Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2021)

Chuyện binh vận những năm 1973 - 1974 tại mặt trận Tây Nam Huế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ binh vận của chúng tôi hồi đó có 4 người, tôi (Ngụy Hoàng Sơn), Trần Văn Khiêm, Nguyễn Tấn Liên và Đinh Gia Vượng. Còn Mắt Cáo là tên quả đồi nằm đối diện dãy An Hô, nơi có di tích lịch sử Địa đạo An Hô thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới ngày nay.

Một lần về Hương Nguyên, đi trên đồi Mắt Cáo, kỷ niệm xưa lại ùa về. Vẫn tiếng kêu đến nao lòng của con chim “Bắt cô trói cột”. Nhớ những ngày cưa gỗ làm hầm, những lần hát cho địch nghe, những đêm ôm súng gác dưới chiến hào, nhìn trăng, đếm sao, đếm tiếng tắc kè kêu xem mai mưa hay nắng...

Cuộc gặp mặt trên đồi Mắt Cáo

Tháng 3-1973, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm, giành lại dãy An Hô rồi củng cố công sự và chốt giữ. Để bảo vệ vững chắc tuyến phòng thủ, đơn vị được lệnh đánh bật đối phương ra khỏi những quả đồi lân cận. Cuối cùng chúng tôi cũng chiếm được đồi Mắt Cáo, cục diện chiến trường thay đổi, 2 phe ở thế cài răng lược. Trước tình hình đó, mặt trận Thừa Thiên - Huế quyết định chuyển hướng tấn công từ vũ trang sang tuyên truyền, vận động, từng bước làm lung lay, tan rã hàng ngũ phía bên kia.

Nhận nhiệm vụ mới mẻ này, ban chỉ huy đại đội đã thành lập một tổ 4-5 chiến sỹ để giao nhiệm vụ. Bốn anh em chúng tôi đều là lính Hà Nội, tốt nghiệp cấp III, bề ngoài dễ coi, nhận thức và ăn nói có phần nhỉnh hơn mặt bằng chung của đơn vị nên được chọn cho nhiệm vụ này. Nhận lệnh, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng, nhưng lo vì nhiệm vụ quá mới, chưa làm bao giờ, chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng cái máu thích khám phá của tuổi trẻ khiến chúng tôi muốn nhảy ngay xuống núi gặp địch xem sao.

Để có được cuộc gặp mặt giữa 2 bên, chúng tôi cũng phải như vờn nhau để thăm dò. Một lần tầm 10h sáng từ phía chốt đối phương có tiếng gọi nhau, anh Nguyễn Tấn Liên bèn gọi thử:

- Các bạn ơi! Các bạn có khỏe không?

- Khỏe! Chúng tôi đang nhậu.

Cứ qua, lại như thế, chúng tôi đã có thể gặp phía bên kia được rồi. Để đảm bảo nguyên tắc bí mật, chúng tôi tạo cho mỗi người một cái tên mới bằng cách giữ lại âm đầu ở tên mỗi người. Theo đó Khiêm sẽ là Khanh, Sơn là Sinh, Liên là Linh và Vượng là Vịnh.

Đầu tháng 7-1973, Trung đoàn yêu cầu chúng tôi tổ chức gặp phía bên kia để nắm bắt tình hình và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai bên thống nhất phất cờ làm hiệu để cùng nhận diện và không mang vũ khí. Cảnh giới cho chúng tôi, anh Tạ Văn Long động viên: “Các đồng hương yên tâm có chúng tôi bảo vệ”. Đi xuống dốc một đoạn anh Khiêm bảo: “Để anh đi trước, anh đã có vợ, có vấn đề gì cũng đỡ, chứ để chúng mày thì…”. Tôi gạt tay anh và tay cầm lá cờ làm bằng khăn mặt màu xanh phất phất. Phía bên kia cũng dùng khăn màu trắng vừa phất vừa nói to: “Tụi tôi đang xuống đây”.

