Chuyện chưa kể bên lề Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều

ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27-4-2018 đã khép lại với kết quả tốt đẹp. Hai bên cam kết sẽ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay, mở ra một chương mới - hòa giải và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Dư âm của sự kiện này là những tín hiệu lạc quan lẫn cả hiệu ứng bất ngờ.

Tình huống nằm ngoài kịch bản

 Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng với bán đảo Triều Tiên và đã được lên kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết, nhưng vẫn có những tình huống ngoài kịch bản khiến nhiều người bất ngờ, theo Korea Herald.

Bất ngờ đầu tiên là sau khi bước qua đường biên giới liên Triều ở Panmunjom để bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sáng 27-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mời ông Moon Jae-in bước qua đường biên giới về phía Triều Tiên. Sau vài lời trao đổi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nắm tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng bước qua gờ bê tông để trở lại bên kia giới tuyến trong sự ngỡ ngàng của nhiều người chứng kiến. Hai lãnh đạo tiếp tục bắt tay nhau trong khoảng 10 giây trên đất Triều Tiên và tiếp tục chụp ảnh. 

Theo giới quan sát, động thái này tuy là “ngẫu hứng” nhưng cho thấy ông Kim Jong-un nắm rất rõ những nghi thức “có qua có lại” trong ngoại giao. Với hành động này, ông Kim Jong-un muốn thể hiện vai trò “ngang hàng” với ông Moon Jae-in, đồng thời cho thế giới thấy mình là người đứng đầu của một quốc gia có chủ quyền.  

Sau khi ký Tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước trao nhau cái ôm thật chặt - nghi thức vốn không quen thuộc trong văn hóa châu Á

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ: “Khi bước qua đây, tôi đã nghĩ sao tới đây lại khó đến vậy? Thật dễ dàng để bước qua đường phân giới ấy, vậy mà chúng ta mất tới 11 năm mới tới được đây”. Cũng không ai ngờ được, ông Kim Jong-un còn muốn đi xa hơn, tới tận Nhà Xanh nếu được mời khi đáp lại câu nói gợi mở của Tổng thống Hàn Quốc rằng nếu tới thăm Seoul, ông Kim Jong-un sẽ được chứng kiến màn nghi thức chào đón hoành tráng hơn. 

Về phần mình, cuối sự kiện, Tổng thống Moon Jae-in cũng thông báo ông sẽ thăm Triều Tiên mùa thu này. Nếu đúng như vậy, với ông Moon Jae-in, đây không phải lần đầu tiên ông đặt chân đến đất Triều Tiên. Cha mẹ của ông đã di tản sang Hàn Quốc trong chiến tranh liên Triều 1950-1953, nhưng họ vẫn có họ hàng ở phía bên kia biên giới. Năm 2004, ông Moon Jae-in đã cùng mẹ trở lại Triều Tiên để thăm họ hàng theo chương trình đoàn tụ gia đình giữa hai bên. 

Trong cuốn sách phát hành năm ngoái, ông Moon Jae-in (65 tuổi) chia sẻ ông mong muốn một ngày có thể trở lại quê nhà của cha mẹ ông ở Hungnam, Triều Tiên. “Nếu được thống nhất hòa bình, điều đầu tiên tôi muốn làm là đưa người mẹ 90 tuổi của mình trở về quê nhà”, ông Moon Jae-in viết.

Xe chở nhà lãnh đạo Triều Tiên di chuyển trong khu vực hội nghị được 12 vệ sĩ chạy bộ theo sát bảo vệ

Triều Tiên thực thi phương án an ninh cực kỳ kỹ càng

Một đoạn băng đầy ấn tượng được lan truyền khắp giới truyền thông quốc tế hôm 27-4 là hình ảnh 12 vệ sĩ chạy bộ hộ tống xe chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển về phía Bắc làng đình chiến, trở lại biên giới Triều Tiên ăn trưa và nghỉ ngơi trước phiên họp buổi chiều. Đây chính là lực lượng an ninh hộ tống bám sát từng bước chân của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ông bước về phía đường ranh giới quân sự phân chia hai miền. Họ được cho là những binh sĩ được tuyển mộ nghiêm ngặt, thiện chiến, giỏi võ và có khả năng ngắm bắn chính xác. 

Hãng Reuters cho biết, khoảng vài phút trước khi ông Kim Jong-un bước vào bên trong Nhà Hòa Bình, một đội ngũ an ninh của Triều Tiên đã tiến hành dò mìn, chất nổ và các thiết bị nghe lén và cũng dường như xịt một loại thuốc chống độc bên trong phòng, trên bàn ghế và cả sổ lưu niệm. 

