Chương trình đặc biệt về thực hành dược lâm sàng

ANTD.VN - Ngày 23-7-2018, Bộ Y tế và VPĐD Merck Export GmbH Việt Nam (Merck Việt Nam) ký thoả thuận hợp tác (MOU) để chính thức triển khai chương trình quốc gia “Nâng cao năng lực thực hành Dược lâm sàng cho Dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”.

Dược lâm sàng là một hoạt động thực hành khoa học sức khỏe, trong đó người Dược sĩ tư vấn về thuốc cho Bác sĩ, giúp tối ưu hóa phát đồ điều trị, đồng thời giúp tư vấn cho người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

Đây là một trong những dự án cấp quốc gia đầu tiên về Dược lâm sàng dành riêng cho hoạt động thực hành Dược. Chương trình cũng được xem là bước tiếp nối và nhân rộng mô hình từ việc thực hành thí điểm đã triển khai thành công năm 2017 tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Chương trình đặc biệt về thực hành dược lâm sàng ảnh 1

Chương trình liên kết của Bộ Y tế và VPĐD Merck Export GmbH Việt Nam mang lại nhiều hứa hẹn

Có thể nói, việc triển khai chương trình “Nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng cho Dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” không chỉ là một niềm vui lớn cho cộng đồng Dược sĩ Việt Nam với sự quan tâm của Bộ Y tế nói riêng, của toàn ngành y tế nói chung, mà còn là một bước tiến mới trong quan hợp tác chiến lược giữa Bộ Y tế và Merck, đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài cho các dự án tiếp theo cùng chung tay vì sức khỏe của bệnh nhân Việt Nam.

PGS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, phát biểu: “Dược lâm sàng từ đâu đã là một ngành phát triển tại các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Singapore. Trong những năm qua, Bộ Y tế cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của Dược lâm sàng nhằm thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế, giảm chi phí cho người bệnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Với dự án lần này, chúng ta hy vọng Dược lâm sàng sẽ cải thiện chất lượng cho điều trị bệnh và sức khoẻ cho người dân Việt Nam”.

Ông Andre Musto, Phó chủ tịch Điều hành khu vực châu Á TBD, Merck Biopharma, nhận định rằng: Chúng tôi luôn đặt bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu, do đó chúng tôi rất vui được hợp tác với Bộ Y tế trong dự án ý nghĩa này góp phần nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng cho Dược sĩ, tạo điều kiện thúc đẩy thực hành Dược lâm sàng để tối ưu hóa chất lượng điều trị cho bệnh nhân”.

Có hơn 20 các nhóm bệnh lý khác nhau, trong đó, Đái tháo đường và Tim mạch là hai bệnh mãn tính có dân số rất đông, và mức độ gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây, tương tự, Ung thư cũng là một bệnh có mức độ gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam, vì vậy ba mảng bệnh này cần được ưu tiên quản lý tốt hơn bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa Dược- Y Bác Sĩ trong thực hành lâm sàng.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản…đã đạt được những bước phát triển đáng kể cho phân ngành thực hành Dược lâm sàng. Tại Việt Nam, Dược lâm sàng cũng đã được quan tâm từ những năm 90 của thế kỷ 20 khi phân môn này được đưa vào trong chương trình giảng dạy tại một số trường đại học Y Dược. Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực hành thì vẫn còn rải rác, chưa đồng bộ và chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Thực tế, để triển khai hoạt động này, các cơ sở y tế phải đối mặt với không ít khó khăn, như thiếu nhân lực, hoặc nguồn lực dược sĩ hiện có chỉ đáp ứng được cho chu cầu cung ứng và cấp phát thuốc, thiếu thời gian cho việc chuyên sâu vào công tác lâm sàng.

Để nhanh chóng hội nhập cùng quốc tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 31/2012/TT-BYT. Tiếp theo, Luật Dược 105/2016/QH13 lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của phân ngành này, và được biết Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch xây dựng Nghị Định mới để hướng dẩn thêm chi tiết thực hiện. Song song, chương trình này, được xem là một bước ngoặc đáng kể mà Bộ Y tế muốn giúp các cơ sở y tế hiện thực hóa việc thực hành Dược lâm sàng một cách đồng bộ và thường qui.

Dự án tiên phong này mang ý nghĩa rất quan trọng tại Việt Nam, khi mà trong những năm qua, chính sách quốc gia về Dược đã quy định việc ưu tiên phát triển hoạt động Dược lâm sàng và cảnh giác dược nhằm bảo đảm sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn và hợp lý, và đây là một bước ngoặc lớn cho việc hiện thực hóa  thực hành Dược lâm sàng thành một hoạt động thường quy và đồng bộ hơn.