Những người lính tham gia công tác binh vận ngày đó (từ trái qua: tác giả - Binh nhất Ngụy Hoàng Sơn, Hạ sỹ Trần Văn Khiêm, Binh nhất Nguyễn Tấn Liên, Binh nhất Đinh Gia Vượng)

Những người lính tham gia công tác binh vận ngày đó (từ trái qua: tác giả - Binh nhất Ngụy Hoàng Sơn, Hạ sỹ Trần Văn Khiêm, Binh nhất Nguyễn Tấn Liên, Binh nhất Đinh Gia Vượng)

Tại cuộc gặp đầu tiên, để bớt đi không khí thù địch, chúng tôi chỉ nói chuyện tình cảm, hỏi nhau tên tuổi, gia đình, người yêu… Tôi hỏi cậu lính trẻ nhất: “Bạn tên gì?”. Cậu ta nói tên, nhưng tiếng Quảng Nam tôi không nghe được bèn đưa một mảnh giấy và bảo: “Tôi nghe không được, bạn viết cho tôi được không?”. Người lính đó ấp úng: “Để em nói chậm lại anh nghe, chứ viết thì…”. Tôi nghĩ ngay cậu này chắc chưa biết chữ và sau này mới biết, lính phía bên kia nhiều người cũng như vậy.

Phía đối diện, tôi thấy một người lính bên họ nói nhỏ gì đó với anh Liên. Khi về chốt, anh Liên báo cáo lại ngay: “Thằng đó nói với tôi thế này, các anh muốn lấy chốt thì chỉ cần bắn 3 phát AK báo hiệu là tụi em rút ngay. Đừng giết bọn em tội nghiệp”. Mới gặp nhau lần đầu nhưng qua cách nói năng, giao tiếp, địch đã thấy mình “chiếu dưới” nên toàn xưng em và kêu chúng tôi bằng anh.

Trong lần gặp này, đôi bên cũng thống nhất cùng nhau dựng một túp lều nhỏ và đặt tên là “Nhà hòa hợp”. Tết Giáp Dần 1974 ta và địch đã tổ chức đón Xuân chung trong căn nhà ấy. Sau này hầu như ngày nào ta và họ cũng nói chuyện qua radio. Được tuyên truyền, hiểu rõ chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều binh sỹ phía bên kia đã bỏ ngũ về với cách mạng.

Ngày 26-3-1975, chúng tôi đã đánh trận cuối cùng trên bãi biển Phú Vang, giải phóng Thừa Thiên - Huế. Sau đó, đơn vị có thời gian đứng chân tại quân trường Dạ Lê (xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy) vốn là nơi đồn trú của Sư đoàn 1 Bộ binh quân đội Sài Gòn. Tại phòng tâm lý chiến của sư đoàn này, tôi tìm thấy một tập hồ sơ ghi lại toàn bộ những lần chúng tôi gặp họ, thấy lại chính mình trong những cái tên Sinh, Khanh, Linh, Vịnh (Sơn, Khiêm, Liên, Vượng). Thì ra chiến tranh vẫn không thiếu những điều bất ngờ.

“Nhà hoà hợp” của chúng tôi ngày xưa khá giống nhà chòi của đồng bào Cơ Tu

“Nhà hoà hợp” của chúng tôi ngày xưa khá giống nhà chòi của đồng bào Cơ Tu

Những cuộc đấu trí

Công tác binh vận đang tiến triển tốt thì phía bên kia tăng cường hoạt động chiêu hồi quân ta. Từ đồi Đông cách đồi Mắt Cáo khoảng 700m, họ dùng loa công suất lớn phát đi các bài tuyên truyền và tăng cường sĩ quan tâm lý chiến xuống tận “Nhà hòa hợp”. Phía ta cũng cử cả cán bộ chính trị đi cùng với tổ binh vận chúng tôi. Trong một cuộc gặp, một người lính (theo nhận định của chúng tôi là sỹ quan tâm lý chiến) đưa ra những câu hỏi khá “xoáy”: “Xin hỏi mấy anh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Thủ đô là Hà Nội. Việt Nam Cộng hòa có Thủ đô là Sài Gòn. Thế còn Cộng hòa miền Nam Việt Nam của mấy anh Thủ đô ở đâu?”. Anh Liên đáp ngay: “Trong tim những người Việt Nam yêu nước, khát khao hòa bình, thống nhất”. Sau sự kiện đối đáp này, Chính trị viên đại đội và Trung đoàn rất yên tâm khi “giao” địch cho chúng tôi.

