Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên": Dấu ấn xúc động trong hành trình viết tiếp lịch sử của lực lượng Công an Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên" là chủ đề chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo thực hiện hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Sự kiện diễn ra vào tối 4-10-2024 tại khuôn viên trụ sở CATP Hà Nội, dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình ý nghĩa khắc ghi dấu mốc 60 năm ngày Bác Hồ về thăm lực lượng Công an Thủ đô.
Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng Ban Giám đốc CATP Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ tham dự chương trình

Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng Ban Giám đốc CATP Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ tham dự chương trình

Về phía Bộ Công an, chương trình có sự tham dự của Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị.

Đại diện lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội có sự tham dự của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Về phía đại biểu CATP Hà Nội có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cùng các đồng chí trong Đảng uỷ, Ban giám đốc CATP.

Đặc biệt chương trình còn ghi nhận sự có mặt của các đồng chí nguyên lãnh đạo CATP Hà Nội qua các thời kỳ, các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an Thủ đô từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và tiếp quản Thủ đô vào năm 1954. Cùng với đó là gần 800 cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác tại các đơn vị trong lực lượng Công an Hà Nội.

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại chương trình

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại chương trình

Thay mặt Ban Giám đốc CATP Hà Nội, phát biểu tại chương trình, Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội xúc động bày tỏ, Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một mốc son, đánh dấu thắng lợi huy hoàng của nhân dân Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Để làm nên chiến thắng đó, lực lượng Công an Hà Nội đã có những đóng góp vô cùng xứng đáng ngay từ những ngày đầu mùa Thu Tháng Tám năm 1945 và trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước ngày 10-10-1954, nhiều cán bộ Công an Hà Nội đã được phân công nhanh chóng tiếp cận nội thành đề chuẩn bị cho đại quân ta vào tiếp quản Thủ đô. Bằng sự kiên cường, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, lực lượng Công an Hà Nội đã ngăn chặn mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ các mục tiêu, vị trí quan trọng; chống đối tượng phản động cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.

Hoạt cảnh Toàn quốc kháng chiến
Hoạt cảnh Toàn quốc kháng chiến

Trong những ngày tháng 10 lịch sử năm ấy, các cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đã làm tốt công tác bảo vệ các lực lượng quân chính vào tiếp quản Thủ đô, trực tiếp tiến hành tiếp quản các nhiệm vụ các trụ sở cảnh sát, nhà tù, toà án… do thực dân Pháp để lại. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của một thành phố lớn sau ngày giải phóng cũng được Công an Hà Nội triển khai khẩn trương gấp rút, bảo đảm mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường, tình hình trị an được đảm bảo.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng bảo vệ công cuộc khôi phục kinh tế, góp phần phục vụ vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự ở Thủ đô, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 lần phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang", 31 đơn vị trực thuộc và 12 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", gần 3.300 lượt tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các hạng.

70 năm qua, trong chiến tranh cũng như hòa bình, bằng sự nỗ lực cố gắng, tinh thần hy sinh dũng cảm, lòng trung kiên son sắt, mỗi cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đã nối tiếp nhau xây dựng nên truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô anh hùng. Nhìn về quá khứ hào hùng đó, các thế cán bộ chiến sĩ của Công an Hà nội càng thêm tự hào, trân trọng những gì cha anh để lại, đồng thời cũng trăn trở suy nghĩ về những gì chưa làm được, đau đáu với những dự định để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Với mong muốn làm sống lại bức tranh lịch sử và những ký ức hào hùng cách đây 70 năm, "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên" được dàn dựng theo hình thức sử thi nghệ thuật, xâu chuỗi các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, phóng sự tài liệu...tái hiện quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Hà Nội gắn với mốc son Giải phóng Thủ đô và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn trong chương trình

Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn trong chương trình

Dòng chảy lịch sử đó bắt đầu từ những năm tháng hình thành các tổ chức tiền thân của Công an Hà Nội với điểm nhấn là những chiến công hiển hách như vụ án Ôn Như Hầu - chiến công tiêu biểu đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc đấu tranh chống sự liên kết giữa các thế lực đế quốc với nội phản, trực tiếp góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” trong những năm tháng hết sức cam go của sự nghiệp Cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám.

