Chuyến bay thảm khốc MH17: 5 năm vẫn chưa có lời giải đáp

ANTD.VN - 5 năm trước, ngày 17-7-2014, chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia Airlines đã bị nổ tung trên bầu trời miền đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của 298 người trên máy bay.

Vụ việc chiếc máy bay Boeing 777 đi từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị bắn rơi đã khởi nguồn cho hàng loạt các cuộc điều tra quốc tế, các cáo buộc hình sự và các lệnh trừng phạt mà Châu Âu và Mỹ giáng xuống Moscow.

Chuyện gì đã xảy ra?

Khoảng ba giờ sau khi cất cánh từ sân bay Schiphol, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 đã biến mất khỏi màn hình radar khi đi qua phía đông Ukraine, vùng tranh chấp do phiến quân thân Nga đang chiếm đóng, nơi xung đột đã diễn ra trong nhiều tháng trước đó.

Cả khối sắt khổng lồ lao xuống cánh đồng gần làng Gra Upper, để lại thi thể của hàng trăm con người, nhiều thi thể trong số đó vẫn gắn chặt vào ghế ngồi, thi thể một số khác nằm rải rác trên những cánh đồng hoa hướng dương ở địa phương.

Các mảnh vỡ thân máy bay MH17 được các nhà điều tra Hà Lan ghép lại (Ảnh Reuters)

Trong số 283 hành khách, có 196 người Hà Lan, 43 người Malaysia và 38 người Úc và 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.

Đây là thảm kịch thứ hai chỉ trong vài tháng của hãng Hàng không Malaysia Airlines, sau vụ mất tích đầy bí ẩn của máy bay mang số hiệu MH370.

Thế giới đã phản ứng thế nào?

Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ đã gây chấn động và phẫn nộ trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã đổ lỗi cho hệ thống tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất và cáo buộc rằng chiếc MH17 đã bị bắn trên lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát. Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, gọi đó là hành động khủng bố.

Moscow ngay lập tức phủ nhận và đưa ra một loạt các giả thuyết, bao gồm cả việc Boeing bị máy bay chiến đấu hoặc tên lửa đất đối không BUK của Ukraine bắn hạ.

Các quốc gia phương Tây ngay lập tức tung ra các lệnh trừng phạt đối với Nga sau vụ việc, tiếp nối chuỗi các biện pháp cứng rắn dành cho nước này kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014.

Tháng trước, EU đã tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt với Nga, đồng thời kêu gọi Nga hợp tác trong các cuộc điều tra.

Những cuộc điều tra đã tìm thấy gì?

Các cuộc điều tra về thảm họa hàng không này do Hà Lan chủ trì được tiến hành trong suốt năm năm qua, đã dần khoanh vùng được nguyên nhân và thủ phạm.

Vào tháng 9 năm 2014, Ủy ban An toàn Hà Lan tuyên bố, máy bay MH17 đã bị nổ tung sau khi bị tấn công bởi nhiều vật thể có tốc độ cao.

  Chuyến bay thảm khốc MH17: 5 năm vẫn chưa có lời giải đáp ảnh 2

Mảnh vỡ của chiếc MH17 bị bắn hạ tại miền đông Ukraine (Ảnh Reuters)

Vào tháng 8 năm 2015, các báo cáo cho biết đã xác định nguồn gốc của các mảnh vỡ lớn có thể là từ một hệ thống tên lửa đất đối không BUK, được cả Moscow và Kiev sở hữu.

Vào tháng 10 cùng năm, kết luận đã được đưa ra, rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa được bắn từ phía đông Ukraine đã phát nổ bên ngoài máy bay tại vị trí phía bên trái của buồng lái.

Một nhóm điều tra hình sự (JIT) của năm quốc gia do Hà Lan dẫn đầu sau đó đã tiếp quản cuộc điều tra, và vào tháng 9 năm 2016, họ cho biết đã có bằng chứng không thể chối cãi rằng một tên lửa BUK đã được sử dụng và phóng đi từ lãnh thổ Liên bang Nga.

Vào tháng 5 năm 2018, lần đầu tiên các nhà điều tra cho biết tên lửa này có nguồn gốc từ lữ đoàn quân sự thứ 53 của Nga có trụ sở tại Kursk ở miền tây nước Nga.

Hà Lan và Úc sau đó đã tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ MH17.

Ai đã bị buộc tội?

JIT vào ngày 19-6-2019 vừa qua đã buộc tội 4 người, trong đó có 3 người Nga là Igor Girkin, Sergei Dubinskiy và Oleg Pulatov và 1 người Ukraine là Leonid Kharchenko với tội danh giết người. Tất cả những người trên đều có quan hệ với phiến quân ly khai ở miền đông Ukraine. Họ sẽ bị xét xử từ ngày 9-3-2020 tại Hà Lan.

Tuy nhiên, nhiều khả năng không một người nào trong nó những người này sẽ có mặt tại phiên tòa vì cả Nga và Ukraine đều không cho phép công dân của mình bị dẫn độ. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không có các bằng chứng xác thực để đổ lỗi cho Moscow.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

JIT cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra các nghi phạm khác, đặc biệt là những người làm nhiệm vụ chỉ huy của lực lượng  tác chiến bằng tên lửa đất đối không BUK, và tiểu đoàn bốn thành viên vận hành chiếc tên lửa đã bắn hạ máy bay MH17.

Ở một động thái khác, hàng trăm người thân của những người thiệt mạng đã yêu cầu Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg xác nhận trách nhiệm của Nga về vụ tai nạn này, và từ giờ đến cuối năm, Nga có quyền kháng cáo.