Chuyện 5 gia đình người Hre hiến tặng gần 40.000m2 đất

ANTĐ - Sau hơn 10 năm sống trong phập phồng vì nứt núi, gần 150 nhân khẩu của tổ Làng Dều (Thôn Làng Mâm, Xã Ba Bích, Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) sắp sửa được chuyển ra nơi ở mới, cao ráo và an toàn hơn. Càng cảm động hơn khi mặt bằng tái định cư rộng gần 40.000 m2 lại chính là đất do 5 gia đình người Hre ở thôn làng Mâm hiến tặng.
"Đất" nghĩa tình
Mỗi mùa mưa lũ về, những vết nứt trên núi Gò Pót cứ lớn dần lên kéo theo đất đá sạt lở đổ ập xuống những căn nhà sàn xiêu vẹo dưới chân núi. Vì thế, đối với người dân nơi đây, mùa mưa chính là mùa di trú. Lở núi thì khăn gói chạy sang xóm bên, tạnh mưa lại chạy về dựng lại nhà cửa. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại suốt mấy năm ròng. “Lắm lúc mình cũng muốn chuyển đi, chứ sợ lắm. Nhiều hôm nằm ngủ mà cứ sợ đá đè. Nhưng chẳng biết làm gì hơn. Vì gia đình mình nghèo lắm. Chỉ mong đủ cái ăn là vui rồi, chứ nói gì đến chuyện đi chỗ khác mua đất, dựng nhà”, bà Phạm Thị Lành - một hộ dân sống ở khu vực nứt núi tâm sự.

Cảm thông trước nỗi cơ cực của những người sống ở tổ làng Dều, 5 hộ dân trong thôn đã tình nguyện hiến đất làm mặt bằng tái định cư để người Làng Dều được di dời ra nơi ở mới. Trong 5 gia đình hiến đất, người hiến nhiều nhất là ông Phạm Văn Mao với tổng diện tích gần 15.000 m2, hộ hiến ít nhất, diện tích đất  cũng lên đến con số 6.000 m2. 

Chuyện 5 gia đình người Hre hiến tặng gần 40.000m2 đất ảnh 1
Khu tái định cư thôn làng Mâm, xã Ba Bích đang được gấp rút
thi công để người dân trong khu vực nứt núi nhanh chóng có nơi ở mới



Đến thăm lần lượt các gia đình người Hrê hăng hái tham gia hiến đất, mới thấy được cái nghĩa tình sâu đậm của những tấm lòng cao cả này. Được biết, cả 5 hộ tham gia hiến đất đều thuộc diện hộ nghèo của xã Ba Bích, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng đang cấy dở cùng dăm con heo nuôi thả rông. Thế nhưng khi nghe thông tin cần mặt bằng xây dựng khu tái định cư cho người làng Dều, ai nấy đều tự giác xin được tặng đất: “Cùng là người "đồng mình" cả mà, uống nước chung một con suối, làm lúa chung một rẫy, nó sống khổ, thì mình cũng chẳng vui”, ông Phạm Văn Mao chia sẻ lí do hiến đất bằng tiếng Kinh bập bẹ.

Hăm hở tham gia hiến tặng gần như toàn bộ đất của gia đình, cụ Phạm Văn Ghi, một già làng với hơn 80 tuổi đời mỉm cười hồn hậu : “ Ngày nào tôi cũng ngồi ở nhà sàn, nhìn lên chỗ người ta đang san ủi mà cái bụng tôi mừng lắm vì bà con sắp có chỗ ở mới rồi”. Cụ bộc bạch rằng chỗ đang san ủi bây giờ chính là mấy sào ruộng của cụ ngày trước. Tuổi già, sức yếu, chân lại bị đau còn hai mắt mờ dần vì tuổi tác, thế nhưng cụ Ghi vẫn không ngần ngại hiến gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất. Chỉ cho chúng tôi xem khoảnh lúa nhỏ xíu nằm ngay bên cạnh nhà sàn, cụ Ghi tâm sự: “Hiến đất xong, nhà tôi còn giữ lại bấy nhiêu để “dằn” bụng. Chứ vợ chồng tôi già rồi, sống bao lâu, ăn bao nhiêu đâu. Chỉ mong lũ trẻ có chỗ ở mới, yên tâm hơn, khỏi phải chạy đi xin ở nhờ mỗi khi mưa gió nữa”.

Niềm vui an cư

Những ngày này, công trình xây dựng mặt bằng tái định cư cho các hộ dân khu vực nứt núi tổ Làng Dều đang  được gấp rút thi công đề mọi người  nhanh chóng được về nơi ở mới. 

Từ ngày biết tin sắp được chuyển ra nơi ở mới, bà con tổ Làng Dều ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui được an cư, hạnh phúc như ánh lên trong đôi mắt mỗi người. Chị Phạm Thị Linh xúc động trải lòng: “Chuẩn bị được chuyển ra nơi ở mới rồi. Thế là từ nay, chúng tôi được ngủ ngon và yên tâm chăm lo sản xuất, không phải giật mình giữa đêm rồi chạy trong mưa để đi lánh nạn nữa”.

Cảm kích trước tấm lòng của 5 hộ dân cùng thôn dành cho mình, anh Phạm Văn Đền bộc bạch: “Mỗi lần trời mưa to, sợ lở núi là nhà tôi lại chạy qua nhà bác Ghi, anh Mao…để xin trú nhờ. Mấy nhà bên ấy cũng nhà sàn, cũng ăn cơm với mắm như chúng tôi. Vậy mà giờ họ lại tự "cắt" đi mảnh đất trồng lúa, trồng sắn để chúng tôi có được nơi ở mới. Chúng tôi chẳng biết phải cảm ơn bao nhiêu cho đủ”.

Theo bà Lê Thị Trâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Bích: “Trước đây, việc di dời hơn 40 hộ dân tổ Làng Dều (thuộc thôn Làng Mâm) nằm trong khu vực nứt núi là một vấn đề nan giải vì chính quyền địa phương chưa tìm được mặt bằng tái định cư. Vì thế, khi 5 hộ dân trong thôn tự nguyện tham gia hiến đất với tổng diện tích lên đến 36.362m2, địa phương chúng tôi nhanh chóng trình lên cấp trên để xúc tiến ngay việc giải phóng, thi công công trình tái định cư”. Cũng theo bà Trâm, 5 hộ dân tham gia hiến đất với diện tích lên đến con số hàng chục nghìn m2 này đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Vì thế, hành động chia sẻ vì cộng đồng của họ là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của những người đồng bào nghèo nơi rẻo cao.