Chuyện cảm động về 2 bức huyết họa vẽ Bác Hồ

ANTD.VN - Mỗi bức huyết họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có một điểm chung dễ nhận thấy là các tác phẩm này được vẽ bằng cả tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ vị cha già của dân tộc. 

Bác Hồ với thiếu nhi Trung Nam Bắc

Chuyện cảm động về 2 bức huyết họa vẽ Bác Hồ ảnh 1Bức tranh “Bác Hồ với 3 thiếu nhi Trung Nam Bắc” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu

Diệp Minh Châu là một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam. Cả cuộc đời lao động và sáng tạo nghệ thuật của ông gắn liền với đề tài về Nam bộ với những trăn trở và say mê.

Song hành cùng đề tài xuyên suốt này, ông còn là một trong các nhà điêu khắc sáng tác nhiều nhất về Bác, bởi sinh thời nhà điêu khắc có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Người. Cho tới khi mất, ông đã vẽ và nặn hàng trăm tác phẩm về Bác Hồ, trong đó được biết đến rộng rãi nhất có lẽ là bức tranh “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc” được vẽ bằng máu trên nền lụa. 

Hành động bột phát là dùng dao rạch cánh tay để lấy máu vẽ  bức huyết họa “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc” của chàng nghệ sĩ trẻ năm ấy đến từ niềm cảm xúc dâng trào.

Đó là vào năm 1947, tại hội chợ mừng lễ độc lập tổ chức ở xã Thiện Hộ, chiến khu Đồng Tháp Mười, giữa mênh mang sóng nước chiến khu, được nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác và nghe tốp ca thiếu nhi hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Lưu Hữu Phước, Diệp Minh Châu đã vừa khóc vừa vẽ bức tranh lụa từ chính máu của mình.

Bức huyết họa sau đó đã được gửi ra Việt Bắc cùng lá thư gửi tới vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, bày tỏ lòng kính yêu với Người, khát vọng hoà bình và giải phóng dân tộc. Trong thư ông viết: “Hôm nay trong cảnh vĩ đại của ngày lễ độc lập chưa từng có ở Nam bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu nhi Nam bộ, con đã cảm xúc vô cùng xúc động.

Và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em bé Bắc Trung Nam đang chụm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch đã chiếm lấy được ở trận Giồng Dứa hồi tháng Tư năm nay”. 

Bức tranh như một lời thề thiêng liêng của kháng chiến Nam bộ với cách mạng và cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Tác phẩm có một phong cách mạnh mẽ, khoáng đạt, đậm chất Nam bộ. Hiện bức tranh đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phần trưng bày lịch sử cận hiện đại, cơ sở 216 Trần Quang Khải.

Đây là một tác phẩm tranh lụa, lại được vẽ bằng máu nên cùng với thời gian, nó không còn giữ được màu như lúc vẽ. Tuy nhiên, tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo công chúng tham quan với thái độ trân trọng và cảm phục. Bức tranh là sự minh chứng về tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác Hồ, niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất đất nước.

Ánh sáng niềm tin trong trái tim người lính 

Chuyện cảm động về 2 bức huyết họa vẽ Bác Hồ ảnh 2Bức tranh “Ánh sáng niềm tin” của họa sĩ Lê Duy Ứng

Bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ra đời vào ngày 28-4-1975, tức là chỉ còn 2 ngày nữa miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải. Bức tranh đã được ra đời trong một cảnh rất đặc biệt. Đó là vào sáng 28-4-1975, khi Lê Duy Ứng đang theo chân các chiến sĩ vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hành trang mang theo là giá vẽ và máy ảnh, mấy cái bút với tư cách là một họa sĩ chiến trường để ký họa chiến tranh. 

Khi đoàn quân chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn 30km, tại căn cứ Nước Trong, một quả đạn chống tăng M72 nổ gần đã làm ông bị thương ở đầu, ngực và nặng nhất là đôi mắt. Trong giây phút đau đớn, cận kề cái chết, bỗng hình ảnh của Bác ùa về trong tâm trí ông. Với tất cả niềm mến yêu và kính trọng, ông lấy hết sức lực cuối cùng, dùng các đầu ngón tay thấm dòng máu nóng đang chảy tràn ra từ 2 khóe mắt và ký họa thật nhanh chân dung của Bác.

“Không hiểu sao, tôi nhớ rất rõ từng chi tiết, đường nét chân dung Bác. Chỉ vài phút sau, bức chân dung đã được hoàn thành kèm theo dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Máu chảy nhiều quá, tôi cứ lịm dần đi, nhưng đã kịp cuốn bức vẽ cất vào trong ngực áo cẩn thận” - họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại. 

Chuyện cảm động về 2 bức huyết họa vẽ Bác Hồ ảnh 3Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức huyết họa của mình

Khi ra đến Xuân Lộc, do bị mất nhiều máu nên ông rơi vào tình trạng chết lâm sàng, đồng đội đã chuẩn bị đưa đi chôn. Trong lúc sửa sang lại huyệt thì Lê Duy Ứng tỉnh dậy bò ra khỏi cáng, sau đó ông được quân y đưa đi điều trị. Khi thay quần áo, các bác sĩ thấy bức tranh đặc biệt trong túi áo được vẽ bằng máu và đã cất đi.

Hiện bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bức tranh của họa sĩ Lê Duy Ứng là biểu tượng cho niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tác phẩm vẽ trong khi mắt không nhìn thấy cũng đã trở thành một luồng ánh sáng vĩnh cửu của đời ông. 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, 2 bức huyết họa được ra đời trong hoàn cảnh khác nhau, tiếng nói khác nhau nhưng lại giống nhau ở tấm lòng và tình yêu tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh về Bác là hình ảnh mang tính miên viễn, theo năm tháng, các nghệ sĩ lại tìm ra cách khai thác khác nhau và đóng góp vào ngôn ngữ tạo hình nước nhà.

Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim người nghệ sĩ. Suốt thế kỷ 20 vắt sang thế kỷ 21 và còn về sau nữa, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục sáng tác về Người với nhiều loại hình khác nhau và một tình yêu không đổi khác.