Là dấu mốc Thu Đông năm 1947 khi địch mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, lực lượng Công an Hà Nội đã lên đường đi theo tiếng gọi của non sông, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cam go từ chống do thám, gián điệp đến đấu tranh chống lực lượng tình báo địch. Là chiến công của tổ điệp báo A13 đánh đắm tàu hải quân Pháp, giáng đòn mạnh vào ý chí xâm lược của kẻ địch. Trong đó, điệp viên Nguyễn Thị Lợi của Công an Hà Nội trong vai đã tình nguyện cảm tử để thực hiện đến cùng nhiệm vụ thiêng liêng được giao....

Cũng trong cuộc hành trình trở về với lịch sử năm xưa, tư liệu xúc động về hình ảnh và giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trở thành lời hịch non sông, hiệu triệu quân và dân cả nước vùng lên chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Với tinh thần ấy, lực lượng Công an Hà Nội cũng đã quyết liệt đấu tranh với các thế lực thù địch trong và ngoài nước, góp phần tạo nên những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc.

Các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu lịch sử của 70 năm trước

Các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu lịch sử của 70 năm trước

Xúc động nhớ lại những ngày tháng Mười lịch sử cách đây 70 năm khi tiến về tiếp quản Thủ đô, đồng chí Trần Đức Thành - nguyên cán bộ Công an Hà Nội chia sẻ, năm ấy trong không khí rộn rã tưng bừng của ngày giải phóng, lực lượng Công an vẫn không quên nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, không chỉ đấu tranh với các thế lực gián điệp, phản động, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và những tàn dư hệ lụy mà quân địch để lại...và điểm nhấn là chuyên án C30 chống phản gián.

Cũng trong vòng 1 tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội đã nhanh chóng ổn định trật tự, triển khai đồng bộ công tác hộ khẩu cho người dân toàn thành phố và từng bước tái thiết đời sống mới cho người dân.

Chương trình có sự tham dự của đông đảo CBCS Công an Thủ đô
Chương trình có sự tham dự của đông đảo CBCS Công an Thủ đô

Một cựu cán bộ lão thành khác của Công an Hà Nội - đồng chí Lê Nguyên Diệu thì không thể nào quên hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, cả rừng người ùa ra ôm chặt đoàn quân giải phóng, hô vang tên Bác, hoan hô chiến sĩ trở về. Sự trở về ấy đã được đánh đổi bằng xương máu và nước mắt để rồi những người chiến sĩ Công an Hà Nội đã dần tích lũy các biện pháp nghiệp vụ quý báu trên hành trình tiếp theo giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Những cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội của 70 năm trước, giờ đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Song vẫn nhớ như in từng hình ảnh của ngày giải phóng, những nhiệm vụ mà mình được giao và nỗ lực hoàn thành với tinh thần quyết thắng.

Trên sân khấu chương trình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - công dân ưu tú Thủ đô năm 2023, một người đã dành rất nhiều tình yêu, tâm huyết với Hà Nội qua nhiều công trình khảo cứu bộc bạch, dù từng viết 8 cuốn sách với hơn một triệu chữ song quả thật, những hiểu biết của anh về lịch sử lực lượng Công an Hà Nội còn rất ít. Thế nhưng sau khi ngồi ở phía dưới xem lại những hình ảnh tư liệu, lắng nghe những nhân chứng lịch sử, những tiết mục ca múa nhạc hào hùng, anh thật sự xúc động và hiểu thêm nhiều hơn về những chiến công, cống hiến lớn lao của lực lượng Công an Hà Nội và càng thấm thía câu nói "Hà Nội đẹp nhất là khi bình yên".

Cũng theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình, giai đoạn nào thì lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Công an Hà Nội nói riêng cũng gắn liền với những nhiệm vụ gian khó song luôn vượt qua với tinh thần "vì nhân dân quên mình".

Gần đây nhất, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, anh từng tình cờ được "mục sở thị" hình ảnh các chiến sĩ Công an Thủ đô vận chuyển đồ đạc giúp các hộ dân ngoài khu vực bờ đê sông Hồng, bế các cụ già, em nhỏ đặt lên thuyền phao kéo vào bờ...hình ảnh ấy đối với anh là "đặc biệt xúc động", khi đó, ngay lập tức anh đã ghi chép lại bằng hình ảnh và con chữ.

