Chuyện chưa kể về 3 nhà thơ nổi tiếng

ANTĐ - Ấy là chuyện ngoài thơ của ba nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Thị Hồng Ngát. Một người đằm thắm trong thơ, một người dịu nhẹ “Hương thầm” và một người hồn nhiên tươi rói. Trong thơ họ là như vậy, còn trong cuộc sống đời thường của họ thế nào. Họ cũng là những người phụ nữ nền nã đầy nữ tính vừa duyên dáng mà cũng vô cùng tinh khiết.

Nhìn thấy 4 tập thơ của Xuân Quỳnh có lời đề tặng trong cuốn “Lời ru trên mặt đất” để trên bàn. Tập thơ được in từ những năm 70, giấy đã ngả sang màu vàng. Xuân Quỳnh đề tặng “Thân tặng anh Phong Thu quý mến”. Hóa ra, cũng đã mấy chục năm qua rồi mà sao cứ như thấy như vừa mới đây thôi. Tận những năm 1970, khi đã là bạn vong niên thân mật mới vợ chồng Lưu Quang Vũ, có một hôm tôi đến chơi nhà, vừa vào đến cửa đã gặp ngay ánh mắt tươi cười, nhìn tôi rồi nhìn Vũ thả một câu ấm áp:

- Có nước trắng cho bác Phong Thu không anh?

Tôi thốt thì thầm trong bụng, Quỳnh hóm hỉnh y như bà Hồ Xuân Hương. Và cho đến bây giờ nếu có nói là hậu duệ của cụ Hồ Xuân Hương cũng xứng đáng lắm cho dù thơ Xuân Quỳnh không có một chút nào đồng dạng đồng âm với thơ của Bà Chúa thơ Nôm.

Hình như cái chất, cái tính tình, cái tài ví von, ý ẩn ý lộ đặt vào thơ thì phải. Chất con người, chất nữ. Xuân Quỳnh cũng đáo để, hóm hỉnh. Đáo để ngay khi ai xúc phạm đến thơ của chị, tỏ vẻ suồng sã, kênh kênh trước mặt chị rất... đàn bà. Mà, cái kiểu của chị khiến người ta không giận chị được. Thực ra trong thơ và ngoài đời Xuân Quỳnh rất giàu tình cảm, lịch thiệp, tế nhị, không tỏ vẻ ta đây. Tôi đọc thơ, biết tên chị ngay từ khi tập “Chồi biếc” xuất bản. Mãi năm 1970 khi chị đã về làm biên tập, đến gửi bài ở Tòa soạn Báo Văn nghệ mới thấy chị và giật mình: “Người đâu mà xinh thế!”. Mà chị đã một con rồi đấy. Khi đã thân quen, tôi mới để ý: Quỳnh lúc gặp tôi vào lúc chỉ có tôi, Quỳnh gọi tôi là anh (tôi hơn Quỳnh 8 tuổi) xưng em. Khi gặp tôi có mặt Vũ, Quỳnh gọi tôi là bác và xưng tên. Tại nơi công cộng, đông người, Quỳnh gọi là “anh Phong Thu” và xưng Quỳnh. Cả ba cách xưng hô đều thân mật và thích hợp. Tôi cứ nghĩ: “Quỳnh làm thơ vào lúc nào”. Tôi hay đi chợ Hôm và cũng hay gặp chị ở đấy. Đi chợ, chị ăn mặc rất nền nã. Chưa thấy Quỳnh dùng mỹ phẩm, tô môi son ở những nơi gặp chị. Sáng sáng cứ tầm 10h nhiều hôm tôi gặp chị ngồi giặt quần áo ở cái máy nước công cộng ngã tư phố Huế - Trần Nhân Tông trên vỉa hè dãy số chẵn đường phố Huế phía đi xuống chợ Mơ. Quỳnh chăm chút bữa ăn cho chồng con rất kỹ. Còn nhớ vào năm 1977 - thời điểm vợ chồng Vũ rất quẫn bách về cơm áo, gạo, tiền. Các bạn thân xúm nhau vào giúp đỡ. Cũng chẳng được bao nhiêu. Có một buổi chiều, Quỳnh đến nhà tôi hỏi vay 3 bơ sữa bò gạo. Chỉ 3 bơ thôi. Tôi vừa đong gạo (mua bằng tem phiếu) vừa ái ngại không thể nói chữ “cho” bỏ chữ “vay”. Ba hôm sau, Quỳnh mang gạo tới trả. Chắc thấy tôi có vẻ băn khoăn, áy náy, Quỳnh cười cởi mở: “Với anh, Quỳnh xin. Nhưng còn có chị ở nhà không biết Quỳnh là ai”. Tôi cố cười nhưng tự thấy là mình đang khóc. Quen biết Quỳnh gần 20 năm, chưa một lần tôi nghe Quỳnh bình phẩm, chê bai một tác phẩm, một nhà văn nhà thơ nào. Nói vui thì có song hoàn toàn là vui đùa không ám chỉ, ác ý. Đặc biệt, không nói đến chuyện văn, thơ, sáng tác. Không hề thấy Quỳnh than thở hay trăn trở, phiền não gì về mặt đời sống, chuyện đời. Có dịp gặp gỡ, chỉ ân cần thăm hỏi, thông báo tin tức cho bạn bè gần xa. Vũ có nhiều sách hay và quý. Tôi lại hay mượn và thật thà nói: “Chỉ có anh là được thoải mái mượn thôi”. Tôi biết. Đọc xong là trả ngay. Quỳnh rất ân cần mực thước với các nhà văn, bạn hơn tuổi như tôi.

