Chuyện ăn nhậu

(ANTĐ) - Có lẽ, không đất nước nào mà “phong trào” ăn nhậu lại phổ biến như Việt Nam, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chuyện ăn nhậu

(ANTĐ) - Có lẽ, không đất nước nào mà “phong trào” ăn nhậu lại phổ biến như Việt Nam, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, có thể kể ra không ít những khu phố đã trở thành “điểm hẹn” quen thuộc cho “giới” ăn uống, nhậu nhẹt như khu vực “bia bọt” tại phố Tăng Bạt Hổ, đường Hoàng Quốc Việt; khu vực lẩu đêm Phùng Hưng, Trần Phú; khu vực tập trung nhiều quán ăn nhậu như Cấm Chỉ, Tô Hiến Thành... Hầu như đường phố, ngõ, ngách nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy quán nhậu.

Bất kể ngày làm việc hay ngày nghỉ, các quán bia, quán nhậu này luôn chật kín khách, nhất là khi chiều đến. Mặc dù chưa có một cuộc thống kê chính thức nào, nhưng bằng mắt thấy, tai nghe những câu chuyện trên bàn nhậu thì có thể dễ dàng nhận thấy, giới công chức, doanh nhân chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Còn trước đó, nếu “ghi nhanh” không khí cuối giờ làm việc tại nhiều cơ quan, công sở, thì một tỷ lệ đáng kể các cuộc điện thoại là được dành để “hẹn hò” nhậu nhẹt. Không hiếm khi có những việc được làm cho qua quýt hoặc để lùi lại hôm sau để cho “kịp” giờ đi nhậu. Một trong những lý do “cửa miệng” là nhậu để mở rộng quan hệ, để tính chuyện hợp tác, làm ăn...

Nhưng nếu lắng nghe những câu chuyện trên bàn nhậu thì chủ đề liên quan đến công việc, kinh doanh chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn chủ yếu là chuyện trên trời dưới bể, cũng có khi là nói chuyện xấu về sếp, chê bai đồng nghiệp, phàn nàn về vợ con...

Có thể xem đây là một nghịch lý đáng ngại, khi mà tại tất cả các nước phát triển, có thu nhập theo đầu người ở mức cao thì hầu hết người dân đều  phải làm việc khá vất vả và có rất ít thời gian cho chuyện ăn nhậu trong khi một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là tại khu vực thành thị của Việt Nam lại tiêu tốn một khoản thời gian, tiền bạc đáng kể cho chuyện chén chú chén anh. Bên cạnh việc lãng phí thời gian, của cải, trong nhiều trường hợp, chuyện ăn nhậu quá đà còn kéo theo những hệ lụy xấu cho cả gia đình và xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, Việt Nam phải có sự nỗ lực rất lớn, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc thay đổi những thói quen xấu, có ý nghĩa rất quan trọng mà việc bia bọt, nhậu nhẹt quá đà cũng có thể được xếp vào “danh sách”.

Thảo Nguyên