Chuyện chưa biết về Trường Lũy 200km ở Việt Nam

(ANTĐ) - Điểm đầu tiên của “bức tường đá” dài 200km này bắt đầu từ huyện Trà Bồng kéo dài qua 7 huyện khác của Quảng Ngãi và vắt qua huyện Hoài Nhơn và An Lão của tỉnh Bình Định. Còn được gọi là Trường Lũy, công trình này, theo chính sử được xây vào khoảng đầu thế kỷ 19 dưới thời  vua Gia Long - Nguyễn Ánh, tuy nhiên qua các tài liệu khảo cổ học mới nhất nó được hình thành từ sớm hơn: nửa cuối thế kỷ 17. Lâu nay, công trình kiến trúc đặc biệt này được nhìn nhận như một công trình quân sự, và cũng vì thế, gần 100 năm qua, Trường Lũy gần như bị rơi vào quên lãng. 

Chuyện chưa biết về Trường Lũy 200km ở Việt Nam

(ANTĐ) - Điểm đầu tiên của “bức tường đá” dài 200km này bắt đầu từ huyện Trà Bồng kéo dài qua 7 huyện khác của Quảng Ngãi và vắt qua huyện Hoài Nhơn và An Lão của tỉnh Bình Định. Còn được gọi là Trường Lũy, công trình này, theo chính sử được xây vào khoảng đầu thế kỷ 19 dưới thời  vua Gia Long - Nguyễn Ánh, tuy nhiên qua các tài liệu khảo cổ học mới nhất nó được hình thành từ sớm hơn: nửa cuối thế kỷ 17. Lâu nay, công trình kiến trúc đặc biệt này được nhìn nhận như một công trình quân sự, và cũng vì thế, gần 100 năm qua, Trường Lũy gần như bị rơi vào quên lãng. 

Khai quật một bảo (đồn) tại đèo Chim Hút - xã Hành Dũng
Khai quật một bảo (đồn) tại đèo Chim Hút - xã Hành Dũng

Từ năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ và Viện Khảo cổ học đã bắt tay vào nghiên cứu công trình kiến trúc Trường Lũy này. Những kết quả thu được sau 5 năm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.

Bức tường xếp đá hoàn hảo

Có thể hình dung rằng, Trường Lũy ở Quảng Ngãi - Việt Nam có nhiều nét hao hao giống với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, tuy nhiên 2 công trình này lại khác nhau cơ bản cả về ý tưởng kiến trúc lẫn chức năng. Nằm dọc tỉnh Quảng Ngãi, trên một chặng đường dài đến 200km, Trường Lũy đi qua nhiều địa hình khác nhau. Cũng vì thế, việc xây dựng nó cũng rất đa dạng. Ở địa hình bằng phẳng, lũy đơn giản chỉ được đắp bằng đất, nơi sườn núi có độ dốc vừa phải, lũy được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở ngoài. Đây là cách mà người xưa chống lại hiện tượng trôi trượt của lũy trên sườn đồi, núi. Những địa hình có độ dốc lớn, hoặc trên đỉnh những ngọn núi cao như đoạn chạy qua huyện Tư Nghĩa, Ba Tơ hay Đức Phổ... thì Trường Lũy được xây hoàn toàn bằng đá. Với kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, khiến cho lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi.

Một đoạn của Trường Lũy chạy qua Thiên Xuân - huyện Nghĩa Hành
Một đoạn của Trường Lũy chạy qua Thiên Xuân - huyện Nghĩa Hành

Ở nhiều nơi, quy mô của lũy rất lớn, ví như ở địa điểm Ba Động, Ba Tơ lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Nếu ai đã từng lần theo dấu tích mà Trường Lũy đi qua, hẳn sẽ không thể nào quên khung cảnh đẹp đến bất ngờ khi những bức tường đá rêu phong kia uốn mình theo những con suối, thung lũng sông Trà Bồng, sông Re, men theo các đồi keo, nương mía, những cánh rừng trồng quế - đặc sản của huyện Trà Bồng. Phần đầu mút phía Nam Quảng Ngãi, là nơi Trường Lũy đi qua nhiều cánh rừng rậm, “leo” lên các đỉnh núi. Có nơi, Trường Lũy nằm vắt mình ở độ cao 800m so với mặt nước biển để hòa cùng núi rừng trùng điệp.

