Chương trình nghệ thuật truyền thống “Hồn Việt”: Chỉ 5% vé dành cho khách nội địa

ANTĐ - Trong khi các nhà hát ở Hà Nội đang loay hoay tìm cách hút khách đến với nghệ thuật truyền thống thì vừa qua, một êkíp sản xuất của TP.HCM đã mang tới Hà Nội một chương trình thuần Việt với tiêu chí khá bất ngờ: chỉ dành 5% số ghế cho khán giả nội địa, còn lại 95% dành cho khách nước ngoài.

“Hồn Việt” cạnh tranh cùng các nhà hát Thủ đô

Bí quyết nhà nghề 

Không quá mới mẻ về nội dung biểu diễn gồm nhiều tiết mục nghệ thuật dân tộc được chọn lọc nhưng “Hồn Việt” là một chương trình nghệ thuật truyền thống rất ăn khách tại TP.HCM. Điều này được minh chứng bởi lượng khách quốc tế mà chương trình đã phục vụ trong gần 2 năm lên tới 10 nghìn người. Nhưng điều đáng bàn ở đây là trong khi các nhà hát Thủ đô đã nhanh nhạy bắt kịp xu hướng đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch bằng việc xây dựng rất nhiều chương trình đậm tinh hoa văn hóa dân tộc nhưng lượng khách đến với mỗi đêm diễn thật quá ít ỏi. Nhà hát Tuồng Việt Nam đã từng hủy suất diễn nằm trong tour du lịch bởi chưa đủ 5 khách cho một đêm diễn. Hay giữa khán phòng rộng rãi của rạp Hồng Hà, các diễn viên thật chạnh lòng khi lượng khách quốc tế  chưa đầy một hàng ghế. 

Sự khác biệt lớn nhất giữa “Hồn Việt” và các chương trình do các nhà hát Thủ đô xây dựng là lượng khách quốc tế đến với chương trình. Hay đúng hơn, sức hấp dẫn của một chương trình bên cạnh nội dung còn là khâu quảng bá thương hiệu. Không có một Nhà hát cố định như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội… nhưng êkíp sản xuất của “Hồn Việt” đã thuê địa điểm biểu diễn cố định tại Nhà hát Lớn TP.HCM tạo thành một địa điểm văn hóa quen thuộc. Rồi việc treo những tấm banner bắt mắt ngay trước cửa Nhà hát Lớn TP.HCM cũng được coi là một lợi thế trong khâu marketing. Tất nhiên, nếu chỉ riêng 2 yếu tố này thì chưa thể tạo nên một thương hiệu “Hồn Việt” mà còn cần có những bí quyết “nhà nghề” mà bà Linh Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong artist không tiện chia sẻ. Chỉ biết rằng, tham vọng của nhà sản xuất là muốn vươn rộng tầm ảnh hưởng đến cả khu vực Hà Nội. 

Người nước ngoài xem là thích

Khi ra Hà Nội, “Hồn Việt” đã có đôi chút thay đổi nhưng về cơ bản, vẫn là một chương trình tổng hợp những nét đặc sắc của nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống. Không cần nghiên cứu thị hiếu khán giả Thủ đô, “Hồn Việt” chỉ cần đảm bảo được tiêu chí: qua chương trình, người nước ngoài sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt và người Việt Nam. Hơn nữa, ngay từ đầu chương trình không hướng đến khán giả trong nước bởi lý do rất đơn giản “Người Việt Nam đã quá quen thuộc với những làn điệu dân ca, những khúc đờn ca tài tử… nên phần nào thấy nhàm. Nhưng người nước ngoài, lần đầu tiên được tiếp xúc với nét văn hóa truyền thống của Việt Nam sẽ… thích ngay”. Nhà sản xuất không thể chạy theo thị hiếu của 5% khán giả mà bỏ bẵng đi lượng khán giả chủ lực của chương trình chiếm tới 95%. Chính vì thế, ngôn ngữ được sử dụng xuyên suốt của “Hồn Việt” là tiếng Anh.

Cũng bằng cách quảng bá đã tiến hành ở TP.HCM, “Hồn Việt” đến Hà Nội thực hiện chiến dịch marketing là thuê Nhà hát Lớn Hà Nội làm địa điểm biểu diễn cố định. Tuy chưa có một công ty nào ở phía Bắc đặt vé mua các suất biểu diễn nhưng bà Linh Huyền rất tin tưởng vào sự thành công của chương trình tại Hà Nội. Sự móc nối giữa các công ty du lịch TP.HCM với Hà Nội đảm bảo cho “Hồn Việt” không bị cảnh đìu hiu nhưng hơn cả là chương trình đã xây dựng được thương hiệu riêng đủ mạnh để đứng vững trong sự cạnh tranh quyết liệt về khai thác du lịch quốc tế giữa các nhà hát trên địa bàn Hà Nội. Sau ngày ra mắt, “Hồn Việt” sẽ biểu diễn định kỳ vào tối thứ hai hàng tuần tại Nhà hát Lớn Hà Nội và sẽ là một điểm dừng chân ấn tượng với du khách quốc tế khi đến Thủ đô.