Trong giai đoạn hiện nay, mọi nhiệm vụ của ngành công an càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn, lực lượng công an không chỉ thực hiện các nhiệm vụ ngoài đời thật mà còn phải chiến đấu với cả "thế giới ảo" vô cùng rộng lớn và nguy hiểm. Song nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tin rằng, trí tuệ và sự quả cảm, kiên cường đã hun đúc nên tinh thần của các chiến sĩ công an từ bao đời nay sẽ giúp lực lượng Công an Thủ đô vượt qua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, để rồi lúc dân cần, dân khó đều có công an.

Lãnh đạo Bộ Công an cùng Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tri ân, tặng quà các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tham gia tiếp quản Thủ đô.

Lãnh đạo Bộ Công an cùng Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tri ân, tặng quà các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tham gia tiếp quản Thủ đô.

Đặc biệt, trong không khí hào hùng và xúc động đó, chương trình đã tri ân những đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ Công an trong 9 năm kháng chiến trường kỳ 1945 - 1954 và các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội tiếp quản Thủ đô. Đó là những người con ưu tú của Hà Nội đã không tiếc máu xương để bảo vệ từng tấc đất, từng con người Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công an cùng Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tri ân, tặng quà các đồng chí nguyên cán bộ Công an Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tham gia tiếp quản Thủ đô.

"Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên" không chỉ là một chương trình chính luận nghệ thuật đơn thuần mà là không gian lịch sử, không gian nghệ thuật được tái hiện bởi những cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô thế hệ sau này, khẳng định sự trân trọng những giá trị của quá khứ, sống có trách nhiệm với hiện tại, tạo động lực để hướng tới tương lai, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, phát triển trong an ninh và an toàn chính là tinh thần, là kim chỉ nam hoạt động của lực lượng Công an Hà Nội trong suốt 70 năm qua và cả trong cuộc hành trình viết tiếp những trang sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam.

Khoảnh khắc hàng trăm chiến sĩ cán bộ Công an Hà Nội đứng lên, trang trọng đặt tay lên ngực hướng về tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lần nữa bày tỏ tinh thần quyết tâm thực hiện đến cùng nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý ấy. Công nghệ trình chiếu 3D Mapping sử dụng hình ảnh, ánh sáng để tạo ra các hiệu ứng không gian 3D cũng góp phần tạo nên những cảm xúc mạnh cho cả những người thực hiện và cả khán giả theo dõi chương trình.

Xuyên suốt 3 chương của đêm diễn, không khí và không gian lịch sử hào hùng của 70 năm về trước cũng được tái hiện lại chân thực và sinh động qua nhiều ca khúc ghi lại từng giai đoạn, dấu mốc hình thành, phát triển và những chiến công của lực lượng Công an, những giai điệu về tình yêu Hà Nội, và cả những hoạt cảnh được dàn dựng ấn tượng, công phu như: hoạt cảnh "Dưới gót giày thực dân", hoạt cảnh "Toàn quốc kháng chiến", hoạt cảnh "Người mẹ vá áo"... Những cán bộ chiến sĩ Công an khiến người xem không khỏi bất ngờ khi hóa thân vào vai những chiến sĩ - nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu, nơi mà lịch sử được thế hệ sau kể lại bằng nghệ thuật, với lòng biết ơn và sự trân trọng nhất. Tham gia trình diễn trong chương trình có cả sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thanh Hoa, NSND Trọng Khang, ca sĩ Phạm Thu Hà, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân...

Chương trình cũng đã trở thành một dấu ấn ý nghĩa trong hành trình viết tiếp lịch sử của lực lượng Công an Hà Nội
Chương trình cũng đã trở thành một dấu ấn ý nghĩa trong hành trình viết tiếp lịch sử của lực lượng Công an Hà Nội

Xúc động chia sẻ sau ca khúc "Việt Nam trong tôi là" khép lại chương trình, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cho biết, anh cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được hát phục vụ cho các chiến sĩ Công an Thủ đô. Nam ca sĩ bày tỏ sự ngạc nhiên và nể trọng dành cho các chiến sĩ Công an bởi ngoài công tác tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội, các chiến sĩ còn hát hay, múa đẹp và cực kỳ chuyên nghiệp. Với anh, đây là một kỷ niệm rất đẹp.

