Chuyện bác sĩ "cắm chốt" bệnh viện 21 ngày chưa về nhà để "trực chiến" với virus Covid-19

ANTD.VN - Suốt 3 tuần liền kể từ mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhiều y, bác sĩ của viện này trực tiếp khám, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona (Covid-19) chưa một lần về nhà. Áp lực công việc nơi tuyến đầu điều trị người nhiễm bệnh dịch đã lớn, những áp lực vô hình mà họ phải đối mặt cũng không nhỏ… 

Chuyện bác sĩ "cắm chốt" bệnh viện 21 ngày chưa về nhà để "trực chiến" với virus Covid-19 ảnh 1Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (ngoài cùng, bên trái) đại diện khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận Bằng khen của Bộ Y tế

Người bệnh trút bức xúc, người ngoài viện cũng kỳ thị

Ngày 3 bệnh nhân người Vĩnh Phúc nhiễm virus Covid-19 đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được xuất viện, thật trùng hợp cũng là ngày mà cơ sở này chuẩn bị để tiếp đón 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán cùng các thành viên trong đoàn bay đi đón 30 công dân này từ Trung Quốc trở về vào cách ly 14 ngày theo quy định. Tranh thủ trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trước cửa buồng bệnh cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19, tôi hỏi: “Từ khi có dịch bệnh, đã bao lâu rồi anh chưa về nhà?”. “Từ mùng 2 Tết” - vị bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu trả lời. 

Từ mùng 2 Tết - tính tại thời điểm tôi hỏi chuyện là 2 tuần, và cuối tuần vừa qua khi tôi điện hỏi thăm, tròn 3 tuần, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp xác nhận vẫn đang “cắm chốt” ở bệnh viện. Một số y bác sĩ khác của khoa Cấp cứu, những người trực tiếp khám chữa, chăm sóc bệnh nhân dương tính với virus Covid-19 cũng chung cảnh ngộ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể, căn cứ vào tình hình dịch bệnh do virus Corona chủng mới tại Trung Quốc, ngay từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 1 tuần, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở tuyến đầu về điều trị các bệnh truyền nhiễm đã lệnh cho toàn thể cán bộ nhân viên không được rời bệnh viện quá 50km và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập. Nhiều y, bác sĩ ở xa đã không thể đoàn tụ với gia đình, tất cả những kế hoạch dự trù cho kỳ nghỉ Tết như về quê, đi du lịch… đều phải hủy bỏ để sẵn sàng “trực chiến” với dịch.

Những nhóm bệnh nhân đầu tiên được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi Covid-19 là những người, đoàn người từ Trung Quốc về Việt Nam đón Tết, hoặc người Việt, người nước ngoài đi du lịch ở Trung Quốc hay quá cảnh tại Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Việc đáp ứng các nhu cầu của các trường hợp này khá phức tạp. “Văn hóa của người phương Tây khác người châu Á, văn hóa sinh hoạt của người Trung Quốc cũng khác người Việt, trong khi đúng dịp Tết nên việc huy động các dịch vụ như thức ăn, chỗ ở, vệ sinh… đều khó khăn. Có những người bị cách ly rất bức xúc, họ trút hết bức xúc nên nhân viên y tế. Thậm chí có những người đi từ vùng dịch về vào xét nghiệm, khi được yêu cầu phải ở lại viện cách ly 14 ngày thì họ nổi giận, cãi vã, kiên quyết đòi về, y bác sĩ ngoài việc phổ biến quy định còn phải vận động, thuyết phục” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể.

Rồi có những bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus Covid-19 điều trị tại viện, các công đoạn phòng chống dịch càng được đẩy lên cao hơn. “Các bệnh nhân dương tính với virus Covid-19 được cách ly tại phòng điều trị nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có bác sĩ và nhân viên y tế hàng ngày có mặt để thăm khám, chăm sóc, chuyển thức ăn… Nhất là bác sĩ làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm hàng ngày phải cúi sát vào miệng bệnh nhân để lấy dịch phết hầu họng. Thế nên việc áp dụng các biện pháp để tự phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện là rất quan trọng, những người tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm hay dương tính với virus Covid-19 đều phải tuân thủ quy định an toàn nghiêm ngặt” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói rồi chỉ tay về phía một nam bác sĩ phía sau anh, người vẫn đang mặc nguyên bộ đồ bảo hộ màu xanh, khẩu trang kín mít và đứng cách tôi chỉ chừng 2m.

Quy trình đảm bảo an toàn nghiêm ngặt là gì? Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp dẫn chứng: Nhân viên y tế khi vào phòng cách ly tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ bịt kín mít với 2 lớp găng tay không được cởi ra trong suốt 3-4 giờ liền. Cảm giác “đóng hộp” như vậy không chỉ khó chịu, bí bách mà mồ hôi ướt sũng cũng không được đưa tay lau, gãi mũi, không được sờ mặt, hạn chế nói chuyện, không được đi vệ sinh suốt 3-4 tiếng đồng hồ… “Cả 3 bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 được chữa khỏi tại bệnh viện chúng tôi đều có tình trạng bệnh nhẹ, điều trị không khó, khó khăn lớn nhất là đảm bảo an toàn để không lây nhiễm trong bệnh viện” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin.

