"Chướng ngại vật" trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

ANTD.VN - Dù có những tín hiệu tích cực từ đàm phán, song Mỹ và Trung Quốc còn phải vượt qua chặng đường dài với nhiều “chướng ngại vật” để đi tới cái đích cuối cùng là một thỏa thuận tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại.

"Chướng ngại vật" trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng 

Có những tín hiệu lạc quan thấy rõ từ cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong 2 ngày 10 và 11-10 tại Wahington khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-11 đã nói rằng: “Tôi nghĩ mọi việc đang tiến triển thực sự tốt. Chúng tôi có cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc”. Điều đó còn thể hiện qua việc Tổng thống Donald Trump cho biết ông gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, tại Nhà Trắng trong ngày 11-10.

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh quan hệ song phương đang khá căng thẳng, không chỉ về kinh tế, thương mại hay tài chính tiền tệ mà còn cả về ngoại giao và an ninh. Cuộc đàm phán này cũng diễn ra chỉ vài ngày trước hạn chót 15-10, thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế 25-30% đối với ít nhất 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. 

Không chỉ có vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn vừa liên tiếp giáng những đòn khá nặng ký với Trung Quốc vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc đàm phán thương mại tại Washington. Trong đó đáng kể nhất là việc chính quyền Mỹ vào ngày 7-10 đã liệt 28 thực thể Trung Quốc là các cơ quan an ninh nhà nước và các công ty công nghệ nhà nước vào danh sách đen thương mại với cáo buộc “có dính líu đến việc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương”, đồng thời cảnh báo thêm rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra trong cách xử lý tình hình bất ổn ở Hồng Kông cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán.

Trong khi đó, kết quả cuộc đàm phán tại Washington lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với không chỉ Trung Quốc mà cả với Mỹ, trước hết tránh cho hai bên lao vào cuộc chiến tranh thương mại tồi tệ. Thế nên, dù tung ra những đòn tấn công gây áp lực, “nắn gân” nhau, song Washington và Bắc Kinh cùng có những động thái khác để “mở đường” khai thông thế bế tắc lâu nay trong đàm phán giữa hai nước.

Một trong những cử chỉ thiện chí thấy rõ của Trung Quốc là việc nước này đề xuất tăng khá mạnh việc nhập khẩu nông sản từ Mỹ như tăng lượng nhập khẩu đậu tương của Mỹ từ 20 triệu tấn/năm hiện nay lên 30 triệu tấn/năm và mức tăng này tương đương khoảng 3,25 tỷ USD. Gia tăng nhập nông sản Mỹ là một trong những yêu cầu quan trọng của Washington đối với Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Thiện chí thể hiện những nhượng bộ trong đàm phán dường như đã mang tới kết quả khá tích cực trong ngày đầu đàm phán 10-10 khi những thông tin “rò rỉ” cho thấy Mỹ và Trung Quốc có khả năng đạt được thỏa thuận tránh thao túng tiền tệ. Người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant cho biết, hai bên thậm chí có khả năng đạt được một thỏa thuận tiền tệ và điều này giúp chính quyền Mỹ sẽ không áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15-10 tới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn những “chướng ngại vật” rất lớn khác trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đòi hỏi phải vượt qua. Vì thế, dù Tổng thống Donald Trump nói đàm phán đang tiến triển tốt, nhưng “một thỏa thuận toàn diện” theo như yêu cầu của chính ông chủ Nhà trắng lại đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc còn phải giải quyết tất cả các bất đồng và khác biệt quan điểm, nên kết quả thực sự mà hai bên đạt được trong vòng đàm phán này có khả năng chỉ là những “thỏa thuận nhỏ”.