện chính quyền, người dân ở vùng lũ

Với tất cả những gì đã diễn ra, võ sư Thuận cùng những người tham gia đều cảm thấy rất hài lòng, để từ đó có thêm sự tự tin, chắc chắn cho các chuyến công tác xã hội tương lai.

“Thứ quý báu nhất trong chuyến đi, chính là những khoảnh khắc tôi được chứng kiến từng giọt mồ hôi của anh em, khi họ không quản vất vả, bưng bê từng túi hàng, vượt đường đất mang vào với bà con. Và ấn tượng khó quên với những khoảnh khắc nhói tim, khi nghe bà con kể về giây phút bất lực nhìn lũ cuốn mất hết nhà cửa, người thân trong đêm. Sau đó, họ trắng tay, không còn bất kỳ thứ gì, kể cả quần áo mặc. Nhiều ngày trời, họ lang thang trên núi, bị cô lập, phải nhịn đói và ăn rau rừng, nước không có để uống… Những khoảnh khắc đó tạo động lực cho cá nhân tôi và những người tham gia chuyến công tác xã hội, để tiếp tục công việc mang niềm vui tới cho những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn”, võ sư Thuận “kết luận” về chuyến đi thành công của cả đoàn.

Với quan niệm dạy võ là dạy đạo làm người, võ sư Đặng Tam Thuận coi các hoạt động công tác xã hội như một phần trong công việc thường nhật của mình. Xin kết lại bài viết bằng một tâm sự chân thành của vị võ sư hướng thiện này: “Chúng tôi làm thiện nguyện mà không bao giờ có suy nghĩ thiệt hơn, hay ngại ngùng trước khó khăn vất vả. Tất cả chỉ đơn giản là do trái tim của mình lúc nào cũng nóng, vậy thôi!”