Chuyện cá hồ Tây

ANTD.VN - Trước khi kè bờ, hồ Tây rộng 528 héc ta. Sau khi kè, hiện hồ chỉ còn 460 héc ta. Với diện tích lớn như vậy nên hồ Tây chứa một lượng nước khổng lồ, là môi trường thuận lợi cho các loài cá sinh trưởng. Dù rộng nhưng hồ Tây hiện bị coi là hồ tù vì không có kết nối với sông hồ xung quanh. Thế nhưng ít ai biết, cách đây nhiều thế kỷ, nguồn cung cấp nước và tôm cá cho hồ lại chính từ sông Hồng.

Cách đây nhiều thế kỷ, nguồn cung cấp nước và tôm cá cho hồ Tây chính từ sông Hồng

Trước thế kỷ XVIII, Thiên Phù là con sông khá lớn ở Tây Bắc Thăng Long và là chi lưu của sông Hồng. Cửa  sông ở khu vực từ đầu phường Phú Thượng đến đầu phường Nhật Tân hiện nay. Sông chảy qua  cánh đồng làng Xuân Đỉnh, Xuân La gặp Tô Lịch ở Yên Thái - Bái Ân (tương ứng với khu vực chợ Bưởi ngày nay). Xưa nơi này có bến Hồng Tân (vì sát chân thành Đại La nên còn gọi là bến Đại La). Trên dòng chảy, Thiên Phù có nhánh chảy ngoằn ngoèo qua nhiều xã của huyện Từ Liêm rồi đổ ra sông Nhuệ.

Với sông Tô Lịch, từ ngã ba Hồng Tân, Tô Lịch chia làm 2 nhánh, một chảy về phía Nam qua Nghĩa Đô, Láng, Đại Kim đổ xuôi ra sông Nhuệ. Một nhánh chảy sát chân thành Đại La (nay là đê Hoàng Hoa Thám) qua Quán Thánh ngoặt xuống Hàng Lược, rồi Hàng Đường. Ngõ Gạch ra Chợ Gạo và cửa sông là khu vực cuối phố Hàng Buồm hiện nay gọi là Giang Khẩu (sau gọi Hà Khẩu).

Nguồn nước cung cấp cho Tô Lịch là sông Thiên Phù. Và nhánh Tô Lịch “ăn” với sông Hồng lại nối với hồ Tây qua Cống Đõ ở đầu Hồ Khẩu. Cống Đõ giờ vẫn còn nhưng nó là cống bê tông. Vào mùa mưa lũ, nước hồ Tây dâng cao bị áp lực dòng chảy từ Thiên Phù nên nước nhánh Tô Lịch này lại chảy ra sông Hồng. Vì thế người ta gọi Tô Lịch là sông nghịch. Nhờ kết nối gián tiếp nối với sông Hồng qua 2 cửa nên tôm cá từ sông Hồng theo dòng nước đổ vào hồ Tây. Và hồ đã trở thành nơi sinh trưởng của rất nhiều loại tôm cá. Ca dao Hà Nội có câu: “Ổi Quảng Bá/ cá Tây Hồ”. 

Vì khu vực này có 2 con sông bao quanh lại có hồ Tây rộng lớn nhiều cá tôm nên nghề đánh bắt cá phát triển. Và đàn ông các làng xung quanh hồ như: Yên Phụ, Nghi Tàm, Xuân Tảo chủ yếu làm nghề đánh cá. Có lẽ thế nên mới sinh ra chợ bán lưới Võng Thị. Và thành hoàng của làng Võng Thị là Mục Thận, một người đánh cá gắn với truyền thuyết khi quăng lưới bắt được hổ nhưng hổ lại chính là Thái sư Lê Văn Thịnh của triều Lý. Trong bài “Tụng phú Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng viết năm 1802 đã nói đến nghề bắt cá ở hồ Tây: “Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. Cá hồ Tây nổi tiếng với loài trắm đen như mực tầu, bóng như nhung the, cá chép vàng óng ánh hay giống tôm hồng ngọt lừ vỏ mềm.  

Nửa đầu thế kỷ XVIII, sông Hồng đổi dòng, cửa sông Thiên Phù bị cát bồi lấp. Nước sông Hồng không chảy vào Thiên Phù nên con sông này dần dần bị lấp và nhiều  đoạn trở thành ao hồ. Thiên Phù mất dẫn đến nguồn nước cung cấp cho Tô Lịch qua con sông này không còn. Tuy nhiên vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng lại đổ vào Tô Lịch qua Hà Khẩu vì thế sông vẫn có nguồn cấp nước và tôm cá lại theo vào. Đầu thế kỷ XIX, Hàng Lược là bến sông. Cá đánh từ sông Hồng, hồ Tây mang về đây bán cho nhà buôn và các quán chả cá quanh vùng. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến  

Trước khi người Pháp chiếm Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, ngư dân được tự do đánh bắt cá ở hồ Tây như ở sông Hồng. Khi mặt hồ còn “mịt mù khói tỏa mờ sương” đã nghe tiếng mái chèo gõ mạn thuyền dồn cá vào lưới. Pháp chiếm Hà Nội năm 1883 và năm 1988, ngư dân quanh vùng không được tự do đánh bắt cá vì chính quyền đấu thầu đánh cá hồ Tây thu tiền cho thành phố. Trúng thầu bao giờ là người Pháp.

Thế nhưng người Pháp trúng thầu cho người Việt thầu lại. Và họ đã tổ chức bán vé cho bất cứ ai muốn đánh bắt trên hồ Tây theo năm. Năm 1889, đoạn sông Tô Lịch chảy qua hàng Khoai bị lấp để xây chợ Đồng Xuân chính thức chặn sự kết nối giữa sông Hồng và  hồ Tây. Do vậy  nguồn cá tự nhiên không dồi dào buộc các chủ thầu  hàng năm phải thả thêm cá. Tiền mua vé cũng tăng từng năm dẫn đến ngư dân quanh hồ bỏ nghề chuyển sang làm công việc khác vì tiền kiếm được từ đánh cá không đủ để mua vé.

Khi quân đội Nhật vào Đông Dương, hồ Tây được coi là vị trí chiến  lược nên họ không cho đánh cá, đêm đêm ca nô quân đội Nhật đi tuần quanh hồ. Năm 1948, việc thầu đánh cá ở hồ mới tiếp tục. Năm 1958, Xí nghiệp Đánh cá quốc doanh hồ Tây thành lập. Để có nguồn cá cung cấp cho cán bộ, công nhân viên chức và người dân Hà Nội, Xí nghiệp Thủy sản hồ Tây thả các loại cá hay ăn nhanh lớn nhưng thịt không ngon như trắm cỏ, mè hoa.

Xí nghiệp về Hà Nam, Ninh Bình mua ốc đổ vào hồ  cho cá ăn. Từ đó ốc hồ Tây nhiều hơn. Vì tài sản chung nên bảo vệ cũng lỏng lẻo thậm chí những người được giao nhiệm vụ bảo vệ thông đồng với người đánh cá trộm. Và không ít người nhờ trộm cá ở hồ đã giàu lên, xây được nhà.