“Chụp ảnh” bằng ý nghĩ

ANTĐ - Ted Serios tập trung hoặc hướng ý nghĩ vào một vật nào đấy, chẳng hạn như chiếc xe Volkswagen. Khi đã có hình ảnh chiếc xe thật rõ nét trong óc, một máy ảnh Polaroid (loại máy chụp lấy ngay) hướng vào đầu ông và khi ông ra dấu, người ta sẽ bấm nút chụp. Trên phim hiện ra ảnh của chiếc Volkswagen y như lúc ông nhìn. Đây là khả năng cực hiếm có thể chuyển hình ảnh có trong ý nghĩ lên phim chụp ảnh. Tiến sĩ tâm thần học Jule Eisenbud đã nghiên cứu khả năng của Serios trong suốt nhiều năm và đã đăng trong quyển Thế giới của Ted Serios.

Những bức ảnh được xuất từ ý nghĩ

Nếu chỉ ngắm 60 tác phẩm của Ted Serios tại Triển lãm UMBC mà chưa đọc lời ghi chú phía dưới, chắc chắn mỗi người sẽ có một sự liên tưởng thú vị khác nhau. Thậm chí dù tập trung cao độ đến mấy cũng ít ai hiểu được tác giả đã “nhào nặn” thế nào với hình ảnh để cho ra đời những bức tranh độc đáo trên. Chỉ biết rằng tất cả đều không được chụp lại dựa trên những kỹ thuật nhiếp ảnh thông thường: tốc độ, khẩu độ, hoặc sử dụng đến kỹ xảo chỉnh sửa hay lắp ghép từ công nghệ máy tính, mà đó là sản phẩm chụp từ ý nghĩ của Ted Serios. Ban đầu nghe, hầu hết mọi người đều cho rằng, đó là một khả năng không tưởng, chỉ là trò ảo thuật. Nhưng sự thực thì khả năng đó có thật.

Quá trình chụp ảnh theo cách thức độc đáo của Serios dĩ nhiên là phức tạp hơn nhiều so với cách chụp hình bằng máy. Thời gian hoàn thành một bức ảnh cũng gấp tới hơn 10 lần so với thời gian chụp bằng máy ảnh thông thường. Sản phẩm ảnh chụp của Serios chỉ ra 2 loại màu bất di bất dịch: đen và trắng (dù chiếc máy ảnh Polaroid có thể chụp các màu). Và đặc thù của những bức ảnh này là: điểm sáng của vật thường bị nhòe, trên toàn bức ảnh xuất hiện nhiều đường nhỏ li ti chạy qua - dọc khác nhau; những vùng tối bao quanh viền phim cả ảnh. Trong một vài trường hợp, hình ảnh xuất hiện bị bóp méo, hoặc có sự thay đổi địa điểm so với thực tế…

“Những bức ảnh tâm thần”?

James Randi, nhà ảo thuật khi nghe đến khả năng kỳ lạ của Serios đã mày mò tìm đến và đặc biệt quan tâm tìm hiểu. Randi cho rằng: Serios đang sử dụng một phương pháp lừa, nếu không tất cả các quy tắc của vật lý, đặc biệt là về quang học và tất cả mọi thứ đã được khoa học chỉ ra, chứng minh trong nhiều thế kỷ qua là… không đúng. Khi ấy, các nhà khoa học chắc chắn phải nghiên cứu sâu trường hợp của Serios và viết lại phần nhiều các cơ sở khoa học đã được chứng minh trước đó để thích ứng với ý kiến của Eisenbud.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí New Scientist có tiêu đề “Chance of a Lifetime”, một cuộc phỏng vấn giữa các nhà toán học nổi tiếng và nhà ảo thuật Persi Diaconis. Trong cuộc phỏng vấn, Persi đã yêu cầu nhà toán học Martin Gardner ghi lại những chi tiết khác thường trong tiết mục biểu diễn nghệ thuật chụp ảnh bằng ý nghĩ siêu đẳng của Ted Serios. Màn biểu diễn này được quay chụp dưới dạng một video. 

Trước đó, vào năm 1962 tại Nhật Bản, giáo sư tâm lý học Tomokishi Fukurai ở Đại học Tokyo đã ghi nhận trường hợp của một phụ nữ “có thể chuyển tải các hình ảnh đặc thù, thông thường là những hình kỷ hà hay chữ viết Nhật Bản lên các phim chụp ảnh”. Bà ấy không dùng máy ảnh và tấm phim mục tiêu được đặt giữa nhiều phim khác. Bà ấy luôn in được ảnh lên tấm phim mục tiêu, còn những phim khác vẫn nguyên vẹn.

