"Chụp ảnh linh hồn người âm” là trò lừa bịp ?!

ANTĐ - Một bạn đọc đã gửi bài tới báo ANTĐ cho rằng, những bức ảnh chụp được linh hồn người âm là trò lừa bịp.

LTS: Sau khi An ninh Thủ đô đăng bài Có chụp được ảnh “người âm”?” bạn đọc Mai Sỹ Xuân Lâm đã gửi đến một bài viết dài, phân tích khá kỹ lưỡng chuyện này. Đây là vấn đề nhạy cảm, tác động rất lớn về an ninh trật tự xã hội trong thời gian qua. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài viết này như một sự trao đổi nhằm làm rõ một vấn đề nhạy cảm, tránh để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan. Qua trao đổi với An ninh Thủ đô, Mai Sỹ Xuân Lâm cho biết, sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi để trao đổi, làm rõ hơn vấn đề này.

Sau khi đọc bài báo “Có chụp được ảnh “người âm”?” trên An ninh Thủ đô, tôi khá "sốc", không phải vì bất ngờ về một máy chụp hình bình thường có thể chụp được “người âm” mà vì một người có nghiên cứu lâu năm về vấn đề này lại gọi những đốm sáng tròn lập lòe là linh hồn người đã khuất, hay còn gọi là “người âm”.

Tôi đã tìm lại vài bài báo cũ trên nhiều trang mạng khác nhau nói về đề tài này, như bài nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và những tấm ảnh “ma” trên báo Đất Việt ngày 15/5/2010.

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng đốm sáng trên (khoanh đỏ)
là linh hồn “người âm” sáng hơn pháo hoa và nằm sau tán cây
.

Tác giả Mai Sỹ Xuân Lâm, SN 1985, ở tại Q.8 Tp. HCM, đã từng đoạt Giải nhất nhà sáng tạo trẻ lần thứ 15 do báo Mực Tím tổ chức năm 2004-2005, Giải khuyến khích sáng tạo khoa học kỹ thuật Bình Dương lần 1 năm 2004 – 2005, Giải khuyến khích "Ý tưởng xanh 2009".

Tìm trên các diễn đàn, tôi cũng tìm được rất nhiều lời phản bác, những đốm sáng này chỉ là bụi hay nước dính trên ống kính máy chụp hình… Những độc giả này đã đưa ra dẫn chứng những đốm sáng này xuất hiện là do nước là có phần chính xác là do 3 nguyên nhân: Nước, sương đọng trên thấu kính (ống kính) máy chụp hình; Nước rơi tự do trong không trung; Nước bám trên bề mặt kính (mắt kính đeo mắt, kính cửa sổ…)

Tôi viết bài này để mô tả sự hình thành của những đốm sáng này, từ đó giúp cho mọi người hiểu được một phần nào đó về hiện tượng quang học thú vị này. Sự thật về những đốm sáng này chẳng qua là một hiện tượng quang học rất bình thường khi có đủ 3 yếu tố sau: Nước, sương (giọt nước liti từ cực nhỏ đến lớn như hạt mưa); Kính (gương), hoặc thấu kính; Ánh sáng, chứ không phải là linh hồn của người âm.

Để làm tái hiện những đốm sáng trên. Trước tiên, chúng ta cần có những giọt nước bám trên bề mặt kính (hoặc thấu kính máy chụp hình), điều kiện ánh sáng như hình bên dưới.

 

Giọt nước bám trên kính và ánh đèn phía xa

Khi điều chỉnh ống kính máy chụp hình ra xa khỏi cảm biến ảnh (điều chỉnh tiêu cự), ở góc độ nào đó ta sẽ làm nhòe giọt nước thành một đốm sáng nhỏ mờ ảo. Tiếp tục chỉnh tiêu cự, ta sẽ dần phóng to đốm sáng đó lên. Xem hình bên dưới.

Tùy vào góc độ của máy ảnh với giọt nước sẽ cho ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau và độ nhòe của giọt nước cũng khác nhau. Trong hình, những đốm sáng to màu trắng và màu vàng là một hình phản chiếu của 1 giọt nước khác trong không trung bị đèn xe, hoặc đèn quảng cáo phản chiếu vào gương, đi qua thấu kính và đến cảm biến ảnh của máy chụp hình.

"Chụp ảnh linh hồn người âm” là trò lừa bịp ?! ảnh 4

Tương tự, chúng ta có nhiều đốm sáng khác nhau, và nhiều màu sắc khác nhau do phản chiếu của nhiều ánh đèn màu khác nhau.

Ngày 21-12, báo Tuổi trẻ có đăng bài diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại khu phức hợp thương mại và văn phòng cho thuê Vĩnh Trung Plaza, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng. Trong đó có hai bức ảnh:

 "Chụp ảnh linh hồn người âm” là trò lừa bịp ?! ảnh 5

 Xe chữa cháy được huy động để dập tắt đám cháy - Ảnh: Nhân Tâm Hai xe thang được huy động để đưa người bị thương xuống nhanh - Ảnh: Nhân Tâm

Xe chữa cháy được huy động để dập tắt đám cháy - Ảnh: Nhân Tâm

Hai xe thang được huy động để đưa người bị thương xuống nhanh - Ảnh: Nhân Tâm 

Quan sát 2 hình trên cho thấy, các giọt nước mưa đã phản chiếu ánh sáng đèn đường, đèn flash vào hệ thấu kính của máy chụp hình và đến cảm biến ảnh. Các giọt nước mưa đã bị nhòe đi cứ như là các bông tuyết, nhưng tất nhiên đó không phải là linh hồn “người âm”!

Sự thật đây chỉ là những đốm sáng nhỏ, vậy để phóng to những đốm sáng này lên để giống với những gì người ta gọi là "linh hồn người âm" thì ta phải làm sao?

Đón đọc kỳ 2: Cách tạo "linh hồn người âm"
Theo tác giả Mai Sỹ Xuân Lâm, chuyện "tạo linh hồn người âm" chả có gì khó, bởi đó là câu chuyện của nước, ánh sáng và thấu kính.