Còn theo Fox News, ông Kim Jong-un được cho là mang theo nhà vệ sinh riêng tới khu phi quân sự liên Triều, thay vì sử dụng nhà vệ sinh công cộng trong làng đình chiến. Đây là thói quen của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong mỗi chuyến công tác xa và việc sử dụng nhà vệ sinh cá nhân giúp ông Kim Jong-un bảo mật các thông tin cá nhân liên quan tới sức khỏe.

Nhân viên an ninh Triều Tiên phun chất tẩy trùng xung quanh bàn và ghế trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi ký văn bản ở Nhà Hòa bình

Sự kiện trọng đại này được truyền hình trực tiếp nên rất nhiều người dân ở Seoul đã tập trung trước màn hình lớn trước Tòa thị chính để theo dõi. Nhiều người thích thú khi lần đầu tiên họ nghe ông Kim Jong-un phát biểu chứ không phải là đọc văn bản. Chất giọng lạ mang âm hưởng Thụy Sĩ của ông được nhận xét là mang tính “cởi mở” và ngắn gọn. “Tôi rất xúc động. Tôi không mong đợi một sự thay đổi lớn nhưng đây chính là sự khởi đầu”, ông Park    Ha-seok (60 tuổi), nhìn những hình ảnh được phát sóng từ làng biên giới Panmunjom nói.

Lee Ji-eun, một bác sĩ 32 tuổi và là mẹ của một bé gái cho biết, chứng kiến sự kiện này, cô đã cất đi chiếc túi khẩn cấp mà cô đã đặt trước cửa nhà khoảng 6 tháng trước trong trường hợp chiến tranh. “Trong túi có tã của con gái tôi, một chiếc radio và bình gas xách tay. Bây giờ tôi thấy thật buồn cười khi dặn người giữ trẻ hãy mang theo cái túi cùng con gái tôi chạy trốn xuống tầng hầm nếu xảy ra chiến tranh”. 

Thông điệp hòa bình qua ngôn ngữ cơ thể

Trên tờ Daily Mail, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể của Anh Judi James khẳng định, những cái bắt tay và ôm chặt giữa hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc là thông điệp về tình đoàn kết và hữu hảo gửi đi toàn thế giới.

Bà Judi James phân tích, ngôn ngữ cơ thể của ông Kim Jong-un đã cho thấy rằng ông bước vào Hội nghị Thượng đỉnh với sự thẳng thắn, chân thành. Tốc độ mà ông Kim Jong-un đi về phía biên giới cho thấy năng lượng và nhiệt tình của ông. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nở nụ cười rạng rỡ vào khoảnh khắc ông nhìn thấy Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đang đón đợi mình ở bên kia đường biên giới, đó là tín hiệu cho sự kết nối. Hai người đã chào hỏi một cách vui vẻ, ấm áp cùng những cái nắm tay thân tình. 

Theo chuyên gia ngôn ngữ cơ thể này, hai nhà lãnh đạo đã có một khoảng thời gian riêng tư, không có người hộ tống hay báo chí đến gần nhưng thực sự là họ đã trò chuyện và đồng cảm với nhau. Cả hai đều không cho thấy bất kỳ dấu hiệu của sự cố ý thể hiện hay chỉ mang tính hình thức, tất cả đều biểu hiện tình hữu nghị chân thành.

Món mì lạnh của Triều Tiên “cháy hàng”
Chuyện chưa kể bên lề Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ảnh 5

Tiệc chiêu đãi tối 27-4-2018 sau cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có một món quà mà đích thân ông Kim Jong-un chỉ đạo mang đến, đó là món mì lạnh Triều Tiên. Trong phát biểu khai mạc cuộc gặp sáng cùng ngày, ông Kim Jong-un cho hay ông đã dặn dò các phụ tá “đưa món mì lạnh từ Triều Tiên đến đây thật cẩn thận”, khiến các quan chức xung quanh bật cười. “Tôi hy vọng các anh sẽ thực sự thích món mì mà chúng tôi mang tới”, ông nói.

Chuyện chưa kể bên lề Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ảnh 6

Tuy nhiên, theo Yonhap, tại Seoul, từ buổi trưa người dân đã đổ xô đi thưởng thức món mì lạnh, được gọi là naengmyeon Bình Nhưỡng này. Tại các nhà hàng Triều Tiên nổi tiếng ở Seoul, khách xếp thành hàng dài chờ đến lượt. Một người đàn ông 42 tuổi họ Park cho hay, anh và 2 đồng nghiệp đều tự nhiên muốn đi ăn naengmyeon sau khi xem trực tiếp cuộc gặp của lãnh đạo liên Triều tại văn phòng làm việc.