Chuyến bay MH370: Mọi chuyện chưa kết thúc?

ANTĐ - Trên chuyến bay MH370 của Maylaysia Airlines vừa gặp nạn hôm 8-3, có tới 20 nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Freescale Semiconductor, một hãng sản xuất chip lớn có liên quan đến rất nhiều công nghệ radar và công nghệ tàng hình chống radar.

Freescale Semiconductor là hãng chế tạo thiết bị vi xử lý, thiết bị cảm biến và nhiều sản phẩm công nghệ khác, có tuổi đời hơn 50 năm, trụ sở tại ở Austin, Texas (Mỹ). Freescale Semiconductor hiện có hơn 18.000 nhân viên trên toàn cầu. Trong đó có khoảng 3.000 người ở Malaysia và 4.000 ở Trung Quốc. Trước năm 2004, họ là công ty con của Motorola.

Theo ông Mitch Haws, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đầu tư và liên lạc toàn cầu của công ty cho biết, trong số 239 người trên chuyến bay MH370 có 20 nhân viên của Freescale. Họ là những nhân viên rất quan trọng, là những người có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật.

Còn phát ngôn viên Jacey Zuniga của Freescale Semiconductor cho biết: "Chúng tôi có một vài nhà máy tại Kuala Lumpur và Thiên Tân (Trung Quốc) và 20 nhân viên này làm việc ở đó". Theo bà, trong số 20 nhân viên của Freescale, có 12 người đến từ Malaysia và 8 người đến từ Trung Quốc, không có nhân viên người Mỹ nào.

Các nhân viên kỹ thuật này làm việc ở những bộ phận khác nhau và bay đến Trung Quốc để hỗ trợ khách hàng vận hành sản phẩm của hãng. "Mất đi 20 nhân viên kỹ thuật xuất sắc thực sự là một mất mát lớn cho công ty” - ông Haws nói.

Tuy nhiên, không có nhà điều hành cấp cao nào của Freescale có mặt trên chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia. Chiếc máy bay này đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng một giờ sau nó cất cánh từ Kuala Lumpur để bay tới Bắc Kinh hôm 8-3 vừa qua.

Trên chuyến bay MH370 có rất nhiều chuyên gia liên quan đến công nghệ tàng hình

Zuniga cho biết, tin tức về 20 nhân viên trên và chiếc máy bay bị mất tích đã khiến cả công ty rất lo lắng. Sau sự việc trên, Freescale Semiconductor đã thành lập một hội đồng cố vấn, để theo dõi tình hình, giải quyết những khó khăn về nhân sự và tiến hành công tác hỗ trợ gia đình những nhân viên bị nạn.

Theo báo chí Mỹ, trước khi máy bay MH 370 mất tích vài ngày, hôm 3-3, công ty công nghệ Freescale Semiconductor vừa công bố trên thị trường Mỹ một phát minh công nghệ cực kỳ quan trọng, có liên quan rất lớn đến lĩnh vực công nghệ tàng hình quân sự, chuẩn bị được đưa vào thử nghiệm trong thực tiễn.

Theo tiến sỹ George Eleftheriades, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Toronto của Canada, một vi mạch cực mạnh sử dụng trong hệ thống thiết bị tác chiến điện tử của công ty này có thể làm cho một chiếc máy bay không tàng hình trở thành “vô hình” trước các hệ thống radar, dù là tối tân nhất.

Ngoài ra, Freescale đã và đang tích cực phát triển các chíp điện tử cho radar quân sự. Hôm 3-3, cùng với vi mạch trên họ đã công bố 11 thiết bị điện tử mới để sử dụng trong “thông tin liên lạc radar và radio tần số cao (HF), tần số rất cao (VHF), tần số cực cao (UHF) và cả tần số thấp (LF) và tần số rất thấp (VLF).

Lúc này, báo chí Mỹ có thêm hướng suy đoán về khả năng chiếc máy bay mất tích này đã có thể được dùng làm “vật thí nghiệm” công nghệ tàng hình sử dụng kỹ thuật tác chiến điện tử hiện đại, giúp nó tránh được các loại radar của nhiều nước trong suốt hành trình bay dài hơn 6 tiếng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một hướng phán đoán nghe có vẻ hơi thiếu thực tế, còn hiện giờ máy bay đang ở đâu hoặc đã gặp tai nạn thì không ai giải thích nổi, kể cả thông báo của chính phủ Malaysia là phi công tự tử đâm máy bay xuống Ấn Độ Dương cũng có nhiều điểm bị các chuyên gia nghi ngờ là rất phi lý.