Áp lực từ công việc đã như vậy, những áp lực vô hình khác mà các y bác sĩ phải đối mặt cũng không hề nhỏ. Thậm chí có một nữ y tá của viện dù chỉ làm việc ở “vòng ngoài”, tức không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 nhưng khi trở về xóm trọ bị cả xóm kỳ thị, lảng tránh vì sợ lây bệnh. Thế là nhiều nhân viên y tế phải chấp nhận chọn bệnh viện là nhà lưu trú, bệnh viện cũng phải bố trí một ký túc xá tạm để nhân viên ở lại.

Chuyện bác sĩ "cắm chốt" bệnh viện 21 ngày chưa về nhà để "trực chiến" với virus Covid-19 ảnh 2Ba bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được xuất viện

Nói “không sợ” thì không phải, cũng không nên dùng từ “hy sinh”

“Vậy tôi hỏi thật, tiếp xúc, thăm khám trực tiếp cho người bệnh như vậy, bản thân anh có lo sợ bị lây bệnh không?”. “Đương nhiên là lo chứ, làm gì có ai mà không lo” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trả lời câu hỏi của tôi một cách hết sức thẳng thắn. Nhưng vị bác sĩ này cũng chia sẻ, nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, anh đã quen với điều này. Còn với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Thời gian đầu khi dịch bùng phát, nhiều người dân tỏ ra hoảng loạn quá mức, nỗi lo sợ ấy còn được những kẻ “bất lương” đơm đặt, tung tin giả, vô căn cứ trên mạng xã hội càng tạo nên một gánh nặng cho đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu ở tuyến đầu.

“Đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn đang kiên cường chống dịch. Tuy nhiên nhóm phụ trợ như nhân viên dọn vệ sinh, nhân viên bảo vệ bệnh viện thì một số đã dao động. Một số nhân viên vệ sinh đã nghỉ việc khiến cán bộ y tế phải kiêm luôn việc dọn dẹp, trong khi nhiệm vụ chuyên môn đã chồng chất” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Đồng hành cùng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp suốt thời gian dịch virus Covid-19 đe dọa vừa qua, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã trải qua 3 tuần chưa về nhà để “trực chiến” tại bệnh viện. Khi được hỏi: “Anh có sợ không?”, vị bác sĩ này cũng thẳng thắn trả lời: “Sợ chứ. Không thể không sợ. Chắc chắn rồi, đó là tâm lý chung”. Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, virus Corona (Covid-19) đang hoành hành là chủng virus hoàn toàn mới, số mắc tăng nhanh, số tử vong cũng nhiều nên không thể không sợ, song khi đã hiểu về nó thì sẽ không hoang mang. “Dù đây là lần đầu tiên tiếp cận virus này nhưng cơ chế lây bệnh, nguồn gốc, cấu trúc của nó, chúng tôi đã cập nhật ngay khi có những bài báo chuyên ngành truyền nhiễm đầu tiên trên thế giới. Sợ thì có sợ, nhưng chúng tôi không hoang mang” - bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ.

Cũng trong câu chuyện của mình, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mong báo chí, dư luận đừng gọi họ là những “người hùng”, hay dùng từ “hy sinh”, bởi với họ đơn giản đây là công việc mà họ đã lựa chọn, là trách nhiệm với nghề nghiệp của mình và là bổn phận của người bác sĩ với người bệnh, với cộng đồng. “Dịch làm cuộc sống của ai cũng đảo lộn. Nhiều y bác sĩ chúng tôi ở viện không về nhà một phần không muốn làm đảo lộn, phức tạp thêm cuộc sống của gia đình” - bác sĩ Thân Mạnh Hùng bộc bạch. Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì cho rằng, cả ngành Y tế, cả hệ thống chính trị, cả xã hội đều đang nỗ lực hết mức để đẩy lùi dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, tất cả đều hy vọng sẽ sớm khống chế thành công dịch bệnh này và không có mất mát về người.

Chuyện bác sĩ "cắm chốt" bệnh viện 21 ngày chưa về nhà để "trực chiến" với virus Covid-19 ảnh 3Bác sĩ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 tại phòng cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Có thêm 2 ca nghi mắc Covid-19 ở quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân 

8h sáng 16-2, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Toàn thành phố chỉ còn 2 trường hợp nghi ngờ mắc viêm phổi cấp do virus   Corona (Covid-19) và không có ca nghi mới so với 1 ngày trước đó (15-2). Tuy nhiên, đến chiều 16-2, báo cáo cập nhật từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong ngày 16-2 đã ghi nhận 2 ca nghi ngờ mắc Covid-19 tại quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, nâng tổng số ca bệnh nghi ngờ phải cách ly, theo dõi chặt chẽ lên 4 trường hợp.