Trước ngày xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến cái chết oan nghiệt cho Vũ - Quỳnh, cháu Mí một tháng, Quỳnh mới ốm dậy, tôi có đến thăm vào một buổi tối, có Vũ ở nhà, thấy tôi vào đến nhà, Quỳnh đang nằm đã gượng ngồi dậy để đón tôi. Còn nói “Tối tăm thế này anh đi đâu mà đến đây cho khổ?”… Khổ, đang ốm mà còn lo cho người khỏe hơn mình…

Trong thơ và ngoài thơ Xuân Quỳnh lúc nào cũng rờ rỡ…

Cảm nghĩ ấy dẫn tôi nghe thấy một tiếng trầm và lặng. Gì đây? - Phải rồi “Hương thầm” Phan Thị Thanh Nhàn! - Bạn thân của Quỳnh, kém Quỳnh một tuổi - trẻ lâu không thua gì Quỳnh. Ở nhà thơ nữ này có bao nhiêu vẻ đẹp trong thơ và ngoài thơ đều lặn hết cả vào trong. Thơ và tâm hồn của nhà thơ “Hương thầm” này giản dị đến mức tinh khiết và nền nã. Phan Thị Thanh Nhàn cũng là người tình cảm, cách cư xử khi kết bạn, quen biết ai đều được mọi người quý mến, nữ cũng như nam. Chị yêu thương chồng ít ai có thể hơn. Đang có chuyện buồn phiền mà gặp sẽ cảm thấy nguôi vơi. Cả đến giọng nói cũng trầm ngọt ngào. Chị mà làm nghề dạy học, trẻ em tha hồ mà ngoan. Chị yêu trẻ nên đã viết truyện cho tuổi thơ.

Ngoài thơ, ngoài cảm nhận vẻ đẹp rờ rỡ, dìu dịu hương thầm tôi còn gặp được - được gặp một người thơ hồn nhiên từ tuổi thiếu nữ cho đến lúc làm mẹ, cả đến lúc ngồi vào ghế của cán bộ quản lý - lãnh đạo vẫn cứ hồn nhiên. Nét hồn nhiên luôn đọng ở nụ cười. Người ấy là nhà thơ nữ, biên kịch, đạo diễn, diễn viên điện ảnh, xuất thân là diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát, thuộc thế hệ U50. Năm 1964 tôi đến dự Hội diễn Văn nghệ thiếu nhi để viết bài ở Cưu Cao - Văn Giang (Hưng Yên) đã không thể không phỏng vấn nhanh một em thiếu nữ xinh xắn, mảnh mai, quần cao hơn mắt cá chân, áo nâu, đi đất, hát hay nhất trong tiết mục hát chèo. Tôi hỏi tên, em cười: “Em là Ngát ạ!”. Hơn một năm sau, một bức thư từ trường Nghệ thuật Nhà hát Chèo gửi về Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền Phong cho tôi. Người gửi là Nguyễn Thị Hồng Ngát. Em kể: Em đã vào học trường Chèo. Mẹ em mới mất. Em nhớ mẹ quá. Ngay hôm sau tôi đạp xe đến xã Tam Sơn - Từ Sơn - Bắc Ninh - nơi sơ tán của Trường Chèo thăm Ngát vào lúc đã chiều chiều. Gặp tôi, em mừng quá, chào to: “Chú ạ!”. Lần sau đến thăm ở nơi sơ tán mới trên Phùng, em chào tôi là anh. Tôi hỏi: Sao lại anh? Ngát cười: Lần trước nom anh già quá, đen nhẻm, em phải chào là chú! (Giời ạ, đạp xe hơn 30km dưới nắng, trắng làm sao được!). Chị cũng thuộc tạng già chậm. Trải mấy cơn gió lốc trên đường đời suốt mấy mươi năm qua, lạ thật, khi vượt ra khỏi trận gió bão, chị vẫn vững vàng.

Có một lĩnh vực ngoài thơ nữa là viết văn, cùng với Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn còn có nhiều nhà thơ nữ nữa viết văn, viết cho trẻ em như: Lê Thị Mây viết bút ký khiến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lập tức viết bài khen ngợi. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng viết cuốn truyện “Một bàn tay thì đầy” đoạt phần thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh thơ cũng khá bạo tay (không chừng lại là hậu duệ của Bà Chúa thơ nôm nữa).