Một câu chuyện khó tin đã được nhiều người biết đến từ cuối thế kỷ 19. Chuyện xảy ra với họa sĩ mê chụp ảnh Pie Buse người Pháp. Một buổi chiều, ông uống rượu say và ngủ ngay trong phòng làm ảnh. Ông mơ thấy hàng đoàn súc vật lạ, hình dáng kỳ quái, mắt xanh, đuổi theo ông. Sáng hôm sau, khi tráng các cuộn phim mới chụp, ông vô cùng ngạc nhiên thấy trên một số tấm phim xuất hiện hình ảnh những con vật kỳ lạ mà ông mơ thấy đêm trước, sự trùng khít đến khó tả. Ông đã kể lại cho người bạn thân của mình là Emilo Sapilo - nhà nghiên cứu tự nhiên học nổi tiếng thời đó nghe. Ông Sapilo liền mang những tấm phim có hình ảnh lạ ấy đến phân tích và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Không lâu sau, bài báo đầu tiên nói về “những bức ảnh tâm thần” và các tia kỳ lạ phát ra từ đôi mắt của con người được công bố, làm “náo loạn” quan điểm, cách nghĩ của con người.

Từ khi bài báo kỳ lạ đó được công bố thì ngay liền sau đó liên tiếp hàng loạt câu chuyện ly kỳ khác về sức mạnh của ánh mắt được đăng tải trên các báo. Hóa ra, không chỉ có họa sĩ Pie Buse mà nhiều thợ ảnh ở Vowrrionhet, Permi, Calinin cũng đã từng “chụp” được những bức ảnh mà trên thực tế hoàn toàn không tồn tại như cảnh tượng về chiến tranh, con tàu của người ngoài hành tinh... theo cách tương tự. Nổi tiếng nhất trong loạt hiện tượng này phải kể đến một thủy thủ người Tây Ban Nha tên là Tet Xerios. Năm 1963, trước sự giám sát của một ủy ban đặc biệt với nhiều nhà khoa học danh tiếng, Xerios đã chứng minh cho mọi người thấy là mình không chỉ có khả năng dùng ánh mắt để làm hỏng phim ảnh mà còn có thể ghi lại được các hình ảnh mình tưởng tượng trong đầu lên phim.

Lúc đầu, người ta chỉ coi đó là ảo ảnh, là ảo giác, hay là hậu quả của chứng ám ảnh về một hiện tượng, sự việc quá lâu. Những người đó bị mắc chứng rối loạn tâm thần. Nhưng về sau, những hiện tượng như vậy được ghi lại ngày càng nhiều, xảy ra với những con người hoàn toàn khỏe mạnh về tâm thần. Do đó, đã khiến cho giới khoa học quan tâm lưu ý.

Là khả năng phản hồi các tia xạ của mắt?

Theo tiến sĩ sinh học Grant Demirchoglian - Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, những công trình nghiên cứu mới đây nhất của ngành nhãn khoa đều chứng tỏ rằng: con mắt cũng như bất kỳ một hệ thống quang điện tử nào không những có thể thu nhận mà còn phát xạ các tín hiệu khác nhau. Bởi vì theo kiến thức  y khoa thì bản thân cấu tạo của nhãn cầu và võng mạc mắt cũng gợi cho người ta liên tưởng tới một chiếc gương parabol có khả năng phản hồi các tia xạ. Các tia phát xạ phản hồi từ mắt là loại sóng ngắn nên có tác dụng xuyên thấu tựa như tia rơn-ghen hay laser. Nó có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương, cũng như hoạt động của toàn bộ cơ thể. Trên tròng đen của mắt có những điểm chịu trách nhiệm về hoạt động của tất cả các cơ quan bên trong. Nếu phóng một tia laser hẹp vào một khu vực nào đó của tròng đen, chẳng hạn vào khu vực của tim, có thể làm tim ngừng đập. Những nhà Yoga đã từng biểu diễn khả năng uốn cong một vật bằng “nhãn lực” khi nhìn chăm chú vào nó. Nếu có thể chứng minh được các tia phát xạ từ mắt cũng có bản chất tương tự như tia laser, chúng ta có thể tin được về sự tồn tại của các nhân vật trong các truyện viễn tưởng có khả năng tiêu diệt hay đốt cháy kẻ thù chỉ bằng cái nhìn!

Để có thể khám phá bí mật sức mạnh của cái nhìn, tiến sĩ Gion Prat và nhà vật lý học Airon Stevenson thuộc Đại học Tổng hợp Devengerxki (bang Corolado, Mỹ) đã tiến hành khoảng 800 thí nghiệm. Kết quả là các ông đã phát hiện tới 90% trường hợp trong số những người được thí nghiệm có khả năng dùng mắt phát ra các bức xạ kỳ lạ mang năng lượng sinh học. Những bức xạ ấy nếu nằm trong dải sóng milimet với tần số cực cao thì có thể gây tác động vật lý lên mọi vật xung quanh tạo nên những hệ quả rõ rệt. 

Như vậy, những người có thể “chụp” được những bức ảnh bằng ánh mắt như trường hợp của Ted Serios không hẳn là huyễn hoặc, là lừa bịp. Tuy nhiên, vì tính chất ly kỳ của nó mà vẫn khiến các nhà khoa học lao tâm khổ tứ, cố gắng đưa ra những lời giải xác thực, khách quan hơn.