Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9

Chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi": Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

ANTĐ - Chương trình hòa nhạc đẳng cấp với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu trong làng nhạc Việt nhưng lại không bán vé nên đã có lúc “Điều còn mãi” phải dừng lại vì không có tài trợ. Dù vậy vẫn có những tài năng âm nhạc như Trọng Tấn hay Tùng Dương tuyên bố sẵn sàng tham gia chương trình mà không tính đến chuyện cát-sê.
Chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi": Khơi dậy lòng tự hào dân tộc ảnh 1

Trọng Tấn và Tùng Dương tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Điều còn mãi”

Đồng lòng vì tình yêu Tổ quốc

Có thể khẳng định “Điều còn mãi” là một trong rất ít chương trình có thể trụ được qua 5 lần tổ chức khi mà đơn vị thực hiện tự đứng ra chịu mọi chi phí. Đặc biệt hơn cả khi đây là chương trình hòa nhạc của Việt Nam được đánh giá có chất lượng không kém gì những chương trình hòa nhạc Hennnessy Concert hay Toyota Classic. Tuy nhiên cũng bởi gánh nặng về kinh phí nên năm ngoái chương trình này đã không thể diễn ra.

Như lời nói vui của ông Phạm Anh Tuấn - đại diện đơn vị tổ chức chương trình thì nhiều khả năng việc thiếu vắng “Điều còn mãi” trong dịp 2-9 năm ngoái khiến khán giả thấy hụt hẫng, còn các nhà tài trợ thấy có lỗi vì đã không hỗ trợ thực hiện chương trình. Vì vậy, một số nhà tài trợ đã tuyên bố sẽ chia sẻ gánh nặng tài chính với đơn vị tổ chức đến khi nào chương trình này dừng lại mới thôi. Đó cũng là lý do để chương trình này có dịp trở lại vào dịp Quốc khánh 2-9 năm nay. 

Dù vậy, đại diện đơn vị tổ chức “Điều còn mãi” không giấu giếm việc từ lúc tái khởi động ý tưởng thực hiện chương trình này đến khi thực hiện chỉ vỏn vẹn trong 1 tháng. Tuy mọi việc diễn ra gấp gáp nhưng  chương trình nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ như: Lan Anh, Trọng Tấn, Tùng Dương, Đăng Dương… Thậm chí, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia dù kín  lịch biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn song vẫn sẵn lòng ngày đêm tập luyện để đồng hành cùng chương trình. Lý do của sự nhiệt tình này theo tiết lộ của đơn vị tổ chức là tất cả đều mong muốn làm nên một buổi hòa nhạc xúc động lòng người và khơi dậy tình yêu Tổ quốc. 

Nâng tầm thành hòa nhạc quốc gia

Chọn thời điểm 2h chiều    2-9, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - một trong những người sáng lập ra chương trình “Điều còn mãi” chia sẻ, đó là thời điểm ngày đầu thu nắng vàng rực rỡ và cũng là thời khắc lịch sử trọng đại khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng với ý nghĩa này nên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi được xem là “thánh đường nghệ thuật” là địa điểm duy nhất mà đơn vị tổ chức nghĩ đến. 

Khác với 5 lần tổ chức trước đây, năm nay chương trình “Điều còn mãi” được nâng tầm lên thành hòa nhạc quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Chia sẻ về những điểm mới của chương trình lần này, nhạc trưởng Lê Phi Phi cho biết nếu như các năm trước luôn có sự tách bạch giữa hai phần khí nhạc và thanh nhạc thì ở lần này việc biểu diễn hai mảng trên sẽ được thực hiện xen kẽ nhau. Song điều quan trọng nhất của việc biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Việt Nam thuộc dòng giao hưởng thính phòng là nhóm lên trong mỗi người ngọn lửa về lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.

Có một điều mà những người thực hiện chương trình cảm thấy tiếc nuối, đó là “Điều còn mãi” năm nay sẽ không được VTV tiếp sóng trực tiếp để đến với khán giả. Tuy nhiên, đại diện đơn vị tổ chức cho biết buổi trình diễn ý nghĩa trên sẽ được tiếp sóng trực tuyến trên mạng internet để khán giả ở khắp nơi trên thế giới cũng có thể thưởng thức.

Cũng nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức triển lãm tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa” tại sảnh Nhà hát Lớn để thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân nước Việt. Tất cả được kỳ vọng sẽ trở thành dấu ấn đẹp không chỉ về nghệ thuật mà còn là lời hiệu triệu về tình yêu Tổ quốc.