Sáng rõ câu chuyện lịch sử

Để làm rõ hơn về công trình này, một cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành, tập trung vào 3 địa điểm có lũy đi qua là Thiên Xuân - xã Hành Tín Đông, Rồm Đồn, đèo Chim Hút - xã Hành Dũng (đều thuộc huyện Nghĩa Hành). Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp nghiên cứu Trường Lũy và tiến hành khai quật các di chỉ này cho biết, việc khai quật đã “vỡ” ra nhiều điều thú vị mà trước đây sử sách ít, hoặc chưa từng nhắc đến.

Qua khai quật, cùng quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được dấu tích của 50 bảo (đồn binh) dọc theo lũy. Đa số các bảo đóng ở những vị trí quan trọng, nơi có các dòng sông lớn chảy qua như Thiên Xuân - Hành Tín Đông - bảo ở đây có quy mô lớn, xây bằng đá rất kiên cố, nằm tách biệt khỏi lũy, nó đóng vai trò là một cứ điểm lớn bao quát cả Hành Tín Đông và Hành Tín Tây. Tại thôn Nam Lân, Ba Động, Ba Tơ bảo cũng có quy mô khá lớn, xung quanh có hào sâu, nằm ngay trên sườn một ngọn núi có độ dốc lớn. Vùng chợ phiên Tam Bảo - Nghĩa Hành cũng có bảo Kim Long khá lớn.

Cuộc khai quật khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều đồ gốm có niên đại sớm nhất là nửa sau thế kỷ 17, gốm ở đây có nguồn gốc đa dạng từ Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và cả gốm bản địa miền Trung Việt Nam. Điều này chứng tỏ, đã có sự buôn bán, trao đổi qua lũy vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 18... Tất cả dấu tích này đã đưa đến một nhận định chung, Trường Lũy là một ranh giới, nhưng không phải là ranh giới đóng kín, lũy cắt ngang qua nhiều sông suối, mỗi chỗ cắt ngang là một cổng, kế đó là một bảo canh gác cho phép điều hành đi lại giữa hai bên. Việc đi lại của những người dân thời bấy giờ chủ yếu nhằm trao đổi kinh tế, người Hre mua muối, người Việt mua gạo, quế và lâm sản.

Thậm chí hoạt động thương mại này còn đi xa hơn nữa về phía Tây, lên Trường Sơn sang Lào. Các tài liệu nghiên cứu gần đây đang chứng minh điều đó. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết thêm, kỹ thuật xếp đá để hình thành nên Trường Lũy kéo dài từ Quảng Ngãi tới Bình Định hiện vẫn được người Hre sử dụng, vì thế, đây không phải là công trình chỉ do người Việt xây dựng. Việc tạo ranh giới này đã được sự đồng ý của cả hai bên. Hai dân tộc Việt và Hre đã cùng tham gia vào xây dựng lũy, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre. Quá trình trao đổi kỹ thuật này là điểm đặc biệt nhất của di tích Trường Lũy.

Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích một con đường cổ. Đây chính là đường Thiên Lý nối kinh đô Thăng Long với các tỉnh phía Nam. Sự phát hiện này đã gợi mở khả năng, Lũy được xây dựng dọc theo đường cổ. Trên thực tế, vết tích đường Thiên Lý hiện vẫn còn ở Phổ Châu huyện Đức Phổ; Ba Động, Ba Thành, Ba Khâm huyện Ba Tơ và Nghĩa Thắng huyện Tư Nghĩa. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cho rằng, việc xây dựng Trường Lũy có liên quan đến con đường cổ này. Không loại trừ khả năng, nó được xây là để bảo vệ con đường huyết mạch Bắc-Nam, đảm bảo cho việc đi lại, giao thương trên toàn lãnh thổ, bởi nếu con đường này bị chia cắt, an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

(Còn nữa)

Vân Quế