Ca khúc "Bài ca Tuổi trẻ Công an Thủ đô" vang lên thay cho lời kết, chương trình cũng đã trở thành một dấu ấn ý nghĩa trong hành trình viết tiếp lịch sử của lực lượng Công an Hà Nội, sau này cũng sẽ trở thành những ký ức lịch sử, những nhân chứng lịch sử không thể nào quên của Hà Nội những năm tháng sau này.

Thượng uý Nguyễn Huy Hoàng - Ban Thanh niên Công an thành phố Hà Nội

Thượng uý Nguyễn Huy Hoàng - Ban Thanh niên Công an thành phố Hà Nội

Là một người con của Hà Nội, sinh ra, lớn lên và là người chiến sĩ Công an Thủ đô, tôi càng thêm tự hào hơn về lịch sử hào hùng của Thủ đô cũng như của lực lượng Công an. Được góp một phần nhỏ vào chương trình "Ký ức tháng Mười – Khát vọng Vì thủ đô bình yên" là một vinh dự lớn với cá nhân tôi và những đồng đội cùng xây dựng chương trình, thôi thúc cả ekip phải làm tất cả những gì có thể để chương trình thật sự ý nghĩa, để những thế hệ mai sau mãi khắc ghi. Mỗi trang tài liệu, mỗi bức ảnh lịch sử, mỗi câu chuyện được kể lại đều là những viên gạch nhỏ góp phần xây nên bức tranh hào hùng về Thủ đô.

Từ những ngày đầu chuẩn bị, từ kịch bản sơ khai cho đến khi bắt tay vào tập luyện, quay phóng sự… chúng tôi như được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, khoảnh khắc đứng trên sân khấu tối nay, nhìn thấy hàng trăm khán giả cùng chăm chú theo dõi và những tràng vỗ tay không ngớt, tôi và các đồng đội cảm thấy vô cùng xúc động. Đây không chỉ là một chương trình kỷ niệm đơn thuần mà còn là cầu nối để các thế hệ hiểu nhau hơn, tri ân những đóng góp, những hi sinh của những anh hùng Thủ đô.

Để có thể làm nên thành công đó, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Thủ đô và của Công an Hà Nội, tìm hiểu về những nhân vật lịch sử tiêu biểu. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, chương trình đã kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật như ca hát, múa, kịch... để tạo sự hấp dẫn, sinh động. Đặc biệt toàn bộ không gian trong Công an thành phố được sử dụng làm thực cảnh để tái hiện những dấu ấn lịch sử một cách chân thực nhất, đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật 3D Mapping được ứng dụng ngay chính trong khuôn viên của CATP. Chương trình cũng vinh dự khi được những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ủng hộ, đồng hành và lan tỏa thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.Tôi rất vinh dự khi được tham gia vào chương trình này và sẽ luôn trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ này.

Trung tá Nguyễn Ngọc Bích, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, giáo dục, Phòng Công tác Đảng công tác chính trị
Trung tá Nguyễn Ngọc Bích, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, giáo dục, Phòng Công tác Đảng công tác chính trị
Tôi rất vinh dự khi được tham gia tổ chức chương trình “Ký ức Tháng Mười – Khát vọng vì Thủ đô bình yên”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Để chương trình diễn ra thành công, ekip sản xuất chương trình đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ việc xây dựng kịch bản, tập luyện các tiết mục văn nghệ cho đến liên hệ với các cán bộ Công an Hà Nội tham gia tiếp quản Thủ đô 70 năm trước… Trong thời gian chuẩn bị, cùng với những thuận lợi thì chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc liên hệ với các đồng chí chứng nhân lịch sử do một phần vì tuổi đã cao, một phần nơi ở của các đồng chí ở nhiều nơi. Tuy nhiên, một niềm hạnh phúc của những người thực hiện chương trình là khi gặp mặt, các đồng chí chứng nhân lịch sử vẫn khỏe mạnh. Khi được trực tiếp lắng nghe những câu chuyện của các đồng chí cán bộ Công an Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp và tiếp quản Thủ đô, chúng tôi càng cảm thấy tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây là nguồn động lực to lớn để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt chương trình. Thùy An (ghi)