Anh Liên còn kể: “Sau giải phóng tôi về quê, có lần ngồi nhậu với mấy trí thức gốc Huế, một anh nói, hồi 1974 có người nhà là lính cộng hòa mang về điếu thuốc lá Điện Biên. Tụi tui chuyền tay nhau hút, hương thơm của thuốc rất đặc biệt. Chúng tôi còn được biết lính Giải phóng hiền, đẹp trai. có học vấn và họ cũng… sài sang”.

Cũng trong dịp sát Tết Giáp Dần 1974, anh Liên cất tiếng gọi trên loa:

- Các bạn đâu rồi, văn nghệ cho vui đi.

Đồi bên đáp lại:

- Chúng tôi đây (nghe xưng “chúng tôi” nghĩa là ở đó đang có sĩ quan tâm lý chiến tới giám sát, chứ bình thường họ toàn xưng em).

Anh Liên hỏi tiếp:

- Hôm nay các anh hát nha. Hai Sung có đó không? (Hai Sung là người lính ca vọng cổ khá hay).

- Hai Sung bịnh rồi anh ơi.

Vậy là chúng tôi biết họ mới thay quân. Chúng tôi bắt đầu hát những bài ca cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước cho họ nghe. Thỉnh thoảng họ cũng gọi chúng tôi như thế, nhưng thường là vào đêm muộn. Có lần khá khuya, bên kia gọi sang: “Được nghe các anh hát Chèo, Quan họ rồi, bữa nay tụi tui ca vọng cổ cho các anh nghe”. Và thế là giữa đêm khuya thanh vắng, một giọng ca khá trong trẻo cất lên bài “Gánh nước đêm trăng” rồi “Cô gái tưới đậu…” nghe rất mùi mẫn. Ôm súng dưới chiến hào không ngủ mà tôi bỗng giật mình vì như đã có lúc chìm vào những câu ca ấy trong nỗi nhớ nhà khôn xiết.

Các đồ vật mà những người lính 2 bên chiến tuyến chia nhau dùng trong lần gặp dưới “Nhà hoà hợp”

Các đồ vật mà những người lính 2 bên chiến tuyến chia nhau dùng trong lần gặp dưới “Nhà hoà hợp”

Sáng hôm sau, Trung đoàn xuống giao nhiệm vụ cho chúng tôi tổ chức đón Xuân dưới “Nhà hòa hợp”. Nhiều nội dung được đưa ra, trong đó có việc treo cờ và chào cờ. Tôi nghĩ, nếu ta treo cờ Giải phóng, miễn cưỡng đối phương cũng chào thôi, nhưng khi họ treo cờ ba sọc thì tính sao đây? Tôi đưa ra ý kiến này, anh Liên ủng hộ ngay và sau đó anh Khiêm, anh Vượng cũng thấy thế. Trung đoàn về sau cũng đồng ý thôi nội dung này. Đến chiều, chúng tôi cùng anh Vinh - cán bộ Trung đoàn mang xuống cuộc gặp đặc biệt này rất nhiều thứ, bánh chưng, thuốc lá thơm Thủ đô, chè Hồng Đào và cả những câu đối Tết. Căn nhà lá đơn sơ ấm nồng không khí xuân của cả 3 miền đất nước. Chúng tôi, những người lính của 2 bên cùng kể cho nhau nghe chuyện Tết của từng miền quê, những bài hát về mùa xuân, về đất nước được cất lên. Chúng tôi chia tay nhau với những lời chúc năm mới thắm đượm tình người, như chưa hề có cuộc chiến đang hiện hữu.